Giáo dục - Đào tạo

Việt Nam đang ‘nhập siêu’ về giáo dục

Chỉ có 2.000 sinh viên nước ngoài đến Việt Nam học tập

Việt Nam có trên 130.000 sinh viên đang đi du học nước ngoài nhưng chỉ tiếp nhận được khoảng hơn 2.000 sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học tập. Đây là thông tin đưa ra tại Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam – Châu Âu ngày 3/11 tại Hà Nội do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức với sự tham gia của 80 cơ sở đào tạo đại học trong và ngoài nước, cơ quan ngoại giao…
 Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam - Châu Âu. Ảnh: Dân Trí
Diễn đàn Giáo dục đại học Việt Nam – Châu Âu. Ảnh: Dân Trí

Tại diễn đàn, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng trường ĐH tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Năm 1997, Việt Nam có 100 trường nhưng đến nay đã có khoảng 400 trường. Theo ông Tuấn, Việt Nam đang nỗ lực thay đổi 4 vấn đề liên quan giáo dục ĐH là nâng cao chất lượng đào tạo, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, kiểm định chất lượng và nghiên cứu.

“Về thay đổi chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT đang thực hiện cải cách chương trình đào tạo. Chúng tôi cũng đang triển khai chương trình đào tạo có sự hỗ trợ của nước ngoài. Việt Nam đang có 35 chương trình tiên tiến được đào tạo tại các trường ĐH” – ông Tuấn cho hay.  Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam đã trao đổi 135.000 sinh viên, trong đó chủ yếu là du học tự túc.

Trong khi đó, nói về vấn đề quốc tế hóa giáo dục Việt Nam, ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT cho rằng nếu coi nền giáo dục Việt Nam như một ngành kinh tế thì Việt Nam đang “nhập siêu” giáo dục. “Chúng ta có  khoảng trên 130.000 sinh viên Việt Nam đang đi du học nhưng chúng ta chỉ tiếp nhận được khoảng hơn 2.000 sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học tập. Trong đó lại có rất nhiều sinh viên được Việt Nam tài trợ. Nếu nhìn vào cán cân thì chúng ta đang là quốc gia nhập siêu lớn về giáo dục. Điều này cho thấy giáo dục Việt Nam chưa hội nhập được với thế giới” – ông Minh khẳng định.

Tìm hướng hội nhập

Theo ông Đàm Quang Minh, giáo dục ĐH của Việt Nam phải hội nhập tích cực hơn. “Đầu tiên phải có chương trình học quốc tế, giảng viên quốc tế và  sinh viên quốc tế, sự hiện diện của các trường ĐH Việt Nam tại nước ngoài. Chúng ta phải đi từng bước. Khi kéo sinh viên quốc tế sang Việt Nam phải bằng nhiều cách. Đầu tiên là thu hút ngắn hạn để họ làm quen với chương trình của Việt Nam một tháng, hai tháng, sau đó chúng ta mới có được sinh viên dài hạn. ĐH FPT hàng năm có khoảng 700 sinh viên quốc tế sang Việt Nam trao đổi, khoảng 100 sinh viên sang học hệ chính thức” – ông Minh cho hay.

“Theo Bộ GD&ĐT, các nước châu Âu nhiều năm qua đã cấp học bổng cho công dân Việt Nam đi du học sau đại học. Chính phủ Việt Nam cũng gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang học bằng nguồn học bổng của Chính phủ Việt Nam như các đề án 322, 911 và 599. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, sự hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu còn khiêm tốn so với tiềm năng của cả 2 bên, các trường đại học Việt Nam, sinh viên Việt Nam chưa có nhiều thông tin về hệ thống các trường đại học của các nước châu Âu.”

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP