Cơ quan thuế sẽ điều tra các cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama để làm rõ có chuyện trốn thuế hay không. |
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã có cuộc họp khẩn cấp với các Vụ chức năng và quyết định nghiên cứu, điều tra về khả năng trốn thuế hay không. Tiểu ban này gồm nhiều Vụ như Vụ Thanh tra, Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban cải cách hiện đại hoá thủ tục thuế, Vụ Tuyên truyền…
Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế…
Trước đó, danh tính 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có giao dịch qua 19 các công ty thành lập ở nước ngoài (offshore company) đã được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố cùng toàn bộ Hồ sơ Panama. Trao đổi với VnExpress, nhiều doanh nhân nổi tiếng có tên trong danh sách này khẳng định họ hoạt động hợp pháp và không có hành vi trốn thuế. Bên cạnh đó, các cá nhân này cũng cho rằng, việc có tên trong danh sách sở dĩ do có đầu tư ra nước ngoài chứ không đồng nghĩa với việc họ trốn thuế hay vi phạm pháp luật.
“Offshore Company” thường liên quan đến các việc quản lý, đăng ký, hoạt động tại một quốc gia khác, nhằm đạt mục đích tài chính, luật pháp và lợi thuế.
Việc thành lập và sử dụng các công ty này không phải là phi pháp. Ví dụ, công ty A muốn chuyển sản xuất từ Mỹ sang một quốc gia nhỏ ở vùng Caribe. Mục đích của họ có thể rất hợp pháp. Đó là nếu chuyển sang nước ngoài, họ có thể trả thuế thấp hơn, và đầu tư số tiền tiết kiệm được vào phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ranh giới giữa được giảm thuế hợp pháp và trốn thuế rất khó phân định, đặc biệt trong trường hợp không thể tiếp cận đầy đủ thông tin tài chính. Các công ty nước ngoài trên giấy (offshore shell company) ra đời càng làm nhòe thêm ranh giới này.
Trong vụ Hồ sơ Panama, hãng luật Mossack Fonseca đã thành lập hơn 100.000 công ty nước ngoài, dưới dạng các quỹ (trust) hay công ty trên giấy (shell company), trong giai đoạn 2005–2015. Từ trụ sở ở Panama City, công ty này đã tạo ra hàng loạt công ty không rõ danh tính tại Panama, đảo Virgin (Anh) và nhiều thiên đường thuế khác. Những nơi này hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Họ còn có quy định công bố thông tin rất lỏng lẻo, biến mình thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngầm, như né thuế hay rửa tiền.