Trung Quốc

Vì sao Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 về Hải Nam?

Giàn khoan Hải Dương-981 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sau 75 ngày (từ ngày 2/5/2014) hạ đặt trái phép

Tính đến 18h30 ngày 16/7, giàn khoan Hải Dương-981 đã dịch chuyển khỏi vị trí cũ 41 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 163 hải lý về phía Tây Nam, ra ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Xung quanh việc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam trước thời hạn có nhiều ý kiến nhận định khác nhau.
Việt Nam tiếp tục phản đối mạnh mẽ
Ngày 16/7, ông Hồng Lỗi – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: Đến 15/7, giàn khoan Hải Dương-981 đã “hoàn thành” hoạt động khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển Hoàng Sa, theo kế hoạch sẽ di chuyển đến dự án Lăng Thủy, đảo Hải Nam tiếp tục tác nghiệp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, các công ty liên quan sẽ xem xét kế hoạch làm việc cho các bước đi tiếp theo.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) thông báo đã bắt đầu khoan thăm dò hai giếng dầu tại khu vực này từ đầu tháng 5 và kết thúc hoạt động thăm dò ở hai giếng này vào các ngày 27/5 và 15/7.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại. Họ đã vẽ bản đồ 9 đoạn, rồi 10 đoạn, họ tuyên bố với thế giới về chủ quyền ở Hoàng Sa, đưa tàu, thuyền cản trở các hoạt động chấp pháp của Việt Nam… Do đó, bản thân chúng ta không mơ hồ, ảo tưởng mà phải luôn luôn cảnh giác”.
Ông Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội 

Hơn 2 tháng qua, việc Trung Quốc hạt đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận quốc tế.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông, ông Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: Hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống của Trung Quốc trong hơn hai tháng qua là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan Hải Dương-981 quay trở lại hoặc đưa bất cứ giàn khoan nào khác vào hoạt động ở khu vực lô dầu khí 143 của Việt Nam hoặc bất kỳ khu vực nào khác thuộc vùng biển của Việt Nam được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền theo đúng luật pháp quốc tế”.
Vì sao rút giàn khoan?
Mặc dù ông Hồng Lỗi nói rằng động thái di chuyển giàn khoan không liên quan đến bất cứ nhân tố nào từ bên ngoài; tuy nhiên, theo TS. Phạm Thu Xuân, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông: Tình hình trong nước cũng có những vấn đề khiến Trung Quốc ưu tiên tập trung giải quyết. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm “chính đáng” để rút giàn khoan về đảo Hải Nam khi mà bão Thần Sấm tiến vào biển Đông với sức công phá lớn.
Động thái này của Trung Quốc cũng được giới phân tích coi là xoa dịu dư luận quốc tế sau những động thái leo thang chủ quyền một cách phi lý trên biển thời gian qua dẫn đến những lên án của cộng đồng quốc tế; những bất đồng không thể san lấp trong Đối thoại chiến lược Mỹ – Trung; Nghị quyết của Thượng viện Mỹ…
Hiện, ông Tập Cận Bình đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của khối BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được tổ chức tại Fortaleza (Brasil) ngày 15-16/7. Khối này đang ôm tham vọng trở thành đối trọng với Mỹ và phương Tây; nhất là khi mới thông qua quyết định thành lập Quỹ Bình ổn của BRICS tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có tổng số vốn lên tới 100 tỷ USD và một Ngân hàng Phát triển với mức vốn ban đầu là 50 tỷ USD với chức năng tương tự Ngân hàng Thế giới (WB).
Hiện tại, BRICS chiếm khoảng 25% diện tích, gần 43% tổng dân số thế giới (hơn 3 tỷ người).  Trong số 5 thành viên BRICS có hai nước là Ủy viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc. Ấn Độ (đang có tranh chấp chủ quyền biên giới với Trung Quốc) và Brasil là những ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế ủy viên thường trực của HĐBA khi tổ chức này được cải cách và mở rộng.
Do vậy không thể không nghi ngờ rằng Trung Quốc đang muốn xoa dịu dư luận quốc tế, tạo ảnh hưởng trong khối BRICS và thế giới bằng động thái di chuyển giàn khoan – di chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế theo hướng thiện cảm với nước này.
Minh Thành – Quang Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP