Cụm tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại Ngã ba Nghèn – nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau
Là một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất và con người Can Lộc đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của dải đất miền Trung anh dũng, kiên cường. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, mảnh đất và con người Can Lộc luôn giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhưng vẫn mang đậm khí phách, cốt cách riêng có của con người Can Lộc – Hà Tĩnh được lưu truyền qua bao thế hệ: đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất; cần cù lao động, sống thủy chung có nghĩa, có tình; không cam chịu đói nghèo, luôn tiên phong đi trước trong mọi phong trào hành động cách mạng. Truyền thống này được nhân lên và tỏa sáng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm ba mươi của thế kỷ XX. Đặc biệt, từ khi có Đảng lãnh đạo, truyền thống ấy đã được nâng lên ở tầm cao mới, đánh dấu bằng sự kiện lịch sử ngày 16/8/1945 – Can Lộc tự hào là huyện đầu tiên của tỉnh giành chính quyền về tay nhân dân, cùng với các địa phương trong tỉnh đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cách mạng tháng Tám/1945.
Cách đây vừa tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể Việt Nam; là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc ta: Kỷ nguyên độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đưa nước ta từ một nước thuộc địa, trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ. Đảng ta từ một Đảng phải hoạt động trong vòng bí mật, lãnh đạo giành chính quyền, trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn xã hội.
Tái hiện lại tinh thần cách mạng của nông dân Can Lộc những ngày tháng Tám năm 1945 lịch sử
70 năm qua kể từ mùa thu Tháng Tám lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy, liên tiếp đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta đã giành chiến thắng vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ suốt 30 năm đấu tranh chống lại các thế lực ngoại xâm hùng mạnh nhất của thời đại, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức sau chiến tranh, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực như: tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, ổn định chính trị – xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và những tiến bộ mới trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị…; đưa đất nước vững bước tiến vào thế kỷ XXI, thế kỷ của đổi mới, hội nhập và phát triển, vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cùng với khí thế sục sôi của cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền của quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã phát huy truyền thống yêu nước và cũng là một trong những địa phương có phong trào cách mạng sớm nhất trong cả nước. Ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ XX, các cuộc biểu tình của nông dân Can Lộc đã có tiếng vang lớn làm đế quốc phong kiến run sợ. Vì lần đầu tiên, bạo lực chính trị của nông dân Can Lộc đã nhất thời làm tê liệt bộ máy cai trị tàn bạo của thực dân phong kiến, dẫn tới sự ra đời của các chính quyền Xô viết ở Can Lộc và các địa phương của tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.
Ngày 16/8/1945, thực hiện Lệnh khởi nghĩa, lời kêu gọi của Ban lãnh đạo Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh và Ban lãnh đạo Việt Minh huyện Can Lộc, nhóm thanh niên cứu quốc đã huy động lực lượng, tước vũ khí bọn bảo an, bắt giữ tri huyện và chiếm huyện đường, treo cờ đỏ sao vàng. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới bay trên huyện đường Can Lộc mà không sức mạnh nào ngăn cản được, tiếp theo sau đó, một lá cờ đỏ sao vàng nữa được kéo lên cột cờ đồn binh ở Nghèn – Sự kiện này đã mở đầu cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 17/8, Ủy ban khởi nghĩa huyện đã quyết định huy động lực lượng quần chúng biểu tình vũ trang tại huyện lỵ; Việt Minh các tổng, xã, làng đã dồn sức vận động toàn dân nổi dậy giành chính quyền và sang hết ngày 18/8/1945, tất cả các tổng, xã, làng trong toàn huyện đã giành chính quyền thắng lợi và thành lập được UBND cách mạng lâm thời. Đây là cuộc khởi nghĩa sáng tạo, táo bạo và trọn vẹn – Can Lộc vinh dự là huyện đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 16/8/1945 đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.
Ngày 2/9/1945, cùng với hàng triệu đồng bào cả nước, toàn thể nhân dân Can Lộc hân hoan chào đón ngày tuyên bố độc lập, ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á và ở các nước thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Can Lộc càng thêm tin tưởng, phấn khởi và tự hào vì có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Can Lộc vừa là căn cứ địa vững chắc, vừa là hậu phương lớn của tiến tuyến lớn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Can Lộc luôn phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm trước mưa bom bão đạn của kẻ thù, chống chọi với thiên tai khắc nghiệt. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Can Lộc có 13.006 thanh niên tham gia quân đội, 91.392 lượt người đi dân công, hàng vạn tấn thóc, gạo cung cấp cho các chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Can Lộc luôn bám đường, bám trận địa chiến đấu ngoan cường với kẻ thù, các địa danh như Cầu Già, Cổ Ngựa, Cầu Nhe, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Làng K130 đã đi vào trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Đó là khí phách hiên ngang, cần cù sáng tạo của quần chúng nhân dân “tay cày tay súng, tay búa tay súng”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là sự hy sinh anh dũng, đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Can Lộc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thời kỳ cao điểm, Can Lộc có trên 26 ngàn thanh niên (bằng 1/3 dân số toàn huyện) tham gia kháng chiến, phục vụ chiến đấu. Ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Can Lộc trong các cuộc kháng chiến và trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, 100% xã, thị trấn và huyện Can Lộc được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; 159 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 anh hùng LLVT, gần 30 ngàn người được tặng thưởng huân chương kháng chiến. Toàn huyện có 2.440 liệt sỹ; 2.783 thương binh, 674 bệnh binh; 534 người bị nhiễm chất độc hoá học – những số liệu trên đã minh chứng hùng hồn cho tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Can Lộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ XXXV, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự chỉ đạo, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Can Lộc đã kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chủ động, tích cực, phấn đấu giành được nhiều thắng lợi đáng phấn khởi. Nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp – thương mại và dịch vụ, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2010 – 2015. Giá trị sản xuất bình quân hàng năm tăng trên 15%; bình quân thu nhập đầu người năm 2015 ước đạt 27,5 triệu đồng, tăng 16,5 triệu đồng so với năm 2010. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 22.000 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 9,7 vạn tấn (vượt 1,2 vạn tấn so với KH), chiếm 1/5 tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt trên 75 triệu đồng/ha/năm (vượt 10 triệu đồng so với KH). Đã xây dựng, nhân rộng 948 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, trong đó có 273 mô hình đạt doanh thu từ 100 triệu đồng đến trên 01 tỷ đồng/năm. Thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển đa dạng cả về quy mô và ngành nghề, thị trường hàng hóa phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Nhiều khu, điểm du lịch lớn được nâng cấp và triển khai xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của địa phương.
Các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội có bước tiến bộ mới, từng bước được xã hội hóa sâu rộng, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Tổ chức tốt lễ hội Chùa Hương, lễ hội Đồng Lộc và các lễ hội truyền thống của địa phương, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và thông qua đó, cũng góp phần quảng bá hình ảnh, con người Can Lộc với du khách trong và ngoài nước. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo đạt được kết quả toàn diện cả về quy mô, chất lượng, cơ sở vật chất trường học được tăng cường, tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu của giáo dục – đào tạo Hà Tĩnh. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, các chính sách xã hội đối với người có công, đảm bảo an sinh xã hội.
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững, quốc phòng địa phương được tăng cường. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, tạo ra hiệu ứng làm chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 5 năm, đã vận động nhân dân hiến hàng ngàn m2 đất, ngày công lao động và huy động được trên 300 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Với những nỗ lực của mình, đến thời điểm hiện tại, Can Lộc là 1 trong 4 huyện của tỉnh có 3 xã về đích nông thôn mới.
Những kết quả đạt được không chỉ đánh dấu bước phát triển toàn diện mà còn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong chặng đường tiếp theo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
Bích Liên/Can Lộc