Kinh tế

Võ Kim Cự: Tạo động lực mới để Hà Tĩnh cất cánh

Hình ảnh về một vùng quê nghèo đang dần lùi xa, Hà Tĩnh hôm nay trong con mắt của nhà đầu tư là điểm đến giàu tiềm năng về tài nguyên, nguồn nhân lực và những lợi thế về giao thương.

Hà Tĩnh đang tiến những bước vững chắc và đầy ấn tượng trong thu hút đầu tư, với việc hình thành và phát triển khu kinh tế (KKT) trọng điểm của cả nước. Hà Tĩnh hôm nay đang khẳng định mình, tự tin song hành cùng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên con đường tiến sâu vào hội nhập.


Không nhiều địa phương hội tụ được những lợi thế về tiềm năng kinh tế, văn hóa và lịch sử như Hà Tĩnh. Với 137 km bờ biển, Hà Tĩnh đặc biệt có lợi thế về phát triển cảng biển. Hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển tạo sự thuận lợi cho việc giao thương kinh tế. Tuyến Bắc Nam có QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy qua; tuyến Đông Tây có QL 12 nối cửa khẩu Chalo, QL 8A nối Cửa khẩu Cầu Treo với cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương là cửa ngõ ngắn nhất đi ra biển của Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Myanmar. Hiện nay, cảng Vũng Áng đã hoàn thành 2 cầu cảng cho tàu 5 vạn tấn và cảng nước sâu Sơn Dương đang xây dựng cho tàu 30 – 40 vạn tấn cập cảng.


Nguồn điện được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Các tuyến 110 KV, 220 KV, 500 KV thuộc hệ thống lưới điện quốc gia đều đi qua Hà Tĩnh. Tại KKT Vũng Áng, đã qui hoạch cụm nhiệt điện có công suất 6.300 MW. Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất 1.200 MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư xây dựng, đến quý 3/2013 sẽ phát điện và hòa lưới quốc gia. Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 chuẩn bị được khởi công. 10 tổ máy phát điện của dự án FORMOSA công suất 1.500 MW đang triển khai thi công.

Công tác chuẩn bị đã hoàn tất

Một góc KKT Vũng Áng

Nguồn nước phong phú nhờ hệ thống sông, suối, hồ đập khá nhiều với 13 con sông lớn, nhỏ, 345 hồ chứa, 48 đập dâng với tổng dung tích trên 800 triệu m3 nước; nhiều công trình thủy lợi lớn đang được xây dựng nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh.


Hà Tĩnh là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng GD-ĐT với 20.000 – 25.000 học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó có khoảng 10.000-12.000 em vào các trường đại học, cao đẳng mỗi năm. Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có đội ngũ giáo sư, tiến sỹ đông nhất cả nước.


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015) đã xác định hướng đột phá kinh tế của Hà Tĩnh là: xây dựng tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của khu vực miền Trung và cả nước. Kết quả của quá trình phấn đấu đầy quyết tâm, bền bỉ và sáng tạo của tỉnh trong những năm qua để thực hiện mục tiêu này, đó là hiện thực về những dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như: Khu liên hợp luyện thép và Cảng nước sâu Sơn Dương; Trung tâm Nhiệt điện Vũng Áng; hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang; KKT Vũng Áng; KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo…


Động lực từ các dự án lớn chính là đầu tàu kéo nền kinh tế Hà Tĩnh tiến nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2006 – 2010) đạt 10% và năm 2012 đạt 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách năm 2012 tăng gần 5 lần so với năm 2005; văn hóa – xã hội có bước chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,62% năm 2005 xuống còn 14,2% năm 2012.

Tạo động lực mới để Hà Tĩnh cất cánh

Cùng với KKT Vũng Áng, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đang là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư

Trên lộ trình phấn đấu quyết liệt để thực hiện tầm nhìn Hà Tĩnh tương lai, với nền tảng nguyên tắc thịnh vượng, cơ hội, minh bạch, khả năng chống chọi thách thức và phục hồi, tỉnh xác định tập trung thu hút các nguồn lực lớn là việc phải làm trước hết. Những năm qua, tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách phục vụ phát triển KT-XH và các chính sách: hỗ trợ SXKD hàng hóa, dịch vụ, xuất khẩu; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn; đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.


Tỉnh đã phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư và ban hành danh mục các lĩnh vực ưu tiên xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020; quy định trình tự, thủ tục đầu tư các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiến hành đầu tư vào Hà Tĩnh. Việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư được tỉnh hết sức chú trọng.


Năm 2011, Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam với 83 đoàn là đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các bộ ngành, tổ chức ở T.Ư và các tỉnh bạn; tích cực tham gia phối hợp tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Bắc Trung bộ tại TP Vinh. Hà Tĩnh cũng là địa phương dành sự quan tâm đặc biệt đến việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội làm việc tại Hà Tĩnh

Dự án Thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đang gấp rút cho ngày chặn dòng hứa hẹn sớm giải quyết nguồn nước lớn phục vụ sản xuất và dân sinh

Hà Tĩnh đã đứng vào danh sách tốp đầu về chỉ số cạnh tranh và thu hút đầu tư cấp tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài được chú trọng trong những năm gần đây, không chỉ với việc mời gọi, giới thiệu, hướng dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội ở Hà Tĩnh mà tỉnh còn chủ động tiếp xúc, làm việc với các đại sứ quán và các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực và cách làm sáng tạo, quyết liệt đó đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm nhiều hơn đến Hà Tĩnh.


Những dự án tầm cỡ quốc gia, quốc tế từ đó đã được hình thành. Đến thời điểm này, đã có 301 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn trên 346 nghìn tỷ đồng, trong đó có 48 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 218 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng vốn đăng ký. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đang đầu tư tại Hà Tĩnh như: FORMOSA (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc), Mitsumishi (Nhật Bản)… Trong nước có Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Than – Khoáng sản, Tập đoàn Điện lực, Tổng Công ty Sông Đà, Viễn thông quân đội.


Hà Tĩnh đang là một trong những tỉnh thu hút được dự án đầu trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước (dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 10 tỷ USD) và là một trong 10 tỉnh dẫn đầu thu hút nguồn đầu tư ODA.

Trường ĐH Hà Tĩnh

Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục, Hà Tĩnh luôn sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư

Trong chuỗi những nỗ lực để cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư, Hà Tĩnh đã tiếp cận với Tập đoàn Monitor (Mỹ) để triển khai xây dựng một bản quy hoạch có tính chiến lược và khoa học. Ngày 27/11/2012, quy hoạch chiến lược phát triển KT-XH Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg. Bản quy hoạch Monitor – với phương pháp tiếp cận mới của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới đã vạch ra các mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH Hà Tĩnh và đề xuất khả năng huy động các nguồn lực để thực hiện.


Quy hoạch đã chỉ rõ danh mục các dự án đầu tư và lộ trình triển khai; xác định rõ trụ cột các sản phẩm chủ lực các ngành, lĩnh vực, đồng thời cũng đã sàng lọc và lựa chọn hàng trăm cơ hội đầu tư, giới thiệu các nhà đầu tư tiềm năng và lộ trình thực hiện của các cơ hội đầu tư; đưa ra định hướng phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, cải thiện cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp; thúc đẩy hội nhập.


Theo đó, Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng cao với 3 thành tựu cụm ngành trọng điểm chính: hiện đại hóa thành công nền nông nghiệp; phát triển ngành sắt – thép và xây dựng Hà Tĩnh thành một trung tâm thương mại và hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan. Trên cơ sở chiến lược này, trong thời gian từ 2011-2015, tỉnh chủ yếu tập trung phát triển cụm ngành sắt – thép; hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nền tảng để phát triển thương mại, giao thông vận tải, hậu cần và hỗ trợ các cụm công nghiệp. Quy hoạch phát triển KT-XH Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 chính là một lợi thế lớn để tỉnh tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng thời cũng là cơ sở để các nhà đầu tư chủ động xây dựng những chiến lược hợp tác mới ở Hà Tĩnh.


Hội nghị công bố quy hoạch chiến lược KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Hà Tĩnh tổ chức vào những ngày cả nước náo nức không khí thi đua hướng đến ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và kỷ niệm sinh nhật Bác (19/5). Ngọn lửa cách mạng trên vùng quê giàu truyền thống đang tiếp thêm ý chí cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội, chủ động hội nhập, tạo động lực mới để làm cho Hà Tĩnh thực sự “nổi bật lên” như lời căn dặn của Bác Hồ.



Võ Kim Cự – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP