Về hưu không có nghĩa là đã “nghỉ”
Với nhiều nghề thì về hưu là lúc để nghỉ ngơi, nhưng với những cựu giáo viên phường Đức Thuận, họ coi nghề giáo là một nghề “không nghỉ”. Dù đã về hưu nhưng họ vẫn tâm đắc một điều rằng: “Dù không trực tiếp đứng trên bục giảng nữa nhưng vẫn phải làm sao tiếp tục góp công sức vào sự nghiệp giáo dục, về hưu không có nghĩa là đã “nghỉ”.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm 2000, khi những cựu giáo viên nhận thấy thực trạng của địa phương vào thời điểm bấy giờ là: nhiều học sinh trong Hợp tác xã (nay là phường Đức Thuận) học giỏi nhưng do hoàn cảnh nghèo nên không có điều kiện học tập. Nhiều em có tinh thần học tập tốt nhưng do hoàn cảnh gia đình nên điều kiện phục vụ cho học tập thiếu thốn. Thấy vậy, nhiều người đã bàn nhau cùng góp tiền trích từ những đồng lương hưu ít ỏi của mình mua sách, bút, vở… để tặng và động viên các em học tập. Cứ như thế trong nhiều năm, những cựu giáo viên đã cùng nhau vận động đồng nghiệp của mình góp tiền mua quà thưởng, động viên các em.
Đến năm 2005, những cựu giáo viên đã tập hợp lại theo chủ trương của Nhà nước thành lập nên Hội Cựu giáo chức Đức Thuận.Với mục đích đây là nơi đoàn kết, tập hợp tất cả cựu giáo chức trên địa bàn phường nhằm cùng phát huy năng lực trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo, tiếp tục đóng góp cho chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, phục vụ cho sự ngiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tất cả vì sự nghiệp “trồng người”
Bên cạnh những nỗi vất vả lo toan của cuộc sống, những thế hệ nhà giáo ngày trước đã vượt qua khó khăn làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Ngày nay khi trở về với cuộc sống đời thường, họ vẫn luôn canh cánh trong lòng tâm nguyện “tất cả vì sự nghiệp trồng người”.
(PLO)