Ông Nguyễn Thế Công – Phó phòng Kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Nguyên nhân của vấn đề ách tắc dòng chảy, ngập lụt tại một số khu dân cư và tuyến đường chính là sự quy hoạch thiếu đồng bộ của hạ tầng thành phố. Hiện, dự án “Phát triển thành phố loại II” do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ với tổng nguồn đầu tư 31,6 triệu USD sắp được triển khai. Đây sẽ là giải pháp bền vững nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng và tiêu thoát nước trên địa bàn một cách đồng bộ. Trước mắt, BCH PCLB thành phố vẫn đề cao giải pháp xử lý cục bộ để gỡ dần những điểm “nghẽn”. Song song với đó là dồn nguồn lực để sửa chữa, kiên cố hóa các công trình thủy lợi, công trình PCLB trên địa bàn”.
Thành phố Hà Tĩnh là nơi tập trung “chằng chịt” các công trình, dự án và xây dựng nhà ở khiến cho dòng chảy tự nhiên bị phá vỡ. Vì vậy, bên cạnh đốc thúc tiến độ công trình xây dựng cơ bản dang dở, thành phố còn phải xử lý kịp thời các đối tượng gây cản trở dòng chảy tự nhiên. “Mới đây, chúng tôi đã yêu cầu khu tái định cư đường bao phía Tây (phường Thạch Linh) dỡ bỏ công trình cản trở, trả lại dòng chảy tự nhiên trước mùa mưa bão. Công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi và nhận được sự đồng tình của bên liên quan” – anh Nguyễn Việt Hiền – thành viên trực BCH PCLB thành phố cho biết thêm. Đối với ngoại thành, đến nay, tuyến đê bao được kiên cố hóa 47/64 km, góp phần ngăn úng bền vững hơn cho khu vực trong đê. Riêng năm 2013, thành phố cũng đã dành gần 250 triệu đồng cho hạng mục tu sửa, gia cố các công trình thủy lợi. Đặc biệt, hỗ trợ ngân sách để phân cấp công tác bảo hành, quản lý các công trình kênh, mương về địa phương và Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh nhằm tăng hiệu quả giải pháp giảm ách tắc dòng chảy khi có lũ.
Mùa mưa bão đang đến gần, đây là thời điểm bận rộn nhất của CBCNV Công ty TNHH MTV Quản lý công trình đô thị Hà Tĩnh. Khắp các tuyến đường công nhân Công ty cắt tỉa cây xanh, tất bật nạo vét hệ thống kênh mương thoát nước, sửa sang một số hạng mục các công trình liên quan đến việc thoát nước, tiêu úng cho thành phố. Ông Lê Quang Đức – Giám đốc Công ty cho biết: “Đến nay, Công ty đã nạo vét được hàng chục km bằng cả hình thức thủ công và xe hút bùn chuyên dụng với tổng khối lượng đất cát lên đến trên 350 m3. Bên cạnh đó, Công ty còn đổ bê tông giằng mũ mương, thay thế 230 tấm đan, sửa chữa 126 m2 đường, thay 180 lưới sắt chắn rác ở các tuyến mương, sửa 255 m2 vỉa hè. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng vào việc thoát úng, giúp thành phố hạn chế ngập úng trong mùa mưa bão”.
Giải quyết thực trạng ngập úng ở TP Hà Tĩnh đòi hỏi chiến lược đầu tư dài hơi. Đó không chỉ thuộc trách nhiệm của riêng chính quyền hay đơn vị quản lý đô thị mà cần huy động sức mạnh tổng lực, trong đó cốt lõi nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân cùng tham gia.
Chính Thu – Nguyễn Oanh
Báo Hà Tĩnh