Trong bộ phim Forrest Gump có một cảnh đáng nhớ. Đấy là khi bà mẹ của Gump đến xin cho con trai mình vào học ở trường công. Người giáo viên lấy ra một biểu đồ IQ để trình bày cho bà hiểu vấn đề. Trong biểu đồ ấy có ba phần, phần của những đứa trẻ thông minh vượt trội, phần của đứa trẻ bình thường. Mức thấp nhất dành cho những đứa trẻ “chấp nhận được”. Rồi ông thầy lấy viết chì chỉ vị trí của Forrest Gump, ở dưới cả mức “chấp nhận được”. Với IQ thấp hơn 80, Gump đã không được nhận vào trường.
Trong bóng đá, tôi chính là một Forrest Gump của lò đào tạo Sông Lam Nghệ An (SLNA). Không biết bằng một cách nào đó, tôi đã may mắn được chọn làm một trong số 25 cầu thủ vào lò SLNA đợt ấy. Nhưng vào được là một chuyện, trụ lại được ở đó là một chuyện khác. Bởi sau những đợt đánh giá, những cầu thủ bị xem là không đủ khả năng sẽ bị loại dần. Tất nhiên, không một ai muốn mình bị loại cả. Tôi là đứa kém nhất trong lứa của mình. Nếu tài năng của anh Văn Quyến thuộc nhóm “thông minh vượt trội” trong bộ phim Forrest Gump thì tôi chính là... Forrest Gump vậy. Tôi không có lấy một yếu tố thiên bẩm nào. Trong khi nhìn quanh các bạn, người thì rất nhanh, người thì cực kỳ khéo léo, người lại có sức càn lướt dũng mãnh. Tôi thì mảnh khảnh, hơi vụng, chưa có bất kỳ một ý niệm gì về chiến thuật hay vị trí trên sân. Trong lúc nhiều bạn cùng lứa đã được tập ở những đội năng khiếu huyện, tôi trước khi vào lò SLNA quả thực là một trang giấy trắng.
Bìa tự truyện "Phút 89" của Công Vinh. |
Nhưng rõ ràng ông trời không cho ai tất cả, và cũng không lấy đi của ai tất cả. Bù lại cho những hạn chế về hình thể và kỹ thuật, tôi lại có được một ý chí mạnh mẽ. Bởi thế mà trong những buổi tập, tôi luôn nỗ lực nhiều hơn các bạn khác. Tôi cũng không cho phép mình được thua họ trong những trò chơi về kỹ năng. Một trong những trò chơi yêu thích nhất của tôi là bóng lưới. Giăng lưới cao như bóng chuyền, rồi dùng đầu và vai đưa quả bóng sang bên kia, ai để bóng chạm đất là thua.
Tôi đã chơi trò này không biết mệt mỏi. Thoạt đầu tiên tôi thua nhiều hơn thắng. Và hễ ai thua thì phải chui qua háng đối thủ. Ban đầu chui, ai cũng cảm thấy rất nhục nhã. Vừa phải khom lưng cúi đầu, vừa phải nghe tiếng cười nhạo chế giễu, có cảm giác như không có gì xấu hổ hơn giây phút ấy nữa. Nhưng thua riết thành... quen. Cứ thấy ai rủ chơi là tôi tham gia, có phải chui háng cũng chịu. Chui được một thời gian thì tôi tiến bộ rõ. Từ chỗ thua nhiều hơn thắng đã thành thắng nhiều hơn thua. Môn thể thao tập mà chơi, chơi mà tập này giúp tôi tiến bộ trông thấy ở khả năng xử lý bóng bằng đầu. Nhưng để vượt qua kỳ sát hạch, tôi vẫn còn phải hoàn thiện hàng tá những kỹ năng khác.
Trước khi đối diện với nỗi lo bị loại, tôi vẫn còn nhiều mối bận tâm khác. Đầu tiên là việc hòa nhập với một môi trường hoàn toàn mới. Từ quê ra thành phố, tôi ngỡ ngàng nhận ra người thành phố ăn mặc hoàn toàn khác mình. Khác ở đây tất nhiên là... đẹp hơn, mốt hơn. Thế nên khi bước ra đường với bộ đồ quê mùa, tôi đã bị đám đông xung quanh cười nhạo. Đâu đã có ý niệm gì về thời trang, nhưng tôi biết mình sẽ phải ăn mặc sao cho giống “người thành phố”. Nhưng muốn giống “người thành phố” thì phải có tiền, mà tôi làm gì có tiền. Tất cả những gì tôi có thể làm là mua một chiếc áo sơ mi với giá 15.000 đồng ở một tiệm bán đồ sida. Quần thì đắt hơn, nên mỗi khi ra đường tôi đều mượn quần bạn mặc. Ngày chị gái đám cưới, tôi trở về quê với nguyên bộ đồ mượn.
Sinh hoạt ở đội trẻ một thời gian, tôi làm quen được với anh Quốc Tuấn (em trai của Phi Hùng và là cầu thủ cùng lứa với Văn Quyến, Như Thuật). Anh Quốc Tuấn có lẽ là dân thành phố xịn, hoặc anh đã ở thành phố đủ lâu để thành xịn, nên quần áo anh mặc toàn là đồ đẹp. Thế là tôi đã có một chỗ mượn đồ thường trực. Anh luôn rộng rãi với tôi, chỉ cho tôi cách ăn mặc cho bớt “lúa”. “Phải mặc như thế này bọn con gái mới thích”. Nghe anh nói thế, tôi càng thấy bộ đồ... đẹp tợn. Bộ đồ “đẹp tợn” ấy thực chất cũng chỉ là một cái quần bò và một cái áo sơ mi trắng. Thế thôi mà với tôi đã là “phây sần” rần rật rồi. Suốt ba năm học cấp ba, cũng là ba năm sinh hoạt ở đội trẻ, tôi toàn đi mặc “đồ khín” của anh Tuấn và các bạn.
Lương của tôi khi tập ở đội trẻ chỉ có 50.000 đồng mỗi tháng. Chúng tôi thường hay ra những hàng quán ở trước khu tập luyện để ăn uống, lúc thì gói xôi, khi thì ly trà chanh. Một gói xôi có 1.000 đồng (500 đồng xôi, 500 đồng trứng), một ly trà có 1.500 đồng, ấy vậy mà đôi lúc tôi cũng không có tiền trả. Tôi xin họ cho mình ghi nợ dù trong bụng chưa biết bao giờ mới có thể trả được. Thế là sau khi nợ quán bên này, tôi chuyển sang quán bên kia... nợ tiếp. Giày Thượng Đình được phát vài tháng một đôi để tập đá bóng. Tôi luôn cố xài thật kỹ đôi giày cũ để khi có giày mới thì đem bán lấy chút tiền trả nợ. Vậy mà sổ nợ vẫn ngày càng dày lên. Tôi nghĩ thời xưa, chúa Chổm nợ nhiều đến cỡ tôi là cùng.
Năm 2003, Công Vinh (trái) được thi đấu ở đội hình chính thức của tuyển Sông Lam Nghệ An. Sau đó, anh được huấn luyện viên Alfred Riedl triệu tập bổ sung anh vào đội U23 Việt Nam tham dự SEA Games 22. Ở thời điểm ấy, anh vẫn bị đánh giá thấp hơn đồng hương Văn Quyến (phải). |
Để có tiền trả nợ, tôi bắt đầu chuyển sang đá bóng lưới ăn tiền. Đấy là một hình thức cờ bạc và tôi lập tức nhận ra ma lực của trò ăn tiền này. Bình thường chơi chui háng tâm lý rất thoải mái, nhưng chỉ cần có một ít tiền vào, mọi thứ khác hẳn. Trong đầu tôi luôn hiện ra hai khung cảnh. Một là chiến thắng, sẽ vui vẻ, có tiền trả nợ, sẽ không phải sống trong tâm lý của một con nợ nữa, bước ra trước cổng cũng cảm thấy tự tin hơn, thay vì cứ núp núp vì sợ chủ nợ réo tên. Nhưng nếu thất bại, món nợ kia sẽ ngày một lớn hơn, bởi tiền trừ nợ giờ phải dùng để trả bóng lưới.
Sự hồi hộp giữa được và mất khiến tim đập mạnh hơn, con người cũng trở nên hưng phấn hơn. Thế nhưng, khi đã bước vào cá cược, ít ai lại nghĩ mình sẽ thua. Họ luôn có niềm tin rất lớn vào bản thân. Ngành cá cược ra đời và nhanh chóng trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô chính là đánh vào cái tâm lý háo thắng ấy của con người. Trò bóng lưới ăn tiền đã cho tôi những ý niệm đầu tiên về cờ bạc. Sau hai tháng trời bóng lưới và ăn chịu, tôi nợ lên tới cả triệu bạc. Một lần mẹ từ dưới quê lên thăm tôi, đi vào cổng bị chủ nợ hai bên “điểm danh” con trai mệt nghỉ. Trong túi mẹ vỏn vẹn có 400 nghìn, không đủ trả phân nửa tiền nợ của ông con chúa Chổm. Mẹ lại khóc vì bất lực: "Vinh ơi, con ăn uống thế này, tiền đâu mà mẹ trả?". Tôi ôm mẹ, xin lỗi vì đã để mẹ phải buồn lần nữa.
Tôi vẫn nhớ chiếc xe đầu tiên của mình. Đấy là một chiếc xe đạp mini của Nhật, được mẹ dành dụm tích góp để cho tôi có cái mà đạp đi học. Trường học cấp hai của tôi cách khu tập luyện của SLNA khoảng năm cây số. Lúc mới có xe, tôi luôn mong mỗi sáng thức dậy thật sớm để có thể cùng chiếc xe đạp phi đến trường.
Trường học là một trải nghiệm đáng nhớ. Tôi thích vào lớp học không kém gì ra sân tập đá bóng. Những năm cấp hai, tôi học tốt đến mức được bầu làm... lớp phó học tập. Từ lớp 6 đến lớp 8, tôi luôn thuộc nhóm học giỏi của lớp. Tôi thích môn Văn và môn Hóa, nhưng không giỏi môn Toán dù là một người làm phép tính nhẩm rất giỏi. Đến khi việc tập luyện ở SLNA ngày một nặng hơn và tôi cũng chuyên tâm vào đá bóng nhiều hơn để không bị đuổi, việc học của tôi mới bê trễ lại một chút.
Cuối năm lớp 8, tôi bị tước nhiệm vụ lớp phó học tập, nhượng vị trí này lại cho một bạn khác. Đấy là một bạn nữ, tên Vân, con gái của giáo viên chủ nhiệm. Không có một sự hằn học nào trong cuộc chuyển giao này. Thậm chí một thời gian sau thì cựu lớp phó và đương kim lớp phó... thích nhau luôn. Tôi vẫn nhớ Vân để tóc ngang, có nụ cười rất hiền. Ngày Vân lên Vinh để đi học hè, tôi đã gửi thư cho nàng và đếm ngày chờ nhận được thư hồi đáp. Rồi thư hồi âm cũng tới. Tôi háo hức được đọc thư nàng giống như đứa con nít chờ mẹ đi chợ về cho bánh.
Chữ của Vân rất đẹp, lần nào nhìn chữ viết trong tập của nàng, tôi cũng mê mẩn. Con gái cô chủ nhiệm có khác, chả bù cho đứa con trai nghèo dùng tay nuôi heo viết chữ như gà bới. Nhận thư hồi âm, tưởng tượng những hàng chữ tuyệt đẹp bên trong, tôi đã vui hết cả buổi. Tôi không đọc ngay mà để dành về nhà đọc. Tôi nghĩ trẻ con luôn có tư tưởng để dành như thế. Món gì ngon luôn cất vào đâu đó, để dành ăn sau. Cái cảm giác tưởng tượng trong lúc chờ ăn có khi hơn cảm giác ăn thật. Vấn đề là khi cất đồ ăn ở đâu đó, đứa trẻ cũng đối diện với nguy cơ là món ấy sẽ bị người khác ăn mất. Và tôi đã bị một cú phỗng tay trên như thế với lá thư để dành của mình. Biết tôi để thư của Vân trong ba-lô, mấy bạn nữ thích tôi đợi tôi ra ngoài chơi liền lén lấy thư ra đọc. Khi biết chuyện, tôi đã đến... đánh từng cô một. Cánh chị em ăn đòn khóc bù lu bù loa, nhưng vẫn không đi mách thầy cô. Không biết sau này họ còn buồn tôi không, chứ tôi thì luôn cảm thấy buồn cười khi nghĩ về cái thời đi đánh con gái.
Thực ra tôi không chỉ đánh con gái. Tôi đánh cả con trai. Sau khi đã cưới Thủy Tiên, có một lần chúng tôi đáp chuyến bay về Vinh thăm nhà. Trên máy bay, tôi vô tình gặp lại một người bạn cũ. Người ấy thấy tôi thì tay bắt mặt mừng. Anh ta ôm cố nhân rồi hỏi dồn dập: "Vinh, có nhớ tôi không? Sao quên được nhỉ. Bạn học cấp hai đây. Công việc dạo này thế nào? Nổi tiếng quá rồi nhỉ?". Rồi tôi trả lời bạn, hai đứa cùng ôn lại kỷ niệm thời đi học. Những người bạn cũ giờ đang ở đâu, làm gì, những ai đã có gia đình, thầy cô ngày trước còn đi dạy hay đã nghỉ hưu. Nếu không vì máy bay chuẩn bị cất cánh, tôi đã có thể trò chuyện cùng bạn mình đến khi... hạ cánh. Lúc tôi trở về ngồi xuống cạnh Tiên, Tiên hỏi: "Bạn thân của anh ngày xưa hả?". "Không thân lắm, nhưng có kỷ niệm không bao giờ quên". "Kỷ niệm gì vậy?". "Hồi còn đi học, ngày nào ba cũng đánh nó. Có lần ba nện nó đến xịt máu mũi".
Thật vậy. Công Vinh thời còn đi học là chuyên gia đánh bạn. Tôi hiền nhưng có máu... chó điên. Những khi tức giận, khó ai ngăn tôi được. Thằng bạn khốn khổ ấy là một trong những đứa bị tôi cho ăn đòn nhiều nhất. Tôi cứ hay lôi nó ra chọc, chọc từ bố mẹ nó đến cái tính ưa khóc nhè của nó. Nó bị tôi chọc thì tức điên, nhưng vừa phản kháng đã bị tôi đánh cho tắt bếp. Thế là nó lại khóc nhè. Tôi thấy nó khóc thì lại càng chọc quê tợn. Nó quê đến chịu không nổi thì phản kháng. Và chỉ đợi nó phản kháng thì tôi lại... đánh nó tiếp. Một vòng quay như thế lặp đi lặp lại.
Lê Công Vinh thời giữ băng đội trưởng tuyển quốc gia Việt Nam. |
Trong lớp học của chúng ta, luôn có một kẻ chuyên đi bắt nạt người khác. Tôi đích thị là một đứa như thế trong lớp mình. Đứa bạn khốn khổ kia tuy mít ướt nhưng lại học rất giỏi. Thế nên sau khi đánh nó xong, đến giờ kiểm tra tôi vẫn... cọp bài nó như thường. Được cái nó là một người bạn tốt tính. Trước “kẻ thù không đội trời chung”, nó vẫn cho ngó bài đều đặn, không bao giờ mách cô. Quả là một người bị bắt nạt nghĩa khí!
Tôi là... trùm nhìn bài bạn. Mỗi khi về nhà, tôi chỉ dành nửa tiếng cho việc học. Tôi thích xem tin thể thao xong là đi ngủ sớm. Đến giờ kiểm tra, tôi luôn có cách nhìn bài bạn để thoát nạn. Nhưng có một vấn đề lớn: Kỳ thi vượt cấp từ cấp hai lên cấp ba, chúng tôi không còn được ngồi thi theo lớp nữa mà cả trường sẽ trộn lại và chia phòng ngẫu nhiên. Ngày nhận phòng và số báo danh, tôi hồi hộp với biết bao câu hỏi. Mình sẽ ngồi gần ai đây, người lạ hay người quen, nó học giỏi không, nó có cho mình cọp không? Vị trí bàn của mình có gần với bàn giáo viên không, nếu gần thì coi như... xong phim.
Nhưng những nỗi lo ấy tan biến khi tôi biết được ngồi kế mình là một đứa học giỏi nhất trường cấp hai. Nó học lớp khác, nhưng danh tiếng vang lừng trong khối ai cũng biết. Không những thế, nó còn là bạn thân của... cô bạn tôi. Thế là trước khi bước vào kỳ thi, cô bạn gửi gắm liền: "Này, ông phải cho Công Vinh nhìn bài nghe chưa. Không là tôi nghỉ chơi ông ra". Thằng bạn ấy rõ ràng không muốn bị cô bạn nghỉ chơi. Thế là nó chỉ bài tận tình, chu đáo hết cỡ. Điểm Toán thi vượt cấp của tôi là 8.5, tất cả cũng nhờ người chỉ bài có tâm. Chỉ môn ấy thôi, còn những môn còn lại tôi đều tự mình vượt qua. Thằng bạn có ý “để mình chỉ cho”, nhưng Công Vinh ngạo nghễ từ chối vì “tự tớ lo được”. Và tôi đã đậu vào trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, còn được gọi là trường Vinh 2 như thế đó!
Lên cấp ba, tôi lập tức có... nàng thơ mới. Đấy là một bạn học khác lớp, trên tôi một tầng. Vì tôi chỉ được học lớp thường, còn nàng là dân lớp chọn. Cơ duyên quen nhau là hai đứa ngồi gần nhau ở những buổi chào cờ đầu tuần. Bạn bè hai lớp cứ thế mà ghép đôi. Ghép riết thành... thật. Tôi hay đạp xe đi ngang nhà nàng, rồi hai đứa cùng đạp sóng đôi đến trường. Tôi không nhớ chúng tôi đã nói những gì trong những năm tháng êm đềm ấy. Tôi chỉ nhớ đó là một mối tình thật trong sáng. Nàng mời tôi đến nhà chơi. Hai đứa vào phòng, nhà không còn ai, vậy mà bàn tay còn ngập ngừng không dám nắm.
Chiếc xe đạp mini ấy đã chứng kiến rất nhiều kỷ niệm, vậy mà đã có lúc tôi lại tính đến chuyện... hành quyết nó. Ở chợ Vinh có phố đổi đồ. Bạn đưa đồ xịn đến, họ sẽ tháo phụ tùng ra và thay bởi đồ Trung Quốc, rồi trả cho bạn tiền chênh lệch. Đã có lúc vì quá túng tiền, tôi đã nghĩ đến việc mang chiếc xe đạp của mình ra đó để cho họ rã phụ tùng. Tôi thậm chí đã đạp xe đến tận nơi. Tôi thầm nhủ: Mình phải làm việc này, rồi mình sẽ có tiền, trả nợ cho mấy hàng quán trước cổng sân, sẽ có thêm tiền mời bạn gái đi ăn này ăn kia, sẽ được nở mày nở mặt một chút. Tôi vừa đạp, vừa suy nghĩ. Một vòng, hai vòng, đến vòng thứ mười thì tôi quyết định đi về. Tôi không thể làm trái với lương tâm mình được.
Nếu đêm ấy tôi đưa chiếc xe cho người ta, cuộc đời của tôi đã ngã sang một chương hoàn toàn mới. Vì chỉ cần bạn bước qua ranh giới một lần, có khi sẽ không còn cơ hội để trở lại nữa. Bố tôi là một tấm gương quá lớn. Chỉ một lần phạm sai lầm mà ân hận suốt đời. Sau này, khi trưởng thành, tôi mới nhận ra nỗi xấu hổ lớn nhất mà một người phải đối diện không phải là với mọi người xung quanh mà là với chính mình. Tòa án chỉ phán xét ta một lần, nhưng tòa án lương tâm thì phán xét cả đời. Có những người chỉ cần bước qua cái ranh giới mong manh trong lòng mình một lần, để rồi họ tiến đến cái ngưỡng không còn điều gì không dám làm nữa.
Trích tự truyện "Phút 89"
(Trần Minh chấp bút, Phương Nam Book)
Nguồn tin: Báo VnExpress