Theo bà Khương, từ nhỏ bà đã chịu thiệt thòi hơn bao người khác, không được học hành tử tế như mọi người. Đến tuổi lấy chồng thì bà lại đau ốm triền miên, đi khám và phát hiện mình bị suy thận. Vì thế bà quyết định không lấy chồng và ở vậy cho đến tận bây giờ. Căn bệnh quái ác đó cũng theo bà hơn 30 năm nay.
Hàng ngày, bà Khương cùng bố chỉ biết sống dựa vào việc buôn bán hàng mã của bà ngoài chợ, thu nhập cũng chỉ vài chục ngàn. Từng đấy chưa đủ trang trải tiền ăn của hai người, chưa tính đến tiền thuốc men cụ Kha đau ốm tuổi già, bà thì bị căn bệnh suy thận dày vò triền miên. Trước đây, khi còn chút sức khỏe, ban ngày đi bán hàng, đêm đến bà Khương lại một mình đạp xe hơn 20km sang TP Vinh (Nghệ An) làm thuê. Ai thuê việc gì bà cũng làm, miễn sao có thêm thu nhập.
Gạt nước mắt, bà Khương chia sẻ: “Cũng may tôi sống không mất lòng ai nên được hàng xóm thương tình thường mang đồ ăn sang cho bố con tôi. Giờ tuổi cũng cao chẳng làm được gì, bố con tôi rau cháo qua ngày, thậm chí vài củ khoai cũng qua một bữa”.
Khi hỏi về ước nguyện, bà Khương cho biết: “Tôi cũng chẳng mong gì nhiều, ai thương tình họ cho gì thì mừng cái đó. Chỉ mong sao có chút tiền để sửa lại căn nhà. Mùa nắng còn đỡ khổ, chứ mùa mưa ở trong nhà như ngoài trời. Nhất là mấy hôm rét, gió lùa bốn phía, tôi thì sao cũng được nhưng khổ thân bố, già rồi cái chăn đắp còn không đủ ấm kèm theo gió lạnh nữa… Mong sao mưa gió đừng hành hạ bố tôi”.
Ông Minh (hàng xóm của bà Khương) chia sẻ: “Trường hợp của gia đình bà Khương thì ở xã này ai cũng biết. Hàng xóm cũng muốn giúp để bố con bà bớt khổ, nhưng hoàn cảnh chúng tôi cũng không khá hơn nên nhiều khi muốn cũng đành chịu. Gia đình bà ấy túng bấn cả năm, nay gần Tết nên bà con trong xóm cũng quyên góp chút ít để giúp đỡ bố con bà có một cái Tết no đủ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Gia đình bà Khương nhiều năm qua là hộ nghèo, được Nhà nước trợ cấp 400.000 đồng/tháng. Thôn cũng cố gắng giúp đỡ, nhưng người dân nơi đây chủ yếu cũng là người lao động, làm thuê nên chẳng giúp được nhiều. Năm hết Tết đến, bố con bà ấy chẳng biết trông cậy vào đâu. Chỉ mong có nhà hảo tâm giúp đỡ, để bố con bà Khương bớt khổ”.
Theo Báo Gia đình & Xã hội