Tin láng giềng

TP Vinh: Chính quyền dung túng cho sự ngang ngược của INFRAVI?

Khi chúng tôi cho biết đang ở hiện trường và chứng kiến sự việc thì ông Tĩnh cho biết: Tại cuộc họp bàn giao tài sản cho Cty INFRAVI thì việc vận hành nhà máy vẫn do Cty SFC đảm nhiệm. “Không được cản trở việc vận hành nhà máy”, ông Tĩnh nói. Nói vậy, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có động thái gì can thiệp để nhà máy hoạt động trở lại.

TP Vinh: Chính quyền dung túng cho sự ngang ngược của INFRAVI?

Nhà máy bị đóng cửa
Liên quan đến việc Nhà máy xử lý nước thải trị giá hằng trăm tỷ đồng từ vốn vay phải hoạt động cầm chừng vì những khó khăn do Công ty cổ phần Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh gây ra, mới đây doanh nghiệp này còn ngang ngược đóng cửa nhà máy, không cho cán bộ, nhân viên vào vận hành.
Doanh nghiệp ngang ngược
Ngày 22/1, cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần đầu tư phát triển môi trường (SFC) đang vận hành nhà máy xử lý nước thải TP Vinh (đặt tại xã Hưng Hòa) thì bất ngờ bị bảo vệ của Công ty cổ phần Quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) đuổi ra ngoài, rồi khóa cửa nhà máy lại.
Có mặt tại hiện trường sáng 23/1, chúng tôi được ông Nguyễn Phương Thắng, cán bộ kỹ thuật Cty SFC cho biết: “Chúng tôi vận hành nhà máy xử lý nước thải từ 31/10/2012. Nhưng hôm qua, bảo vệ của Cty IN FRAVI đã đóng cửa không cho chúng tôi vào để vận hành máy đồng thời dừng hoạt động toàn bộ Nhà máy. Toàn bộ tư trang, hành lý của cán bộ công nhân viên cũng bị INFRAVI giữ lại trong Nhà máy. 
Công ty INFRAVI không thực hiện đúng các thỏa thuận trong biên bản cuộc họp ngày 22/1/2015, dừng vận hành Nhà máy, đuổi cán bộ công nhân viên của Cty SFC Việt Nam là không đúng pháp luật, không đúng tinh thần chỉ đạo của UBND TP. Vinh, không đúng nội dung biên bản cuộc họp 22/1/2015. 
Đặc biệt, việc dừng vận hành ngay tức khắc gây hậu quả ô nhiễm môi trường, làm chết hệ vi sinh đang được SFC duy trì để phục vụ công tác vận hành; nghiêm trọng hơn Nhà máy có máy móc thiết bị hiện đại – vận hành tự động nên có nguy cơ lớn gây hỏng máy móc thiết bị – tài sản của Nhà nước. Các thiệt hại này sẽ không lường trước hết được, gây dư luận xấu trong người dân nhất là trong tình huống lâu nay INFRAVI cố tình không bơm hoặc bơm cầm chừng nước thải về Nhà máy để xử lý”. 
Còn ông Bùi Đức Lộc – Giám đốc Cty INFRAVI lý giải, UBND TP.Vinh đã giao cho INFRAVI quản lý bảo vệ tài sản. Vào hồi 13h 30 ngày 22/1 chúng tôi bắt đầu niêm phong nhà máy. Sau khi có biên bản bàn giao tài sản cho đơn vị, chúng tôi đã mời nhà thầu (SFC) trực tiếp làm việc vào lúc 14h ngày 22/1 để bàn bạc thống nhất quy trình ra vào nhà máy và thực hiện nhiệm vụ trong nhà máy, nhưng phía SFC không đến.
Liệu lý giải của ông Lộc có thuyết phục? Tại biên bản họp do Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh Hà Thanh Tĩnh chủ trì diễn ra sáng 22/1 với sự có mặt của các phòng ban UBND thành phố, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình – đơn vị chủ đầu tư dự án và SFC đã nêu rõ: “SFC tiếp tục vận hành nhà máy cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cụ thể về quản lý vận hành. INFRAVI tạo mọi điều kiện thuận lợi cho không được cản trở SFC vận hành nhà máy”. Như vậy câu chuyện ở đây là vấn đề hoàn toàn khác không phải như lý giải của ông Lộc!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây INFRAVI đã nhiều lần chống lệnh của UBND TP. Vinh và UBND tỉnh Nghệ An trong việc phối hợp quản lý và vận hành nhà máy. Cụ thể, sau khi Nhà máy do Nhà thầu thi công là Cty SFC hoàn thành thì đã không thể bàn giao cho đơn vị vận hành là INFRAVI.
Vì vậy, UBND TP Vinh đã giao SFC quản lý vận hành. Để kiện toàn công tác vận hành, kết hợp giữa đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành là SFC và đơn vị địa phương là INFRAVI, đặc biệt là tiết kiệm chi phí vận hành, tại các cuộc họp với UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP Vinh, các Sở ngành, INFRAVI và SFC đã thống nhất thành lập liên danh vận hành INFRAVI – SFC, thống nhất cơ chế phối hợp vận hành giữa trạm bơm và Nhà máy.
Tuy nhiên, INFRAVI sau đó lại có văn bản phản đối và không phối hợp, mặc cho UBND TP Vinh liên tiếp có công văn yêu cầu. Ngày 3/9/2014, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì cuộc họp có sự tham gia của UBND TP Vinh, các sở, ngành, INFRAVI và SFC, đã thống nhất cần thiết phải thành lập liên danh SFC – INFRAVI để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Nhưng sau đó INFRAVI lại có văn bản trình bày phương án phối hợp khác mà không thực hiện chỉ đạo. Tệ hơn, các trạm bơm nước thải cho nhà máy do INFRAVI quản lý đã bơm không đủ nước khiến nhà máy trong một thời gian dài phải hoạt động cầm chừng, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho người dân địa phương.
Do chính quyền dung túng?
Gần đây nhất, ngày 22/1, UBND TP. Vinh đã tổ chức họp các bên liên quan để làm thủ tục bàn giao nhà máy. Theo đó, biên bản được lập với sự ký nhận của Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Hà Thanh Tĩnh, các phòng ban liên quan và đại diện hai Cty nêu rõ “SFC tiếp tục vận hành nhà máy cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cụ thể về quản lý vận hành.
INFRAVI tạo mọi điều kiện thuận lợi cho không được cản trở SFC vận hành nhà máy”. Biên bản là vậy, nhưng chỉ 1 ngày sau INFRAVI đã cho khóa cổng nhà máy, không cho cán bộ vào vận hành.
Vì sao INFRAVI lại năm lần bảy lượt chống lệnh của UBND TP Vinh, UBND tỉnh Nghệ An và nay lại ngang nhiên đóng cửa nhà máy như vậy? Theo tìm hiểu của chúng tôi, INFRAVI trước đây là doanh nghiệp100% vốn nhà nước.
Sau đó doanh nghiệp này tiến hành cổ phần, trong đó, có vốn góp của UBND TP Vinh do phòng Tài chính TP Vinh đại diện và lạ kỳ thay, khi xảy ra “xung đột” giữa SFC và INFRAVI thì trong một vài cuộc họp lãnh đạo TP lại giao cho Phòng Tài chính tham mưu hướng giải quyết.
Chưa hết, liên quan đến chi phí vận hành, bảo dưỡng, trong khi UBND TP.Vinh duyệt cho SFC giai đoạn đầu năm 2013 để vận hành nhà máy khoảng 152 ngàn đồng/tháng (1,8 tỷ đồng/năm) thì INFRAVI trình UBND TP Vinh riêng chi phí quản lý vận hành hệ thống là 1,5 tỷ đồng/tháng (18,2 tỷ đồng/năm), cộng thêm chi phí khấu hao là 10,7 tỷ đồng/năm, trong khi đó phần lớn chi phí là cho công tác quản lý vận hành Nhà máy. Vì sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?
Chưa hết, thực tế cho thấy nhà máy được hình thành từ vốn vay nước ngoài – có nghĩa là tài sản của nhà nước – nhưng lại bị INFRAVI coi như tài sản riêng để đóng cửa; điều này không chỉ khiến nhà máy không phát huy hiệu quả mà còn có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng.
Đáng nói hơn, trong khi biên bản bàn giao ghi rõ “trong thời gian SFC vận hành nhà máy, nếu có bất cứ cản trở nào ảnh hưởng đến công tác vận hành thì báo cáo UBND TP để xử lý”. Nhưng khi chúng tôi trao đổi qua điện thoại về việc nhà máy bị đóng cửa với Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Hà Thanh Tĩnh thì ông ngạc nhiên “Làm gì có?”.
Khi chúng tôi cho biết đang ở hiện trường và chứng kiến sự việc thì ông Tĩnh cho biết: Tại cuộc họp bàn giao tài sản cho Cty INFRAVI thì việc vận hành nhà máy vẫn do Cty SFC đảm nhiệm. “Không được cản trở việc vận hành nhà máy”, ông Tĩnh nói. Nói vậy, nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có động thái gì can thiệp để nhà máy hoạt động trở lại.
Việc Cty IFRAVI liên tục chống lệnh UBND TP Vinh và UBND tỉnh Nghệ An, nay lại đóng cửa nhà máy nhưng không bị xử lý khiến dư luận cho rằng có sự dung túng của chính quyền địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại sự việc này.
Đại diện SFC khi được hỏi cho biết: Từ trước đến nay, cán bộ, nhân viên của chúng tôi vẫn vận hành nhà máy. Trong biên bản ngày 22/1/2015, SFC được giao tiếp tục vận hành, chứ không hề có dòng nào nói chúng tôi phải gặp INFRAVI. Nếu INFRAVI mời họp thì cũng phải có giấy tờ chứ?
Nhóm PV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP