Kinh tế

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói gì về “cú bắt tay lịch sử” với ông Phạm Nhật Vượng?

“Không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan” - ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ về thương vụ M&A lớn nhất năm 2019 giữa “ông trùm hàng tiêu dùng” Masan Consumer và Vincommerce.

Vừa qua, thông tin về kết quả kinh doanh năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - mã chứng khoán MSN) cho biết, năm vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất của “ông lớn” này bị sụt giảm 2,2%, đạt 37.354 tỷ đồng so với con số 38.188 tỷ đồng của năm 2018.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - người đứng sau hàng loạt thương hiệu: nước mắm Nam Ngư, nước tương Chin-su, mì Omachi...

Tuy vậy, tập đoàn này cho rằng, điều này “không thể hiện đúng động lực tăng trưởng của công ty”.

Cụ thể, theo đại diện Masan, trong quý IV/2019, “con át” của tập đoàn này là Masan Consumer Holdings đạt tăng trưởng doanh thu tới 15% so với cùng kỳ năm trước và 20% so với quý III/2019 nhờ vào chiến lược cao cấp hoá sản phẩm và tăng trưởng của ngành hàng đồ uống.

Bên cạnh đó, MEATDeli cũng đánh dấu cột mốc quan trọng. Doanh thu tháng 12/2019 của đợt vị này đạt 100 tỷ đồng, xấp xỉ bằng 60% doanh thu thịt tươi của Vissan sau 1 năm kể từ khi ra mắt thị trường.

Đồng thời, giá vonfram đã phục hồi sau khi chạm đáy, tăng từ 180 USD/MTU lên 235-245 USD/MTU.

Masan cũng tỏ ra lạc quan khi các mảnh ghép chiến lược trung hạn đã được hoàn chỉnh sau thương vụ sáp nhập VinCommerce (VCM) và công bố chào mua công khai đa số cổ phần Công ty cổ phần Bột giặt NET.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group về thương vụ này thì “không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan”.

Vị tỷ phú USD cho rằng, hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi và đang trở thành những nhu cầu cơ bản. Chính vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VinCommerce với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội để xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng.

Được biết, việc hoàn tất sáp nhập Masan Consumer với VinCommerce sẽ tạo nên một tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, trong đó, Masan là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) công ty mới, còn công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần Masan Consumer và 83,7% cổ phần VinCommerce.

VinCommerce hiện đang vận hành 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Masan dự kiến sẽ đóng cửa từ 150 – 300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hay không đạt chỉ tiêu lưu lượng khách hàng. Đồng thời, tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh thành ngoài Hà Nội để thúc đẩy lợi nhuận.

“Nhiều người nói ngành bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác, nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội cho người tiêu dùng, và đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi”, ông Quang cho hay.

Theo khẳng định của vị tỷ phú này, 2020 sẽ là năm mà Masan hiện thực hóa tầm nhìn nói trên, không chỉ tập trung vào các kế hoạch dài hạn, mà còn nỗ lực mang đến giá trị vượt trội cho người Việt Nam và các cán bộ công nhân viên Masan

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP