Nguyên chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng bà thực sự lấy làm “đau khổ” về thực trạng của vấn đề này. “Mỗi một trường đại học đều có một chức năng riêng, đúng như tên gọi. Vậy trường Kinh doanh và công nghệ HN thì phải đi đào tạo những ngành liên quan đến kinh doanh và công nghệ, tại sao lại cho đi đào tạo y đa khoa và dược học? Họ có đang đá lộn sân không?“, bà Hoài Thu đặt nghi vấn.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội
Theo chuyên gia giáo dục này, mỗi giáo viên dạy ở trường đại học phải có một trình độ nhất định. Tuy nhiên, trình độ ấy thuộc về lĩnh vực chuyên môn họ được đào tạo.
“Theo tôi, việc cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN dạy y, dược giống như việc mặc áo của người khác vậy. Muốn đào tạo y, dược thì tại sao những trường y, dược của nhà nước không đào tạo. Ví dụ như mở cơ sở 2, cơ sở 3. Việt Nam đang có nhiều trường chuyên về ngành này, vậy tại sao lại để một trường chuyên về kinh doanh và công nghệ đào tạo?”.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), bà Hoài Thu bày tỏ sự ngạc nhiên trước những phát ngôn của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng vụ Đại học, cho rằng Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. “Tôi cho rằng hoặc là họ chưa nghiên cứu kỹ như họ nói, hoặc là nghiên cứu kỹ mà lại đưa ra quyết định như thế thì chắc chắn có vấn đề”.
“Tôi lấy làm tiếc vì Bộ Y tế chưa có sự lên tiếng thỏa đáng trong vấn đề này. Lên tiếng không phải để dành giật hay đùn đẩy trách nhiệm mà là để dư luận có được câu trả lời rõ ràng”, bà Thu nhấn mạnh.
Lo ngại những người theo học chuyên ngành y, dược ở trường Kinh doanh và Công nghệ HN sau này ra trường liệu có được Bộ Y tế công nhận bằng cấp, bà Thu nêu quan điểm: “Nếu Bộ Y tế công nhận thì phải công nhận ngay từ đầu vào, tránh rơi vào trường hợp trước đây với những người học hệ không chính quy khi tốt nghiệp không được nhận vào làm việc. Nếu không thống nhất ngay từ đầu, sẽ gây ra những hệ lụy đáng tiếc, thậm chí là bi kịch với cả một thế hệ”.
Quyết định của Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ ĐH, hệ chính quy ngành Y đa khoa
“Việc mở ngành y, dược đối với trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, gọi một cách thất lễ thì chẳng khác nào “treo đầu dê bán thịt chó”. Có phải chúng ta đang làm một việc thiếu minh bạch đối với sinh viên? Ai công nhận bằng cấp của người thầy học ra làm bác sĩ? Tại sao điều này không phải do Bộ Y tế quyết định mà lại là Bộ GD&ĐT? Đây là một băn khoăn lớn cần có một câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan có thẩm quyền”, bà Thu nói.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội nêu quan điểm: “Dạy ngành y tế thì phải là bộ Y tế quyết định. Nhưng cơ chế hiện nay lại do bộ GD&ĐT. Vậy những người theo học ngành y, dược ở trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN, nếu sau này ra trường họ không được công nhận bằng cấp thì lúc đó ai chịu trách nhiệm? Chính là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì hôm nay ông là người ký quyết định. Quyết định này 80 triệu người dân Việt Nam biết, đến lúc sinh viên ra trường mà không được công nhận bằng cấp), bà Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ đại học phải nói với 80 triệu dân Việt Nam rằng mình đã tham mưu cho Bộ trưởng như thế nào để dẫn đến quyết định đó(?!)
Lúc đó bà Kim Phụng cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, không có chuyện cho rằng: “Tôi đã nghỉ hưu rồi và tôi không chịu trách nhiệm về điều đó. 80 triệu dân bây giờ ghi nhận những phát ngôn và quyết định của bà Phụng thì mấy năm sau họ cũng có quyền chất vấn bà ấy về kết quả mà những quyết định hôm nay đưa ra”.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Theo bà Hoài Thu, trong câu chuyện này không thể trách trường Kinh doanh và Công nghệ HN. “Bởi xin là quyền của họ. Còn cho hay không là quyền của Bộ GD&ĐT. Tôi lo cho những người chuẩn bị vào học ngành y, dược tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN. Tôi cũng không dám khuyến cáo với họ điều gì nhưng hãy cân nhắc nguyện vọng của mình trước khi chọn trường và hãy nghĩ đến việc những năm sau khi ra trường mình sẽ xin việc ở đâu? Có được Bộ Y tế công nhận bằng cấp, cấp giấy chứng nhận hành nghề hay không? Phải tìm hiểu kỹ, không vì sự lúng túng, vội vã lựa chọn trường lớp bây giờ mà dẫn đến việc đối diện với những khó khăn, thách thức không đáng có sau này”, bà Thu cho biết.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tin rằng, những sinh viên đăng ký theo học ngành y, dược ở trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN là những người tha thiết trở thành các y, bác sỹ. “Nhưng dù bất cứ lý do gì họ cũng phải hỏi cho rõ đầu ra của mình”, bà Thu nói.
Nói về 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh khốn khổ vì thất nghiệp sau 12 năm công tác, bà Thu nhấn mạnh: “Đó là một bi kịch không chỉ với riêng họ mà còn với cả xã hội. Chúng ta không thể phê duyệt vô trách nhiệm kiểu như hôm nay tôi ký nhưng ngày mai như thế nào- tôi không chịu trách nhiệm. Anh theo học ngành y dược hôm nay nhưng sau này ra không tìm được việc làm, anh đi xuất khẩu lao động hay làm việc gì đó trái ngành là việc của anh, tôi không chịu trách nhiệm. Như thế là tàn nhẫn”.
Với góc độ của một chuyên gia và từng là một nhà quản lý giàu kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Hoài Thu bày tỏ sự mong muốn đến các chuyên gia giáo dục và y tế trong vấn đề này: “Tôi mong những người có thẩm quyền, trách nhiệm hãy nghiên cứu một cách cẩn trọng để không làm ảnh hưởng cả một thế hệ. Bởi nghề bác sỹ là một nghề cao quý, nắm giữ sinh mạng con người. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ càng phải được đặt lên hàng đầu và được nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không thể quyết định bằng một chữ ký hay một công văn gây nhiều tranh cãi”.
Đào Bích