Không chỉ các trường hợp cho “ăn bánh vẽ”, còn có những cạm bẫy dường như lúc nào cũng ẩn nấp sẵn sàng chờ “mồi”…
“Bán giấc mơ thiên hạ”
Cuộc thăm dò 241 người mẫu riêng tại New York và Los Angeles đã được công bố. Kết quả như sau: nhóm đối tượng 13-16 tuổi bắt đầu bước vào làng người mẫu chuyên nghiệp chiếm đến 54,7%; 28% phụ huynh không bao giờ đi theo con đến các cuộc thi tuyển (casting) hoặc chụp ảnh (so với 9% là luôn có mặt); 76,5% người mẫu tiếp xúc với rượu và ma túy; 29,7% từng trải qua “kinh nghiệm” bị sờ soạng; 28% bị ép lên giường; 29,1% bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; 86,8% bị yêu cầu khỏa thân khi thay đồ; 46,4% bị yêu cầu chụp ảnh nude…
Xuất hiện trong chương trình Good Morning America sáng 22/8/2011, nhiếp ảnh gia Jason Lee Parry đã phải biện bạch làm thế nào mà bộ ảnh mình chụp người mẫu nhí Hailey Clauson, 15 tuổi, lại được in trên loạt áo thun trong khi Clauson không hề được hỏi ý trước. Gia đình Clauson đã kiện đòi bồi thường nhiều triệu USD. Điều khiến sự việc gây chú ý không chỉ là việc Parry tự tiện thương mại hóa ảnh chụp (trong khi không có sự đồng ý từ đại diện pháp lý của người mẫu), mà còn nhạy cảm ở chỗ bức ảnh Clauson in trên áo thun lại được chụp ở tư thế rất khiêu gợi. Điều này dễ dàng bị quy kết với tội danh kinh doanh hình ảnh sex của trẻ vị thành niên một cách bất hợp pháp…
Một trường hợp bị lừa nữa là Gracey Mary. Khi xem phần giới thiệu việc làm trên trang web, Gracey Mary (16 tuổi) được biết công ty săn lùng tài năng tên Trans Continental Talent (TCT) đang rao tìm người mẫu. Nghe lời mẹ, Mary gửi bản lý lịch và nhận được cú điện mời phỏng vấn vào hôm sau. Người trên điện thoại cho biết TCT là công ty làm ăn nghiêm túc, từng đưa lên bệ phóng ngôi sao cho diễn viên Josh Hartnett, nhóm Backstreet Boys và ông trùm đào tạo teen pop Lou Pearlman là chủ tịch công ty. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, Mary không được hỏi gì nhiều mà chỉ được yêu cầu đưa ảnh. Hôm sau, một đại diện công ty gọi điện báo rằng TCT sẽ thu xếp giúp Mary trong sự nghiệp người mẫu. Tiếp đó, TCT đòi Mary nộp “lệ phí”. Cần 795 USD để có thể đưa ảnh Mary lên một website và thêm 60 USD mỗi ba tháng để duy trì ảnh trên mạng.
Gần một tháng sau, TCT cho biết Mary trúng tuyển. 100 người được chọn cho cuộc trình diễn tại bãi biển Miami. Kênh truyền hình ca nhạc MTV cùng nhiều hãng người mẫu lừng danh sẽ có mặt tại đó. Tuy nhiên, Mary phải đóng thêm 895 USD, chưa kể vé máy bay, và 14 USD nữa cho cuộc phỏng vấn điện thoại. Đến cuối tháng 4, Mary đã xài gần 1.800 USD cho bước đầu sự nghiệp người mẫu nhưng chẳng có gì tiến triển.
Không lâu sau, Mary tá hỏa khi xem chương trình Dateline NBC của Đài NBC tường thuật về vụ “bán giấc mơ thiên hạ qua điện thoại” của công ty săn lùng tài năng TCT. Hoạt động săn tìm người mẫu của TCT thông qua một hãng đại diện tên Wilhelmina Scouting Network (WSN), và điều gây sốc ở chỗ WSN không hề quan hệ với những công ty người mẫu hàng đầu thế giới như họ từng quảng cáo. Ứng cử viên được họ “tuyển dụng” không hề xuất hiện trên sàn diễn mà chỉ đứng phát giải thưởng khuyến mãi ở cửa hàng hay siêu thị.
Từ vị khách mời Next Top Model…
Cách đây vài năm, làng người mẫu Mỹ xảy ra một vụ động trời: nhà thiết kế lừng danh Anand Jon, từng là khách mời của chương trình truyền hình thực tế America’s Next Top Model và được tuần báo Newsweek chọn là một trong những gương mặt đáng chú ý nhất năm 2007, đã bị cáo buộc tội cưỡng hiếp. Tháng 11/2008, Jon bị quy kết 16 tội danh liên quan lạm dụng tình dục, trong đó có cưỡng bức bảy cô gái (người mẫu) từ 14-21 tuổi. Đương sự cũng bị cáo buộc tội sản xuất và tàng trữ phim ảnh khiêu dâm trẻ em. Tháng 8/2009, Jon bị xử 59 năm tù.
Những trường hợp như Anand Jon còn nhiều. Được đánh giá là một trong những ông vua trong làng nhiếp ảnh thời trang, Terry Richardson (sinh năm 1965) là một tay máy đẳng cấp thế giới, từng chụp các bộ sưu tập của Marc Jacobs, Aldo, Supreme, Tom Ford, Yves Saint Laurent… Ảnh thời trang của Richardson xuất hiện trên nhiều tạp chí tên tuổi (Rolling Stone, GQ, Vogue, Vanity Fair…). Năm 2007, bộ ảnh Richardson chụp cho Hãng thời trang Diesel đã được trao giải Sư tử bạc tại Liên hoan quảng cáo quốc tế Cannes. Tóm lại, Richardson là một tượng đài.
Tuy nhiên, tháng 3/2010 tượng đài Richardson đã bị lật đổ, sau khi người mẫu Đan Mạch Rie Rasmussen phanh phui rằng: “Ông ấy chụp các cô người mẫu trẻ, bắt họ cởi đồ rồi chụp những bức ảnh khiến họ phải xấu hổ. Họ không dám khước từ bởi sợ mất việc. Vả lại họ còn quá non nớt nên không có kinh nghiệm tự bảo vệ. Cái “gu” của ông ấy là những cô (người mẫu) vị thành niên…”. Sau khi Rie Rasmussen lên tiếng, một số người mẫu từng rơi vào nanh vuốt của “dê già” Richardson cũng bắt đầu tố giác đương sự.
Chính vì vậy, ngày 20/9/2012, giám đốc Tổ chức Model Alliance (được thành lập với mục đích bảo vệ quyền người mẫu), Sara Ziff, đã có phiên điều trần trước Bộ Lao động bang New York, với nội dung cảnh báo tình trạng lạm dụng người mẫu trẻ em khi mà luật pháp vẫn còn buông lỏng và công nghiệp người mẫu chẳng hề có chính sách cụ thể về sự đồng thuận của người mẫu liên quan chụp ảnh nude.
Nhiều phụ huynh và trẻ em ở Úc phản đối gay gắt cuộc thi Toddlers & Tiaras trên truyền hình.
Sara Ziff không là gương mặt lạ. Sinh năm 1983, tốt nghiệp khoa học chính trị bằng ưu Đại học Columbia, Sara Ziff từng làm người mẫu chuyên nghiệp năm 14 tuổi (trở thành gương mặt các chiến dịch quảng cáo của những nhà thiết kế tên tuổi, trong đó có Tommy Hilfiger, Stella McCartney, Kenneth Cole…; từng lên sàn catwalk cho các chương trình Prada, Calvin Klein, Marc Jacobs…). Hiện Sara Ziff đang thực hiện cuộc chiến chống lại sự lạm dụng trong thế giới người mẫu, trong đó có tình trạng “ghẹo bướm hái hoa”.
Khi đưa con vào thế giới người mẫu, liệu có phụ huynh nào tự đặt ra câu hỏi về sự cám dỗ và cạm bẫy mà các em phải đối diện? Khi tiếp nhận đào tạo người mẫu nhí, liệu có ai nói cho các em lẫn phụ huynh các em biết về những chấn thương tâm lý mà trẻ có thể gặp phải khi từ bỏ tuổi thơ quá sớm để bước vào thế giới của người lớn? Còn nữa, cái giá phải trả cho sự nổi tiếng là bao nhiêu?…
Tuổi Trẻ