Kinh tế

Trước khi thành 'đại gia điếu cày', ông Lê Thanh Thản làm gì?

Ông Lê Thanh Thản trước khi trở thành đại gia bất động sản, từng trải qua rất nhiều công việc và vị trí khác nhau, nhưng với đầu óc nhạy bén, ông Thản đã nhanh chóng thành một doanh nhân có tiếng.

Ông Lê Thanh Thản sinh năm 1949 tại Diễn Châu, Nghệ An. Năm 1974, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch giải phóng Huế và toàn bộ miền Nam với tư cách một chiến sỹ thông tin.

Sau đó, với vị trí là cán bộ đoàn xã và tổng đội trưởng thanh niên xung phong, ông Thản được tổ chức cử đi học trường Đảng Trần Phú nhằm chuẩn bị nhân sự cho địa phương.

Ông Lê Thanh Thản.

Năm 1982, ông Thản được tổ chức đưa lên Lai Châu, một trong những địa phương có tình hình khá phức tạp. Khi đó, nhiệm vụ của ông Thản là để nắm dân, tăng cường cán bộ cho địa phương.

Những tưởng ông Thản sẽ đi theo con đường quan lộ, nhưng cuối cùng ông Thản lại chọn làm kinh tế tư nhân tại miền đất mà với nhiều doanh nhân là "không có nhiều triển vọng" này.

Những ngày đầu làm kinh tế, với vai trò Phó chánh văn phòng Huyện ủy, ông lập ra đội sản xuất, quy tụ những người lao động khỏe mạnh vào để đảm nhận việc xây dựng các công trình cho địa phương. Bất kỳ cơ hội nào để kiếm tiền ông đều nắm lấy, từ đúc gạch ngói, buôn bán nông lâm sản cho đến việc nhận thầu xây dựng các tuyến đường.

Thời gian đầu lập nghiệp, ông Thản làm đủ thứ việc, miễn có cơ hội kiếm tiền. Ông từng đúc gạch ngói, bán nông lâm sản, và bước ngoặt bắt đầu từ khi ông nhận thầu xây dựng các tuyến đường.

Sau một thời gian tích góp, đến đầu những năm 1990, ông Thản thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, chính thức trở thành một doanh nhân, một chủ doanh nghiệp tư nhân, không liên quan gì đến người nhà nước.

Thuở ban đầu, doanh nghiệp của ông Thản khá khó khăn. Nhưng với đầu óc nhạy bén, chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp của ông đã ký được nhiều gói thầu quan trọng.

Một trong những gói thầu đính đám nhất thời bấy giờ là năm 1992, doanh nghiệp của ông Thản đã ký hợp đồng sửa chữa 70 km đường bộ từ cửa khẩu Tây Trang đến Mường Khoa trên đất Lào, trị giá 1,7 triệu USD. Để lấy được gói thầu này, ông Thản đã đánh bật nhiều đơn vị khác, trong đó, có nhiều đơn vị là của nhà nước.

Sự nhanh nhạy của ông Thản luôn thể hiện trong mọi hoạt động đầu tư. Một trong những thương vụ khác khiến nhiều người ngưỡng mộ là việc ông nhập về Việt Nam một lô lớn các hàng hóa như xe Honda Dream - một trong những mặt hàng "hot" của thập kỷ 90 mà không mất thuế.

Thực tế, đây là lô hàng mà đối tác phía Lào đã đổi cho ông Thản sau khi ông thực hiện 1 gói thầu mà đối tác không có ngoại tệ để trả.

Một bước ngoặt khác, quan trọng trong sự nghiệp của ông Thản là vào năm 1994, ông khánh thành khách sạn đầu tiên tại Điện Biên Phủ. Đến năm 1996, ông nhượng lại khách sạn này cho tỉnh Lai Châu và xây dưng khách sạn Mường Thanh Điện Biên. Đây là khách sạn Mường Thanh đầu tiên trong hệ thống 45 khách sạn Mường Thanh hiện nay.

Sau một thời gian lập nghiệp, năm 2000, ông Thản bắt đầu được nhiều người biết đến khi ông đặt chân vào thị trường bất động sản Hà Nội.

Ông Thản quyết định dồn tiền để mua 1 mảnh đất ở khu đô thị Linh Đàm, xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ.

Cái tên Lê Thanh Thản chỉ thực sự được biết đến khi ông thâu tóm 21ha đất ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội để xây dựng khu đô thị Xa La.

Tiếp đó, ông Thản nổi đình đám khi đưa ra thị trường những căn hộ giá siêu rẻ, chỉ 10 triệu đồng/m2.

Tại thời điểm năm 2012, khi thị trường bất động sản đóng băng, việc ông Thản đưa ra chiến lược nhà giá rẻ 10 triệu đồng/m2, nhiều người đã không tin và cho rằng, đây chỉ là chiêu trò của ông Thản.

Tuy nhiên, nói là làm, nhà giá rẻ Đại Thanh của ông chỉ trong một thời gian ngắn đã bán hết veo, thậm chí thị trường còn xuất hiện tiền chênh. Cũng từ đây "nhà ông Thản" đã trở thành một thương hiệu nhà giá rẻ.

Nhờ chọn đúng đường đi, đúng phân khúc bất động sản mà người tiêu dùng có nhu cầu, chỉ trong một thời gian ngắn, việc làm ăn của ông Thản lên như diều gặp gió. Ông Thản được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án như: Dự án Kim Văn Kim Lũ, VP5, VP6 Linh Đàm,... Đặc biệt, đến năm 2016, ông Thản đã bước chân vào khu đô thị Thanh Hà, một trong những khu đô thị từng đình đám một thời tại Hà Nội.

Ở mảng kinh doanh khách sạn, chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống khách sạn Mường Thanh đã phủ kín nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đến nay, khách sạn Mường Thanh đã lên tới con số 45 và là hệ thống khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tác giả: NGỌC VY

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP