Can Lộc

Viết tiếp bài: Xã Mỹ Lộc, Có dấu hiệu hình sự… Chuyện “tày trời” ở một phiên tòa xét xử sơ thẩm

Trong bài viết trước (số 128, 189 ra ngày 12/8 và 26/11/2014), Báo Người cao tuổi có bài phản ánh chính quyền xã Mỹ Lộc làm trái trong Vụ bảo vệ thi công… đẩy “đất chồng đất” 40m, buộc ông Nguyễn Thứ phải “tụng đình”. Khi tranh luận tại Tòa, anh Nguyễn Thế Chất (con trai ông Thứ) đọc từ sổ lâm bạ của ông Trần Tục có từ năm 1993 cho “quan” tòa và mọi người cùng nghe: Phía Đông giáp Đường 15A. Sau đó, trình biên bản áp bồi thường cho ông Trần Tục hơn 56 triệu đồng… để minh chứng cho đất của ông không thể cách Đường 15A là 40m. Thế nhưng, thẩm phán TAND huyện Can Lộc Lương Sỹ Nam, chủ tọa phiên tòa vẫn “phán” rằng: “Sổ lâm bạ không có giá trị”…

Tranh chấp vì… “hành xử” của chính quyền?

Ngày 15/1/1994, UBND huyện Can Lộc cấp Sổ lâm bạ số 120/QĐ-UB giao cho ông Trần Tục xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc sử dụng 6ha đất để làm vườn rừng, thời hạn sử dụng 50 năm, có tứ cận rõ ràng: Phía Đông giáp Đường 15A…

Ngày 22/11/1996, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, Trần Quang; Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lê Kim; đại diện Ban Quản lí Ruộng đất Nguyễn Quang Nguyệt kí biên bản giao đất với ông Trần Tục thể hiện diện tích đất lâm nghiệp của ông Tục còn 47.150m2, “biến” ranh giới phía Đông lô đất từ “giáp Đường 15A” thành “cách Đường 15A là 40m. Sau đó 1 ngày (23/11/1996), ông Lê Báu và Chủ tịch UBND xã Trần Quang tạo lập trích lục bản đồ “tỉ lệ 1500” vẽ ranh giới phía Đông đất ông Tục cách Đường 15A là 40m.

Tháng 10/2010, UBND xã Mỹ Lộc và Ban Quản lí Dự án huyện Can Lộc chi trả hơn 56 triệu đồng tiền đất và tài sản trên hơn 4.000m2 đất giáp Quốc lộ 15A và giáp với đường vào Khu Du lịch Trại Tiểu (tính từ mép đường 15A vào là 40m) cho ông Tục, yêu cầu ông bàn giao “mặt đồi” cho đơn vị thi công lấy đất đắp đập Khe Út, sau đó UBND xã Mỹ Lộc tiếp tục bán lại khu đất này cho một chủ thầu khác để lấy tiền. Khi có mặt bằng, UBND huyện Can Lộc và xã Mỹ Lộc tổ chức bán đấu giá đất nhưng ông Tục kiên quyết không cho nên được UBND xã và Hội đồng đấu giá huyện Can Lộc ưu ái cho một suất đẹp nhất có 2 mặt đường với giá sàn là 55 triệu đồng, trong khi 5 suất đất khác được đấu trúng từ 175 đến 93 triệu đồng. Tuy vậy, ông Tục vẫn trồng cây, làm hàng rào bảo vệ mà không bàn giao đất cho xã, mặc cho các hộ trúng đất đã được cấp sổ đỏ.

hatinh24hQuang cảnh phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp đất rừng giữa gia đình ông Nguyễn Thứ với các gia đình ông Trần Tục và ông Phan Sự tại TAND huyện Can Lộc.

Tháng 2/2013, UBND huyện Can Lộc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đã được cấp lâm bạ của ông Trần Tục để giao cho các hộ đấu giá trúng. Báo Hà Tĩnh điện tử ngày 5/8/2013 đăng bài: “Bán đấu giá đất… trên giấy” nêu rõ những việc làm trái trong việc thu hồi đất, đấu giá, cấp GCNQSDĐ trên đất đã có lâm bạ.

Năm 1994 và 1996, gia đình ông Nguyễn Thứ được giao 63.000m2 đất trồng cây lâm nghiệp thuộc các lô 11BK, 12BK và 13BK tại khu vực Động Trăn, xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, phía Đông giáp lô đất 10BK của gia đình ông Trần Tục và được UBND huyện Can Lộc cấp GCNQSDĐ số I 343821 ngày 30/12/1996. Năm 2010, thực hiện Dự án mở đường vào Khu Du lịch Cửa Thờ – Trại Tiểu, UBND xã Mỹ Lộc lấy cớ là ông Thứ hiến đất nên không bồi thường mà còn tổ chức “bảo vệ thi công” trên đất đã được cấp sổ đỏ, bắt tạm giữ ông Thứ và 2 người con nên ông Thứ đã viết đơn khiếu nại, buộc UBND huyện Can Lộc phải thành lập Tổ công tác do Phó Chánh thanh tra huyện Trần Đình Sơn làm Tổ trưởng điều tra làm rõ. Thế nhưng, sau hơn 2 tháng làm việc với 7 lần kiểm tra, kiểm đếm, Tổ công tác và chính quyền xã vẫn không tìm ra ranh giới thực mà còn cho rằng: Đất ông Tục được giao cách mép Đường 15A ra là 40m(?) “đẩy” đất ông Tục chồng lên đất ông Thứ, khiến ông Thứ khiếu kiện ra tòa đòi lại quyền sử dụng đất với gia đình ông Tục và ông Phan Sự.

Thẩm phán đang tay làm trái?

Tại phần xét thấy Bản án sơ thẩm số 03/2014/DS-ST ngày 13/11/2013, thẩm phán TAND huyện Can Lộc Lương Sỹ Nam khẳng định: “Hồ sơ cấp GCNQSDĐ rừng đối với các hộ ở xã Mỹ Lộc đã bị thất lạc, không tìm thấy trong kho lưu trữ mà chỉ có sổ lâm bạ của ông Trần Tục lập ngày 25/11/1993 lưu tại Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc, không lưu bất kì giấy tờ, tài liệu nào liên quan đến việc cấp, giao rừng cho ông Nguyễn Thứ. UBND xã Mỹ Lộc chỉ cung cấp bản phô-tô Biên bản giao đất lâm nghiệp, bản phô-tô trích lục bản đồ của ông Trần Tục, bản sao Biên bản giao đất lâm nghiệp đối với ông Nguyễn Thứ (không có bản gốc)”. Khi tranh luận, anh Nguyễn Thế Chất con trai ông Thứ – người đại diện quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông Thứ cầm sổ lâm bạ của ông Trần Tục đọc to cho HĐXX và mọi người dự phiên tòa cùng nghe: Phía Đông giáp Đường 15A; trưng Biên bản áp giá bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất cho ông Tục khi Nhà nước thu hồi để lấy đất đắp đập Khe Út, khẳng định đất ông Tục được giao giáp Đường 15A và đã được bồi thường hơn 56 triệu đồng. Nếu Tòa không căn cứ vào những chứng cứ này mà chỉ dựa vào Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và các giấy tờ liên quan phô-tô không có bản gốc là vi phạm Luật Tố tụng. Thế nhưng, thẩm phán Lương Sỹ Nam, chủ tọa phiên tòa có vẻ như không nghe rồi “phán” rằng: “GCNQSDĐ cho các hộ, bản gốc Biên bản giao đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Thứ là chứng cứ chính của vụ án… Sổ lâm bạ không có giá trị”…

Một bản án vi phạm hai Luật

Ngày 11/12/2014, Viện KSND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định Số 01/QĐKNPT-VKS-DS yêu cầu TAND tỉnh Hà Tĩnh áp dụng khoản 3 Điều 275; khoản 1, khoản 2 Điều 277 Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm số 03/2014/DS-ST ngày 13/11/2014. Bởi, Bản án số 03 vi phạm nhiều vấn đề về cả nội dung và thủ tục tố tụng. Quyết định nêu rõ: Quá trình giải quyết vụ án, ông Trần Tục là bị đơn đang thế chấp GCNQSDĐ tại Ngân hàng nên không có bản sao công chứng nộp tại Tòa án… Mặt khác, sổ hộ khẩu của gia đình ông Thứ có vợ là Trần Thị Thứ nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Ngân hàng và bà Thứ vào tham gia tố tụng là bỏ sót người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã vi phạm khoản 4 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Quyết định 01 khẳng định: Việc TAND huyện Can Lộc lập biên bản thẩm định tại chỗ phần đất của ông Thứ ngày 24/9/2014 đã tạo ra ranh giới mới từ: “Phía Tây giáp nghĩa địa (cột điện 0752) trong Biên bản giao đất lâm nghiệp cho ông Thứ ngày 23/11/1996” thành: “Phía Tây giáp Khe Cạn dưới (Khe Cạn phân cách nghĩa địa họ Phan với nghĩa địa nhà ông Thứ)” là thiếu khách quan. “Mặt khác biên bản thẩm định tại chỗ không xem xét phần đất của ông Trần Tục theo yêu cầu của người khởi kiện nên chưa đủ căn cứ để xác định có hay không việc ông Tục lấn chiếm đất ông Thứ… đã vi phạm Điều 89 Bộ luật Tố tụng Dân sự nên không được coi là chứng cứ để giải quyết vụ án quy định tại khoản 6 Điều 83 Bộ luật Tố tụng Dân sự”.

Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét đánh giá lời khai của các nhân chứng Trần Đình Hạnh, Trần Thiết, Nguyễn Quế đều trú tại xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc và đều khai nhận trước đây được ông Nguyễn Thứ thuê trồng cây, đào hố gần trạm gác đường điện 500kV cho đến nghĩa trang của ông Sự. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, mặc cho ông Thứ yêu cầu Tòa án thu thập các tài liệu gốc về hồ sơ quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan đến tài liệu phô-tô mà không có bản gốc của ông Trần Tục để có căn cứ giải quyết đúng đắn vụ án (tránh tạo lập hồ sơ – PV). Vậy nhưng, Tòa án cấp sơ thẩm không thực hiện “là chưa bảo đảm quyền lợi của đương sự quy định tại điểm d khoản 2 Điều 58 Bộ luật Tố tụng Dân sự”.

Ông Sự không có tên trong bản danh sách trồng rừng Dự án 4304. Nhưng tại biên bản thẩm định ngày 23/9/2014 thể hiện ông Sự lấn chiếm trồng cây 14.225m2 và phần đất nghĩa địa họ Phan là 4035,1m2 mà không biết được ông Sự lấn chiếm trồng cây vào thời gian nào? Đất đó do ai quản lí? Có phải là lấn chiếm trên đất ông Thứ hay không vẫn chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xác minh làm rõ. Vậy mà, thẩm phán Lương Sỹ Nam đã lấy nhân danh… quyết định “bác đơn khởi kiện của ông Thứ”, đồng thời “kiến nghị UBND cấp có thẩm quyền thu hồi diện tích đất thừa so với GCNQSDĐ của ông Thứ” là vi phạm pháp luật về đất đai.

Khoản a, Điều 18, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Trường hợp ranh giới thửa đất hiện nay không thay đổi so với thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất… mà diện tích đo đạc thực tế nhiều hơn ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì giấy chứng nhận được cấp theo diện tích đo đạc thực tế”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thế Chất nói rằng: Ông Lương Sỹ Nam được giao trọng trách thẩm phán thuộc diện trẻ trong số thẩm phán Tòa cấp huyện ở Hà Tĩnh, không hiểu vì sức ép hay do năng lực, trình độ mà ông ấy “hành xử” bất chấp sự thật và vi phạm pháp luật đến như vậy?

Điều tra của Chí Thúc

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP