Giáo dục

Từ vụ việc Trường ĐH Đông Đô: Cần bỏ khái niệm đại học bằng thứ hai

Theo các chuyên gia, đại học bằng thứ hai (còn gọi là văn bằng 2) là một khái niệm rất lạc hậu. Thực tế, văn bằng 2 không cần tồn tại, vừa đỡ phức tạp hóa tình hình quản lý vừa để phù hợp với luật Giáo dục đại học mới.

Vụ việc Trường ĐH Đông Đô đào tạo tiếng Anh văn bằng 2 dù chưa được phép khiến dư luận đặt vấn đề về sự tồn tại của văn bằng này - Ảnh: Gia Hân

Khi giải pháp tình thế bị kẻ xấu lợi dụng

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ VN, cho phép các trường đào tạo văn bằng 2 vốn là một chủ trương đúng đắn, vừa phù hợp nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế nhiều thành phần, thị trường lao động đa dạng và biến đổi liên tục. Tuy nhiên, chủ trương này chỉ thực hiện được một cách có chất lượng nếu hệ thống giáo dục ĐH trong nước chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ. Nhưng đáng tiếc, chủ trương này đã bị lợi dụng và phá vỡ nguyên tắc đảm bảo chất lượng.

“Khi thiết kế chương trình đào tạo văn bằng 2, dù với đối tượng người học có bằng thứ nhất là ngành gần hay ngành xa với bằng 2 thì người ta vẫn tự động rút ngắn thời gian chỉ còn một nửa so với chương trình của văn bằng 1. Người ta lại đào tạo theo kiểu tại chức, tức là đẻ ra một chương trình “tiết kiệm thời gian”, học xong chương trình là được cấp bằng, bất chấp chất lượng”, tiến sĩ Khuyến nói.

Các chuyên gia khác cũng cho rằng sự phát triển quy mô của giáo dục ĐH quá nhanh khiến cơ quan quản lý nhà nước mất năng lực kiểm soát, thậm chí do phải giải quyết nhiều vấn đề quá mà bỗng quên mất… văn bằng 2.

Mua bán văn bằng

Như vụ việc Trường ĐH Đông Đô, bản chất không chỉ là quản lý cấp phát văn bằng 2 lỏng lẻo, mà nói thẳng ra là bán bằng

Tiến sĩ LÊ TRƯỜNG TÙNG (Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: “Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT “quên bẵng” việc văn bằng 2. Bởi giờ đây ngay cả mở ngành đào tạo văn bằng 1, những trường đã kiểm định không cần phải được phép. Quy định về văn bằng 2 ban hành từ năm 2001 không được ai ngó ngàng gì”. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng cho rằng: “Như vụ việc Trường ĐH Đông Đô, bản chất không chỉ là quản lý cấp phát văn bằng 2 lỏng lẻo, mà nói thẳng ra là bán bằng. Thị trường mua bán văn bằng 2 sôi động hơn do dễ bán hơn, vì thời gian đào tạo ngắn, và đối tượng khách hàng nhiều. Nếu cơ quan chức năng làm một cuộc truy quét thì sẽ dễ dàng nhận thấy kết quả là người ta chủ yếu mua bán văn bằng 2 tiếng Anh. Vì sao? Vì đã có những người đẻ ra cái việc phải yêu cầu sử dụng văn bằng đó, hoặc công nhận giá trị của nó, nên sinh ra nó có một cơ chế giá cao”.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, cũng nhận định: “Đúng là bấy lâu nay có hiện tượng láo nháo, mà thực chất là mua bán bằng trong đào tạo văn bằng 2, trong đó Trường ĐH Đông Đô chỉ là một trường hợp biểu hiện quá quắt. Văn bằng 2, liên thông, tại chức... thực chất là để hợp thức hóa văn bằng hơn là vì nhu cầu học thật”.

Cần thu hồi các giấy phép đào tạo văn bằng 2

Tiến sĩ Đàm Quang Minh cho rằng, trong tư duy quản lý nhà nước hiện nay, Bộ GD-ĐT cần bỏ đi các khái niệm văn bằng 2 và cả liên thông, vì nó đã quá cũ kỹ. “Câu hỏi làm sao để kiểm soát chất lượng đào tạo văn bằng 2 không cần thiết phải đặt ra, vì kiểm soát làm gì nữa khi mà tốt nhất là cần phải đóng lại, không cần cấp phát văn bằng 2 nữa. Cần phải thu hồi hết giấy phép đào tạo văn bằng 2 lại, chỉ để tồn tại văn bằng 1”, ông Minh nói.

Theo tiến sĩ Minh, với những người đã có bằng ĐH, muốn học thêm bằng nữa thì cứ học, nhưng học theo chương trình đào tạo mà trường thiết kế dành cho đào tạo văn bằng 1. “Cơ quan quản lý nhà nước giám sát chung như người học chương trình bình thường, cả đầu vào, đầu ra, chỉ tiêu tuyển sinh cũng phải kèm theo các điều kiện đảm bảo chất lượng như sinh viên bình thường”, TS Minh đề xuất.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng văn bằng 2 là một hiện tượng lịch sử, cần được khép lại vì đã hết vai trò. Để lại chỉ khiến quản lý nhà nước thêm việc (mà lại ôm không xuể), xã hội khó giám sát. Ai muốn học theo hình thức giống như văn bằng 2 hoặc liên thông thì được quy về một diện là chuyển đổi tín chỉ, tức là công nhận những gì họ đã từng học hoặc từng trải nghiệm, để bớt đi một số nội dung, không nhất thiết phải học lại. “Mô hình chuyển đổi tín chỉ nước ngoài áp dụng từ cách đây 20 năm rồi”, ông Tùng nói.

Tiến sĩ Tùng cũng cho rằng, với cách thức quản lý như hiện nay, nguy cơ mua bán bằng sẽ còn xảy ra với cả văn bằng 1. Trên thực tế, các quy định để Bộ kiểm soát chất lượng văn bằng 2 không khác gì văn bằng 1, thậm chí còn ngặt nghèo hơn là phải xin phép mới được mở, trong khi văn bằng 1 thì tự chủ hơn. Về nguyên tắc, các trường đều phải báo cáo Bộ mỗi năm tuyển bao nhiêu sinh viên tất cả các hệ, số lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm... “Theo quy định, các trường phải báo cáo kỹ lắm. Vấn đề là Bộ có xử lý nổi khối dữ liệu đó không, để phát hiện ra các số liệu năm nay có mâu thuẫn gì với năm trước? Có phát hiện ra các tình huống như giờ được cấp bằng trong khi nhập học mới 6 tháng trước?”, ông Tùng nhận định.

Tác giả: Quý Hiên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP