Trong danh sách 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) từ 6 tháng trở lên, số liệu tính đến hết 31/10/2017 vừa bị cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội công bố, cái tên quen thuộc Vinaxuki lại xuất hiện.
Theo đó, Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) – NM SX ô tô tại địa chỉ số 1 Mê Linh, Hà Nội nợ 64 tháng, với số tiền 16,752 tỷ đồng.
Thương hiệu Vinaxuki lừng lẫy một thời vừa bị bêu vì nợ BHXH. |
Còn nhớ cách đây 10 năm, Vinaxuki là thương hiệu nổi tiếng, là niềm tự hào của ô tô Việt với tỉ lệ nội địa hóa lên đến 40 – 50%. Cũng từ Vinaxuki, Việt Nam đã "suýt" có ô tô thương hiệu Việt đầu tiên mang tên V5 vào những năm 2008, 2009. Song rất tiếc, đó là một giấc mơ dang dở.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Vinaxuki cho biết, từ năm 2008 Vinaxuki đã xây dựng dự án và bắt đầu giai đoạn đầu tư công nghệ cao để sản xuất ô tô Việt Nam với mức nội địa hóa lên đến 50%, một số mẫu ô tô của hãng này bán tốt, được thị trường chấp nhận. Tuy nhiên đến năm 2012 Vinaxuki bị các ngân hàng dừng cho vay vốn.
“Sau quyết định nói trên, tình hình sản xuất kinh doanh của Vinaxuki bị đình đốn, nhà xưởng và máy móc thiết bị tại cụm công nghiệp Thái Nguyên, Thanh Hóa và Hà Nội bị dột nát, han gỉ. Trong 5 năm qua, chúng tôi đã phải vay người thân 4,6 tỷ đồng để trả lương nhân viên trông coi quản lý, thợ điện, bảo vệ…” – ông Huyên đau xót nói.
Được biết, tính đến ngày 30/6/2017, tổng số nợ gốc của Vinaxuki tại bốn ngân hàng thương mại là gần 1.367 tỷ đồng. Trong đó, nợ tại Vietcombank là hơn 623 tỷ đồng, tại BIDV 608 tỷ đồng, tại Vietinbank là 98 tỷ đồng và tại VIB là 36 tỷ đồng.
Cho rằng mình không gặp may mắn về tài chính, cộng với các vấn đề khác trong làm ăn, vào tháng 9/2017, ông Bùi Ngọc Huyên đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, ban Kinh tế TW, Văn phòng Chính phủ và một số ban bộ ngành khẳng định Vinaxuki đầu tư công nghệ ô tô sớm nhất ở Việt Nam là đúng đắn về công nghệ và thị trường, qua đó đề xuất được vay 30 triệu USD để mua lại nợ xấu hoặc VAMC mua nợ xấu và tái cơ cấu cho Vinaxuki.
Tuy nhiên, sau đó bộ Tài chính đã có văn bản trả lời đề xuất của Vinaxuki về việc xin được vay vốn ngân hàng để mua lại các khoản nợ xấu tại VAMC là không có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Ngày 16/9/2017, ông Bùi Ngọc Huyên gửi văn bản đến ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 4 ngân hàng thương mại, đề nghị được cơ cấu nợ để tiếp tục giấc mơ sản xuất ô tô Việt. Hiện tại đề nghị nói trên chưa được chấp nhận.
Ngoài Vinaxuki, trong doanh sách 500 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài vừa được công bố, có khá nhiều cái tên doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần LILAMA 3 (Lô 24-25, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội), với số tháng nợ 59 tháng và số tiền nợ 27,942 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc XK VIT Garment (Khu Công nghiệp Quang Minh- Mê Linh), nợ 20 tháng, với số tiền 22,698 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 12 Cienco 1 (số 463, Nguyễn Văn Linh, P. Phúc Đồng, quận Long Biên) nợ số tiền 15,986 tỷ đồng, thời gian nợ là 17 tháng; Công ty CP 116-Cienco 1 (Số 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), nợ tới 101 tháng, với số tiền hơn 15 tỷ đồng; Công ty CP Sông Đà - Thăng Long (Khu Đô thị mới Văn Khê - La Khê - Hà Đông), nợ 71 tháng với số nợ hơn 14 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí và xây lắp số 7 (Liên Ninh - Thanh Trì), nợ 67 tháng với số tiền 13,682 tỷ đồng…
Tác giả: Minh Minh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin