Sinh viên đại học ở Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP. |
Mùa xuân hàng năm, chính phủ Trung Quốc thường gửi 60 sinh viên chưa tốt nghiệp tới Triều Tiên học ngôn ngữ. Bình Nhưỡng cũng gửi số sinh viên tương đương sang Trung Quốc. Học phí và tiền sinh hoạt do chính phủ hai nước chi trả, theo SCMP.
Hai tuần trước, chính phủ Trung Quốc phát động các ứng viên nộp đơn để tìm ra 60 người sang Triều Tiên du học theo chương trình trao đổi, nhưng không nhận đủ hồ sơ.
Wang Xueyao, cán bộ phòng hợp tác quốc tế, đại học sư phạm Sơn Đông, thành phố Tề Nam, cho biết đã nhận được chỉ thị từ chính phủ đề cử ít nhất một sinh viên đi học. Đây là lần đầu tiên trường cử sinh viên tới Triều Tiên, bà Wang nói.
"Các giáo viên rất lo lắng về an toàn của sinh viên", bà cho hay.
Hiện trường có khoảng vài chục sinh viên theo học tiếng Triều Tiên. Tuy nhiên, họ đều chọn đi Hàn Quốc du học, nơi có mức sống tương tự ở quê và truy cập Internet dễ dàng. Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul cho biết có khoảng 63.000 sinh viên nước này đang học ở Hàn Quốc.
Trường học cuối cùng cũng thuyết phục được một nữ sinh và bố mẹ cô chấp nhận cho con sang Triều Tiên du học. Nữ sinh này có thể sẽ rời Trung Quốc vào tháng 3 hoặc tháng 4 sang năm và ở lại Triều Tiên 7 tháng hoặc hai học kỳ.
Ở tỉnh miền nam Giang Tô, cuộc tìm kiếm ứng viên thậm chí còn khó khăn hơn. Một cán bộ chiêu sinh ở đại học Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, cho biết vẫn không có sinh viên nào nộp đơn xin học bổng du học Triều Tiên.
"Trên bàn tôi có một chồng đơn xin du học nhưng chẳng đơn nào xin đi Triều Tiên cả", ông này nói.
Thời hạn nộp đơn xin đi Triều Tiên sẽ kết thúc vào hết tháng sau. Tuy nhiên, sau vụ Bình Nhưỡng thử tên lửa mới nhất hôm 29/11, không phụ huynh nào muốn cho con em sang Triều Tiên du học.
"Chúng tôi sẽ không ép sinh viên đi Triều Tiên nếu không ai muốn đi", ông này khẳng định.
Một cán bộ khác phụ trách chương trình giao lưu quốc tế ở đại học Diên Biên, tỉnh Cát Lâm, nơi có biên giới với Triều Tiên, cho biết những năm qua, trường đã gửi một số sinh viên sang Triều tiên học theo chương trình học bổng của chính phủ.
"Chúng tôi luôn đặt an toàn lên quan tâm hàng đầu. Lúc nào chúng tôi cũng có cảm giác mình đang đi trên băng mỏng", ông này nói, yêu cầu giấu tên. "Nếu sinh viên gặp bất trắc, chúng tôi không dám đối mặt với phụ huynh".
Tác giả: Hồng Hạnh
Nguồn tin: Báo VnExpress