TP Hà Tĩnh

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen: Những sai phạm cần được xử lý

Người tàn tật đang trở thành “mồi” cho những người không có lương tâm. Lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như sự quan tâm đặc biệt của xã hội và những nhà hảo tâm đối với những người tàn tật, ông Phạm Công Ngụ đứng ra thành lập Trung tâm Dạy nghề cho người Khuyết tật Thành Sen vào giữa năm 2006.

hatinh24h

Với chức năng dạy nghề – tạo việc làm cho người tàn tật, con em chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh và các tỉnh phụ cận, ông Ngụ đã phát hành hàng loạt thư mời kêu gọi người khuyết tật đến Trung tâm với nhiều hứa hẹn về dạy nghề, tạo việc làm, ăn ở và điều kiện sinh hoạt. Nghe quảng cáo, nhiều người đã tìm đến với mong muốn có cơ hội tìm kiếm việc làm, thoát khỏi cuộc đời vất vả của người tật nguyền. Nhờ có nhiều người tìm đến, ông Ngụ đã tích cực tìm nguồn tài trợ, kêu gọi lòng hảo tâm của các cấp, các ngành và đã được đền đáp xứng đáng. Chỉ tính riêng năm 2008, đơn vị đã được Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam hỗ trợ 388.800.000 đồng, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh hỗ trợ 100 triệu đồng. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như mọi hoạt động dạy nghề tạo việc làm của trung tâm đúng như mục tiêu. Đằng này thực tế công tác tuyển sinh và đào tạo được thực hiện bằng danh sách khống.

Trong tổng số 240 học viên được tuyển sinh, rất nhiều người đến trung tâm nhưng không được học bất cứ một nghề gì. Nhiều học viên chỉ đến được 2 – 3 hôm đã vội rời trung tâm, thậm chí nhiều người dù đã đăng ký nhưng khi tìm hiểu được bản chất đã không dám đặt chân đến. Số ít may mắn được học nghề nhưng chủ yếu là lao động phổ thông. Em Nguyễn Thị Hoài ở khối 2 thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Em vào trung tâm này được 8 tháng, nhưng suốt ngày chỉ bốc gạch, trộn hồ, đóng táp lô. Một số em khác được gửi đến các cơ sở sản xuất nghề mộc tư nhân như một người giúp việc. Phạm Văn Chung (SN 1988) quê Quảng Bình bị khuyết tật vào trung tâm này gần 2 tháng được gửi vào đào tạo tại cơ sở sản xuất mộc của ông Thường (phường Đại Nài). Đến nay em vẫn chưa tự mình làm được bất cứ loại đồ dùng bằng gỗ nào nhưng vẫn được trung tâm cấp chứng chỉ học nghề tương đương bậc thợ 2/7.

Theo hồ sơ quyết toán của đơn vị có 30 học viên học lớp mộc dân dụng nhưng thực tế chỉ khoảng 5 – 7 người được gửi đến 2 cơ sở sản xuất mà đơn vị hợp tác. Anh Tám – chủ xưởng mộc ở xã Thạch Khê (Thạch Hà) cho biết: “Nói là lớp đào tạo nghề cho trung tâm của ông Ngụ nhưng thỉnh thoảng có vài người đến làm được ít hôm rồi lại về. Khi nào có đoàn về kiểm tra, ông Ngụ điện trước thì tôi gọi mấy người trong xóm là thành lớp học”.Các nghề khác như thủ công mỹ nghệ, điêu khắc, tin học, hội hoạ quảng cáo được tổ chức ở trung tâm nhưng điều kiện vật chất, phương tiện phục vụ dạy học quá thiếu, không có giáo viên đạt chuẩn.

Theo danh sách báo cáo với Sở LĐTBXH thì số giáo viên ấy chỉ là những công nhân đã và đang làm việc tại trung tâm. Vậy mà, học viên theo học và người không bao giờ học, thậm chí chưa một lần có mặt tại trung tâm vẫn được cấp chứng chỉ học nghề, chủ yếu là để hợp thức hoá đào tạo của đơn vị. Chính vì vậy, nhiều học viên không muốn nhận chứng chỉ vì không có tay nghề thì lấy để làm gì.

Làm con dấu giả – bất minh kinh tế – hành hạ trẻ tật nguyềnCùng một lúc có nhiều dự án, mở nhiều lớp dạy nghề nhưng không có học viên buộc ông Ngụ nghĩ cách lập nên những bộ hồ sơ ảo. Để qua mắt các nhà tài trợ, ông Ngụ đã chỉ đạo nhân viên sử dụng công nghệ thông tin quét con dấu của UBND các xã: Thạch Bình, Thạch Kênh, Thạch Thắng, Phù Việt, Thạch Vĩnh… (Thạch Hà), ngay cả con dấu của Trung tâm Y tế thị xã Hà Tĩnh và UBND thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh) ông cũng tự “sản xuất”.

Sau mỗi khoá đào tạo nghề dù thực chất không có học viên nhưng ông vẫn lập danh sách rồi in dấu của các địa phương xác nhận để lập hồ sơ quyết toán. Để có học viên khuyết tật theo tiêu chí của dự án, ông chỉ cần dùng mẫu khám sức khoẻ của Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế thị xã Hà Tĩnh (cũ) rồi “đóng” dấu vào là xong. Có những loại giấy tờ cần công chứng, chứng thực mặc dù có bản gốc đủ căn cứ pháp lý nhưng ông Giám đốc vẫn chỉ đạo nhân viên in dấu giả vào cho “đỡ tốn công đi lại”.Bằng các phép thuật ma mãnh, ông Phạm Công Ngụ đã biến trung tâm thành một địa chỉ tình thương với hình ảnh hàng trăm đứa trẻ tật nguyền cần được cưu mang. Nhưng, khi nguồn kinh phí được cấp về, ông Ngụ sử dụng với nhiều dấu hiệu bất minh.

Theo báo cáo của đơn vị, số tiền này đã được chi phí phục vụ cho công tác đào tạo, mua sắm vật liệu, chi hành chính và đi lại ăn ở cho học viên. Tính ra số tiền chi cho mỗi học viên là 3,2 triệu đồng. Thế nhưng trong tổng số 240 học viên theo danh sách thì chỉ có 40 – 50 người tại trung tâm, còn lại chỉ là học viên… “trên giấy”, vì nhiều người không có mặt hoặc chỉ đến được ít hôm rồi về. Vậy mà hàng tháng ông giám đốc vẫn chỉ đạo kế toán, lập danh sách và chi tiền ăn đều đặn. Trong đó có những em như Lê Hữu Lự ở Hương Khê chỉ đến trung tâm có mấy ngày mà vẫn ký nhận tiền ăn từ tháng 4 đến tháng 10; Đinh Văn Tùng ở Thạch Kênh (Thạch Hà) không có mặt tại trung tâm vẫn được quyết toán 2.160.000 đồng tiền ăn…

Để hợp lý hoá khoản kinh phí chi cho đào tạo nhằm qua mặt Hiệp hội, ông Ngụ đã đưa vào danh sách học viên cả những người là cán bộ của trung tâm, như: Nguyễn Viết Hoàng, ở xã Thạch Vĩnh (Thạch Hà); Phạm Quang Nhật, ở xã Tùng ảnh (Đức Thọ); Nguyễn Thị Thương ở xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên)… Những người này là cán bộ, giáo viên hoặc làm công tác quản lý của Trung tâm nhưng vẫn được cho vào danh sách và được “hưởng suất học viên”. Bằng hình thức xây dựng hồ sơ ảo, ông giám đốc này đã chi sai hàng trăm triệu đồng từ nguồn tài trợ.Việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật ở đây cũng có nhiều chuyện đáng nói. Mặc dù trung tâm có kế toán, thủ quỹ nhưng thực chất họ chỉ là “cái bóng”.

Chuyện tiền nong đều thực hiện theo “kịch bản” của ông giám đốc. Tiền dự án có các khoản chi mua đồ dùng, dụng cụ và nguyên liệu phục vụ cho việc học nghề, nhưng thực chất ở đây không có chương trình đào tạo, các học viên chỉ lao động như người thợ, làm ra sản phẩm để tự nuôi sống mình nên Trung tâm cũng chẳng phải đầu tư gì. Tuy nhiên, để hợp lý hoá ông Ngụ đã dùng hoá đơn của cơ sở dạy nghề – tạo việc làm cho người khuyết tật, trẻ mồ côi do chính ông làm giám đốc và cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật do Phạm Công Trung (cháu ông làm giám đốc) để thanh quyết toán. Điều đáng lên án chỉ vì nghi ngờ cháu Nguyễn Thị Hoài ở khối phố 2, thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) là cô gái tật nguyền vào làm ở trung tâm này được mấy tháng, trộm 1 chỉ vàng, ông Ngụ đã dùng dây thừng được bện làm đôi liên tục quất vào người.

Thậm chí ông còn xách cả chiếc cũi đựng bát đũa dọa ném vào người cháu Hoài, đúng vào 3/12/2008 – Ngày trẻ tàn tật! Rõ ràng việc làm giả con dấu của ông Ngụ là có tổ chức, diễn ra trong một thời gian khá dài, đánh trẻ tật nguyền, có dấu hiệu bất minh về kinh tế, hành vi này cần được làm rõ và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.Khi chúng tôi viết bài này thì Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Chức vụ đã triệu tập ông Ngụ đến cơ quan điều tra để làm việc. Bước đầu ông Phạm Công Ngụ đã khai nhận hành vi làm giả con dấu và những sai phạm về quản lý kinh tế của mình. Còn việc đánh cháu Hoài thì ông giải thích: “tôi chỉ dùng đoạn dây thừng quất cháu mấy cái, chủ yếu là để giáo dục”.
Văn Đình – Hồng Phú

CANA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP