Trung Quốc

Trung Quốc biên chế J-16 cho HĐ Nam Hải tuần tra trái phép Hoàng Sa?

Các chiến đấu cơ loại mới vừa được biên chế cho "sư đoàn không quân trực thuộc hạm đội Nam Hải" này đã hoàn thành việc đóng quân và huấn luyện tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – PV)

Tờ Nhật báo Công nghệ Trung Quốc ngày 8/1 đưa tin, cuối tháng 12/2012 Trung Quốc đã biên chế một số chiến đấu cơ loại mới do nước này “tự chế tạo” cho 1 sư đoàn không quân chủ lực của hạm đội Nam Hải. Những chiến đấu cơ loại mới này đã thực hiện cái gọi là “đóng quân, bay tuần tra” trái phép tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam – PV).
Bài viết trên tờ Nhật báo Công nghệ cho hay, phóng viên của báo này đã có mặt tại sư đoàn không quân trực thuộc hạm đội Nam Hải và chứng kiến hoạt động diễn tập trong đêm của sư đoàn này. Tuy nhiên nội dung bài báo chỉ nói rằng cuộc diễn tập với những chiếc chiến đấu cơ mới nhất vừa được biên chế mà không cung cấp thêm chi tiết cụ thể về thời gian, địa điểm diễn tập cũng như chủng loại máy bay mới mà hải quân Trung Quốc vừa trang bị cho hạm đội Nam Hải.
Trong khi đó, tờ Quân giải phóng Trung Quốc ngày 31/12 đưa tin, tối ngày 13/12 tại một sân bay quân sự ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, một sư đoàn không quân “trực thuộc hạm đội Nam Hải được điều động xuất kích tập trận tập kích đường xa trong đêm.
Tường thuật của tờ Quân giải phóng cho biết, Bạch Hải Bình, Sư trưởng và tất cả các chỉ huy sư đoàn không quân này đều trực tiếp lên máy bay chia quân thành 2 cánh, quân xanh và quân đỏ diễn tập đối kháng, tập kích và chống tập kích đường không trên Biển Đông.

Bạch Hải Bình, Sư trưởng Sư đoàn không quân trực thuộc hạm đội Nam Hải, Trung Quốc trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận trong đêm 13/12
Theo các tài liệu công khai, hạm đội Nam Hải được biên chế 1 sư đoàn và 1 lữ đoàn không quân trực thuộc. Vũ khí chủ yếu trong biên chế của lực lượng này bao gồm các máy bay oanh tạc IL-28 (của Nga), H-5 và H-6 do Trung Quốc chế tạo, chiến đấu cơ Su-30MK2 của Nga, J-10 và J-15 do Trung Quốc chế tạo.
Tuy nhiên, bản tin trên tờ Nhật báo Công nghệ hôm 8/1 nói rõ, các chiến đấu cơ loại mới vừa được biên chế cho “sư đoàn không quân trực thuộc hạm đội Nam Hải” này đã hoàn thành việc đóng quân và huấn luyện tại quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép – PV).
Trong một động thái có liên quan, tờ China Times xuất bản tại Đài Loan ngày 7/1 dẫn phân tích của một chuyên gia quân sự Mỹ cho hay, Trung Quốc vừa biên chế 24 chiếc chiến đấu cơ J-16 từ Tổng công ty Chế tạo máy bay Thẩm Dương cho lực lượng “không quân thuộc hải quân” Trung Quốc.

Su-30MK2, chiếc chiến đấu cơ được cho là “bản gốc” của J-16 mà Trung Quốc “tự chế tạo” và vừa biên chế cho hải quân nước này
Chuyên gia quân sự giấu tên này cho biết, J-16 chính là phiên bản Trung Quốc nhái lại chiếc Su-30MK2 của Nga.
Năm 1999 Trung Quốc và Nga hợp tác nâng cấp chiếc chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi Su-30MK thành Su-30MK2 và sau đó Bắc Kinh mua của Moscow 100 chiếc Su-MK2 để trang bị cho không quân và hải quân Trung Quốc. Su-30MK2 là loại chiến đấu cơ ném bom 34 tấn được đánh giá có tính năng ngang ngửa với dòng F-15E Strike Eagle của Mỹ.
Hiện tại lực lượng không quân trong quân chủng Hải quân Trung Quốc được biên chế 24 chiếc chiến đấu cơ Su-30MK2. Với khả năng tiếp nhiên liệu trong khi cơ động, loại máy bay này hoàn toàn có thể được điều động tập trận hoặc tác chiến trên Biển Đông, theo China Times.
Cũng giống như nhiều lần trước, Trung Quốc luôn tìm cách “nhái” các chiến đấu cơ mua của Nga để cho ra các dòng máy bay “tự chế tạo”. J-11 thực chất là phiên bản “nhái” từ một chiếc Su-33 mua từ Ukraine, J-17 là bản copy của chiếc Su-27, 24 chiếc J-16 đầu tiên “do Trung Quốc chế tạo” vừa được biên chế cho không quân trong hải quân Trung Quốc chính là bản copy của Su-30MK2, chuyên gia này nói với China Times.

Hình ảnh được cho là J-16 Trung Quốc. Mặc dù có ngoại hình rất giống với Su-30MK2 của Nga, nhưng phần quan trọng nhất là động cơ thì hiện nay Trung Quốc vẫn chưa thể tự chế tạo được
Chính điều này đã khiến cho những cuộc đàm phán mua Su-35MB của Nga kéo dài từ năm này qua năm khác bởi Nga lo sợ Trung Quốc “nhanh tay nhanh mắt” đánh cắp mất công nghệ tiên tiến của họ. Đến cuối năm 2012 Nga mới chịu bán cho Trung Quốc 48 chếc Su-35MB khi Bắc Kinh đã cam kết sẽ không “nhái lại” dòng máy bay tiên tiến này.
Mặc dù các dòng chiến đấu cơ của Trung Quốc “nhái” lại dòng Su của Nga, tuy nhiên bộ phận quan trọng nhất là động cơ thì Trung Quốc chưa có cách nào “copy” được. Hiện tại Bắc Kinh vẫn phải tìm cách nhập khẩu động cơ Al-31 và RD-93 của Nga cho các máy bay nước này “tự chế tạo”.

Hồng Thủy (Nguồn: Nhật báo Công nghệ, China Times)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP