Đó là phản ánh của đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2017, tại TP.HCM, ngày 16-6.
Thiệt thòi vì cách tính lương hưu
Đại diện một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM cho rằng những người làm chính sách khi xây dựng lương hưu cần tạo niềm tin cho người lao động, vì đa phần công nhân lao động trong công ty là người nhập cư. Họ tham gia BHXH và có nguyện vọng nhận một lần, thay vì gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu do tâm trạng bất an. Đây là nguyên nhân khiến lao động ở các doanh nghiệp luôn biến động.
Theo đại diện công ty này, công ty hoạt động đã 20 năm, những người vào công ty làm từ những ngày đầu đã tham gia gần đủ 20 năm BHXH, tuy nhiên chưa đủ tuổi hưu. Thế nhưng khi có thông tin từ ngày 1-1-2018 có sự thay đổi về cách tính lương hưu sẽ giảm, nhiều người đã đồng loạt xin nghỉ việc để hưởng chế độ BHXH một lần, thay vì chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu.
Đại diện một công ty vốn đầu tư Nhật Bản lĩnh vực logistics cũng cho rằng quy định về cách tính lương hưu đối với người lao động trong các doanh nghiệp như hiện tại thiệt thòi cho người lao động. Trong khi những người hưởng lương hưu tính theo bảng lương nhà nước được tính trung bình 5-10 năm cuối trước khi nghỉ hưu thì với lao động tại các doanh nghiệp lại là bình quân cả quá trình tham gia BHXH nên lương hưu sẽ rất thấp.
Vị này thông tin thêm, nhiều lao động vào công ty làm từ những ngày đầu, họ là những người đóng góp nhiều nhất, thế nhưng họ lại thiệt thòi vì cách tính lương hưu bình quân như thế. Cần xem lại cách tính lương hưu cho người lao động để họ không bị thiệt thòi, bất mãn.
Đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài băn khoăn về chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: BHXH |
Không thể vỡ quỹ BHXH
Giải đáp những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho rằng cách tính lương hưu dựa trên mức đóng hưởng. Trong đó căn cứ vào chỉ số trượt giá để điều chỉnh mức hưởng lương hưu của người lao động để nâng tỉ lệ trượt giá. “Hướng điều chỉnh lương hưu bao giờ cũng theo hướng có lợi cho người lao động” - ông Liệu khẳng định.
Theo ông Liệu, người lao động có tâm lý biết bao giờ mới nghỉ hưu nên muốn hưởng chế độ một lần. Nhưng nếu không ràng buộc mà mỗi lần nghỉ một lần chuyển, hưởng sẽ rất khó khăn khi về hưu. Nếu không tính toán lâu dài, đến khi hết tuổi lao động cuộc sống sẽ hết sức khó khăn. “Quỹ BHXH luôn tồn tích, không bao giờ bị mất, vỡ và được Nhà nước bảo hộ. Việc điều chỉnh chính sách là theo nhu cầu, lợi ích của người lao động để quỹ BHXH an toàn hơn, tiệm cận với thế giới” - ông Liệu trấn an.
Về than phiền của doanh nghiệp do mức đóng BHXH cao trong khi mức hưởng thấp, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đánh giá tỉ lệ hưởng BHXH nước ta cao nhất thế giới (75%) nhưng mức hưởng lại khá thấp do mức đóng BHXH thấp, chính vì vậy người về hưu sẽ kham khổ. Theo đó, để cải thiện mức hưởng lương hưu, từ ngày 1-1-2018 mức đóng BHXH bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác, thay vì mức đóng dựa vào lương tối thiểu ghi trong hợp đồng.
Kết dư BHXH hơn 500.000 tỉ đồng Cơ quan BHXH được xã hội, Chính phủ đánh giá có sự đổi mới tích cực, từ 300 thủ tục giảm xuống còn 50 thủ tục, từ hơn 200 giờ giao dịch xuống còn 84 giờ và phấn đấu dưới 50 giờ. Hiện kết dư BHXH khoảng 500.000 tỉ đồng, số tiền này được đầu tư có lãi suất cao hơn đầu tư ngân hàng. Năm 2016 quỹ này đầu tư đạt mức tăng trưởng 7,8%. Quốc hội yêu cầu Chính phủ thay vì đầu tư vào trái phiếu thì đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia có lợi ích cao để tạo ra lợi nhuận cao hơn, để đảm bảo an toàn quỹ. Chính sách BHXH gần chạm ngưỡng đóng hưởng, tức đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều và giữ vững sàn an sinh. Ông BÙI SĨ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Quỹ BHXH không bị vỡ vì đây là quỹ do Nhà nước bảo hộ. Nếu cứ theo lộ trình đóng hưởng như hiện tại, đến năm 2034 có thể mất cân đối đóng hưởng chứ không thể vỡ quỹ như nhiều người lo ngại. Chính vì thông tin không chính xác nên người lao động và người sử dụng lao động mất niềm tin. Ông MAI ĐỨC CHÍNH, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn |
Tác giả: Phong Điền
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM