Chị A.M (Hưng Yên) vừa chia sẻ câu chuyện tự sinh con thứ 2 tại nhà của chính mình. Chị cho biết, lần đầu, chị cũng sinh tại bệnh viện như bao thai phụ khác, nhưng từ khi mang thai bé thứ 2, 2 vợ chồng chị đã tìm hiểu về phương pháp sinh tự nhiên và áp dụng theo.
Theo đó chị ăn chay trong suốt thai kỳ. Trong quá trình mang thai có đi xét nghiệm ở tuần thứ 12, 22 và 32. Khi thai 36 tuần, chị cũng làm xét nghiệm nước tiểu và thử máu. Đến tuần thứ 39, chị chuyển dạ.
Hình ảnh bé sơ sinh tại Hưng Yên chào đời bằng phương pháp liên sinh gây nhiều tranh cãi |
Theo lời chị M., dù sinh tại nhà nhưng chị không đau đớn nhiều, lúc chuyển dạ chỉ có cơn co đau tức thúc xuống dưới trong khoảng 10 phút, sau đó chỉ rặn 3 hơi, bé chào đời dễ dàng.
Trong lúc trở dạ, chồng chị lo lắng chạy đi gọi bà đỡ nhưng khi đến nơi thì chị đã sinh. Bà đỡ chỉ giúp vệ sinh.
Sau sinh, chị áp con vào người, cho da kề da liên tục 4 giờ đồng hồ và bé tự tìm ti mẹ sau 30 phút, không tiêm vắc xin. Đặc biệt, chị cũng không cắt rốn cho con mà đặt bánh nhau cạnh con, đến ngày thứ 6, dây rốn của bé tự rụng và được khen là “rốn rất đẹp”.
Chị M. chia sẻ, nhờ phương pháp này, chị không còn sợ đẻ như trước nữa. 1 tuần sau sinh, sức khoẻ 2 mẹ con đều tiến triển tốt, chị có thể tự túc được các sinh hoạt hàng ngày.
Câu chuyện của chị M. thực sự khiến nhiều người bất ngờ và tạo ra nhiều tranh cãi vì phương pháp liên sinh (Lotus Birth, sinh xong không cắt dây rốn cho con) không phổ biến tại Việt Nam.
Trước nhiều quan điểm trái chiều, chị M. cho rằng, bản thân chị không phủ nhận vai trò của bệnh viện hay lên án việc sinh con tại bệnh viện và xúi giục các mẹ khác học theo mình. Chị chỉ muốn động viên các bà mẹ khác đang nghiên cứu phương pháp này giống mình sẽ có thêm động lực và niềm tin rằng nó không hề bất khả thi như nhiều người nghĩ.
Theo lãnh đạo Vụ Sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, Bộ Y tế, việc tự sinh con như trường hợp này là hết sức nguy hiểm.
Việc sinh nở tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh; thậm chí tử vong cả mẹ lẫn con...
Khi mang thai, bà bầu phải được theo dõi thai kỳ, chăm sóc thai, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ con sau đẻ.
Tác giả: T.Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet