Cư Dân Mạng

Tranh luận về nữ sinh phiên dịch Oscar trên sóng trực tiếp

Bên cạnh ý kiến khen ngợi khánh Vy – nữ sinh 18 tuổi phiên dịch trong chương trình trao giải Oscar phát sóng trực tiếp – một số người cho rằng đây là cách làm “liều”.

Tranh luận về nữ sinh phiên dịch Oscar trên sóng trực tiếp

Nữ sinh Học viện Ngoại giao Khánh Vy được chọn làm MC phiên dịch cho lễ trao giải Oscar phát trực tiếp trên kênh truyền hình VTC ngày 27/2.

Nhiều chuyên gia cho rằng cô gái 18 tuổi nổi tiếng vì từng nói 7 thứ tiếng này dịch có vẻ trôi chảy, song chỉ truyền tải được khoảng 10% nội dung.

‘Dịch Oscar không đơn giản’

Chia sẻ với Zing.vn, giảng viên Nhữ Đình Ngọc Anh, một trong những người thực hiện chương trình 8 IELTS trên VTV7 và cũng là thầy giáo của Khánh Vy, nhận xét: Khánh Vy rất giỏi, có thể nghe và hiểu được, song chưa thể đảm nhiệm hai vai trò vừa hiểu và phiên dịch tiếng Anh.

Vốn sống của em chưa nhiều để biết về các tài tử già như Mel Gibson.

Ngay sau chương trình kết thúc, nam giảng viên đã trao đổi riêng với nữ sinh Học viện Ngoại giao. Thầy ngạc nhiên khi nghe tin 9X dịch trực tiếp Oscar trong 4 tiếng nhưng khi xem trên tivi thì thấy Vy nói 5 phút được một câu.

Theo nam giảng viên, cô gái quê Nghệ An xử lý tình huống và trao đổi trên sóng như vậy là rất đáng khích lệ nhưng chưa thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tranh luận về nữ sinh phiên dịch Oscar trên sóng trực tiếp - Ảnh 1.

Những phân tích của thầy giáo dạy phiên dịch tiếng Anh trong chương trình trao giải Oscar 2017. Ảnh chụp màn hình.

Là khán giả thường xuyên theo dõi chương trình trao giải Oscar và nhiều năm giảng dạy môn phiên dịch tiếng Anh, nam giảng viên cho rằng ở Việt Nam chưa ai dịch được Oscar thực sự tốt.

Dịch Oscar không giống như bình thường, người có nhiều năm kinh nghiệm cũng gặp khó khăn chứ chưa nói cô gái 18 tuổi.

Dịch được Oscar tốt yêu cầu có phông kiến thức giải trí tổng hợp từ phim ảnh, âm nhạc, thời trang, chính trị, “comedy” (những lời trêu đùa trên sân khấu).

Trong đó, “comedy” quan trọng nhất. Nếu không nắm được ngôn từ này, người dịch dễ “tắc”, thậm chí dịch từ khen thành chê, người ta nói mỉa mai mà không biết.

Đây là lý do vì sao chương trình trực tiếp VTC phải dùng đến 3 MC và 2 khách mời. “Để dẫn trực tiếp lễ trao giải Oscar, MC phải có tuổi đời và tuổi nghề nhất định.

VTC chọn cô gái 18 tuổi khá mạo hiểm, mang tính truyền thông hơn chất lượng”, ông Ngọc Anh nêu quan điểm.

Nam giáo viên nói anh không hiểu tại sao phần dịch trực tiếp quan trọng lại giao cho Khánh Vy. Nếu khán giả nghe rõ bản gốc tiếng Anh và so sánh với bản dịch chắc chắn sẽ thấy nhiều tình huống hài hước.

Khánh Vy quá mạo hiểm?

Trước những nhận xét chuyên môn của thầy Nhữ Đình Ngọc Anh, nhiều người lên tiếng cho rằng Khánh Vy đã quá “liều” khi nhận lời tham gia phiên dịch trực tiếp cho chương trình lớn như Oscar.

Bên cạnh đó, không ít người bênh vực cô gái Nghệ An khi nêu quan điểm cần trao cơ hội cho người trẻ.

Vũ Việt Anh (21 tuổi, Hà Nội) – khán giả theo dõi chương trình trao giải Oscar 2017 trên sóng VTC – cho hay dưới góc độ người làm truyền hình, nhà đài sử dụng tới 4 người cho một sự kiện là hơi nhiều. Việc phiên dịch “mouth to mouth” – dịch song song – rất khó.

Thậm chí, nhiều người có thâm niên trong ngành ngoại giao cũng không thể dịch chính xác 80%.

Trong khi đó, nữ 9X là sinh viên Học viện Ngoại giao, chưa được đào tạo những kỹ năng nâng cao.

Vì thế, bạn ấy không thể phiên dịch được những lời dẫn của Jimmy Kimmel ở đầu và giữa chương trình, hay những phần Jimmy Kimmel “đá xoáy” Matt Damon…

Tranh luận về nữ sinh phiên dịch Oscar trên sóng trực tiếp - Ảnh 2.

Khánh Vy tự nhận chưa hài lòng với lần đầu tiên dẫn trực tiếp cho một buổi lễ danh giá như Oscar. Ảnh cắt từ clip.

Nguyễn Chánh Ngôn (24 tuổi, Nam Định) cho rằng một cô gái nhận thức được mình còn nhiều khiếm khuyết như Khánh Vy xứng đáng được cổ vũ và động viên.

“Mình nghĩ bạn ấy đã cố gắng, khiêm tốn và biết nhận khiếm khuyết về bản thân là rất đáng khen ngợi. Chúng ta nên giúp những người trẻ có tài năng phát huy, thể hiện bản thân, thay bằng cách bắt lỗi và không cho họ cơ hội thể hiện”, Chánh Ngôn nói.

Theo một người bạn của Khánh Vy, sau khi kết thúc chương trình, nữ sinh khá buồn và cảm thấy chưa hài lòng về phần dịch của mình trên sóng truyền hình. Khánh Vy hy vọng mình sẽ tiến bộ hơn trong những chương trình sắp tới.

Trước đó, trao đổi với Zing.vn, 9X Nghệ An cho biết trong kế hoạch thực hiện lễ trao giải Oscar của đài truyền hình, cô chỉ là MC dẫn ngoài lề sự kiện.

Tuy nhiên, 2 ngày trước khi chương trình diễn ra, phiên dịch chính không thể xuất hiện nên cô được gọi thay thế. Đây cũng là lần đầu tiên cô gái 18 tuổi dẫn trong chương trình phát sóng trực tiếp.

“Mình khá hồi hộp và lo lắng khi là người dịch duy nhất cho một lễ trao giải lớn như Oscar. Suốt mấy tiếng đồng hồ, mình phải đeo chiếc tai nghe rất to nên có một số từ bị nói lắp mà không biết”.

Cô gái nói 7 thứ tiếng cũng được các anh chị đồng nghiệp hướng dẫn kỹ năng phiên dịch trong một chương trình trực tiếp.

Đối với cô, việc nhớ tên các đề cử, giải thưởng, diễn viên khó nhất. Khánh Vy phải mất nhiều thời gian để học thuộc lòng.

Oscar là sự kiện danh giá của giới điện ảnh. Lễ trao giải có rất nhiều từ tiếng Anh chuyên môn yêu cầu sự hiểu biết về “môn nghệ thuật thứ 7”.

“Kết thúc lễ trao giải, cảm giác còn đọng lại là… không ưng ý. Mình còn nói vấp, bỏ lỡ nhiều câu nói hay, một số từ dịch chưa sát nghĩa, nhiều trường hợp còn sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với sóng truyền hình”, cô bạn tự nhận xét.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP