2 tháng tuổi đã phải vào tù cùng mẹ
Gia đình bà Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1925) cùng con cháu sinh sống tại vùng quê tỉnh Tây Ninh. Gia đình mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng cuộc sống vẫn bình yên.
Năm 1979, tai họa bỗng ập đến gia đình bà khi tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Gia đình bà Thương lần lượt bị bắt.
Hơn 4 năm điều tra không thể xác minh được hành vi phạm tội nên cơ quan điều tra tỉnh Tây Ninh quyết định thả tự do cho cả người trong gia đình bà Thương.
Sau khi được tự do, gia đình bà Thương trở về đề địa phương, bắt đầu chuỗi ngày đau khổ của người mới ra tù, bị mọi người gièm pha, nghi ngại. Không chịu nổi được những điều tiếng, gia đình bà Thương phải từ bỏ nơi “chôn nhau, cất rốn”, đi phiêu bạt xứ người. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại sau lưng.
Gia đình bà Thương tan nát vì án oan. |
Sau đó, bà Nguyễn Thị Thương cùng chồng là ông Nguyễn Thành Nghị đưa các con về xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để mưu sinh cũng như trốn thân phận bị can của mình.
Hầu hết những người trong gia đình mang thân phận bị can nên ít ai dám thuê làm, cuộc sống gia đình khó khăn lại càng khó khăn hơn nữa. Ông Nghị cùng các con phải làm đủ tất cả công việc để kiếm từng bữa cơm lo cho gia đình.
“Ngày đó, cực khổ lắm con ơi, ăn không đủ no. Đi đâu cũng cúi mặt sợ người ta biết mình từng bị tù đày nhưng sau đó mọi người cũng biết chuyện. Một số người hiểu chuyện thì họ thương cho hoàn cảnh gia đình bà, còn phần lớn thì bị kỳ thị. Sức khỏe sau những năm tháng ở trong tù khiến tôi già yếu đi trông thấy nên không phụ giúp được nhiều cho gia đình, nhìn đàn cháu đói, khổ mà bà càng uất hận điều tra viên năm xưa đã đẩy gia đình tôi vào cùng cực”, bà Thương nhớ lại.
Thời gian dần trôi qua, các cháu bà Thương cũng đến tuổi đến trường nhưng bị bạn bè xa lánh, hoàn cảnh khó khăn nên những người cháu bà Thương không ai được học hết cấp 1.
Chị Chung theo mẹ vào tù khi 2 tháng tuổi. |
Chị Nguyễn Kim Chung (cháu ngoại bà Thương – người theo mẹ vào tù khi vừa 2 tháng tuổi) chia sẻ: “Nỗi oan khuất này đối với gia đình tôi là quá lớn, không có gì có thể bù đắp được. Tuổi thơ của tôi lớn lên trong lao tù, suốt ngày chứng kiến bố, mẹ phải chịu cực hình. Sau khi ra tù tôi được mẹ cho đi học như bao đứa trẻ nhưng luôn bị kỳ thị, đánh đập và gọi tôi là quân ăn cướp, gia đình cướp tài sản… Chịu không nổi nên tôi đành nghỉ học. Lớn lên khi xây dựng tổ ấm riêng chưa được bao lâu thì gia đình chồng biết chuyện cả nhà tôi từng bị đi tù nên ép chồng cũ ly hôn với tôi”.
Bây giờ bà Lan có thể tuyên bố bà không phải là ăn cướp. |
Chị Chung chưa kịp dứt lời thì bà Nguyễn Thị Lan (mẹ chị Chung) quay sang nhìn chị Chung và nói: “Thương các con của mẹ, chỉ vì năm xưa bố mẹ bị ép cung, nhục hình nên mới có hệ lụy như ngày hôm nay. Bây giờ mẹ có thể tuyên bố với mọi người rằng mẹ của con không phải là ăn cướp. Gần nửa thế kỷ qua gia đình mình đã chịu đủ mọi tủi nhục rồi con à, từ ngày hôm nay gia đình mình sẽ khác thôi con!”.
Niềm tin vào pháp luật
Cũng chính vì những lời cay nghiệt mà những đứa con của ông Nguyễn Văn Dũng (con trai bà Thương) phải nghỉ học sớm nên hiện nay đi xin việc đâu cũng không ai nhận vì không học hết cấp 1.
Vì oan sai mà con ông Dũng không được học hành tử tế. |
Sau bao nhiêu năm đi cầu cứu khắp nơi thì ngày 4/4/2019, các thành viên trong gia đình bà Thương được trao quyết định trả lại thân phận là một công dân thực sự sau 40 năm mang thân phận bị can.
“Khi được thông báo nhận quyết định đình chỉ thì cả gia đình tôi vô cùng vui sướng, đêm đó cả nhà không ai ngủ được chỉ mong trời sáng thật nhanh để đi Tây Ninh nhận quyết định. Tuy nhiên, niềm vui của gia đình chúng tôi vẫn chưa được trọn vẹn khi cha tôi đến chết vẫn còn thân phận bị can. Bây giờ tôi chỉ mong Viện KSND tỉnh Tây Ninh sớm xin lỗi và bồi thường oan sai cho gia đình tôi khi mẹ tôi vẫn còn sống”, ông Dũng nói.
Ông Nghị mất khi còn mang thân phận bị can. |
“Ngày ổng đi, ông cầm chặt tay tôi và căn dặn nhớ tiếp tục kêu oan giúp ông. Nắm tay ổng, bàn tay còn đầy viết sẹo của nhục hình mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi nay đã già, sức khỏe đã yếu nhưng tôi vẫn tiếp tục theo vụ án này vì tôi tin vào công lý, sự công bằng. Những đau thương, mất mát gia đình tôi phải gánh chịu tôi tin sẽ có một ngày được bù đắp. Bây giờ nỗi oan đã được gột rửa thì tôi chỉ mong có tiền chữa bệnh cho thằng Út bởi những năm tháng gia đình tôi ở tù không ai chăm sóc nó nên bây giờ nó không được bình thường”, bà Thương nói trong nước mắt.
Dù bị oan nhưng bà Thương luôn có niền tin vào pháp luật. |
Vẫn là những con người ở vụ án oan 40 năm qua, vẫn những gương mặt khắc khổ của gần một đời thương đau nhưng nay đã nhìn thấy trên môi họ những nụ cười.
Sau 40 năm bị oan sai, gia đình bà Thương đã tìm được nụ cười. |
Khiếu nại quyết định đình chỉ Trong những người trong gia đình bà Thương thì chỉ có bà mới nhận được quyết định đình chỉ đúng. Quyết định đình chỉ của bà Lan viết sai tên “Lan” thành “Lang”, còn ông Dũng thì bị sai năm sinh và địa chỉ. Riêng đối với quyết định của ông Nghị, do ông đã mất nên cần có người đại diện hợp pháp cho ông thì mới có thể nhận được. Sau khi nhận được quyết định không đúng, bà Lan và ông Dũng đã khiếu nại quyết định của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Được biết, Viện KSND tỉnh Tây Ninh đã trả lời ông Dũng và bà Lan, đồng thời sẽ giải quyết khiếu nại trong thời gian sớm nhất. |
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí