![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm - Ảnh: GIA HÂN |
Sáng 13-2, phát biểu thảo luận tổ tại kỳ họp Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ cuộc cách mạng tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình ủng hộ và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt.
"Đây là chủ trương rất đúng và cũng là mong đợi từ lâu của người dân. Tinh gọn tổ chức bộ máy này không phải chỉ để tiết kiệm tiền mà quan trọng nhất, hơn cả là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển lên", Tổng Bí thư nêu rõ.
Tăng trưởng phải thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của người dân
Tổng Bí thư nhấn mạnh để đất nước phát triển, có nhiều nhiệm vụ, nhưng có 2 nhiệm vụ rất quan trọng.
Trong đó, phải có sự tăng trưởng và đây là nhiệm vụ quan trọng. Tăng trưởng rồi thì đời sống nhân dân phải thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao trên tất cả các mặt.
Tổng Bí thư nhấn mạnh tinh gọn bộ máy để hiệu năng hiệu lực hiệu quả, phải xác định chức năng nhiệm vụ đúng và có hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước.
Trong đó, muốn làm tốt phải có mô hình tổ chức bộ máy, hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để toàn dân thực hiện, toàn xã hội thực hiện đồng lòng.
Ông chỉ rõ không thể bộ máy thế này mỗi người đi một hướng, không thể hiện sự đồng nhất đồng lòng. Cùng với bộ máy phải bố trí cán bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực thi pháp luật đúng quy định.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ khi sắp xếp, có cán bộ nói "thôi cái này để sau đại hội, nhiệm kỳ mới sẽ làm, cải cách, chứ làm va chạm lắm. Sắp xếp lại thì ai, bộ này bộ kia, nhiều tâm lý lắm, không làm được".
"Tôi bảo để đại hội sau càng không làm được, vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy đây là thời cơ vàng của chúng ta. Làm như vậy xong, bước vào đại hội mới tính toán được", Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm.
Ông cũng cho hay trong quá trình này, nghiên cứu rất kỹ từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm các nước thấy rằng các nước đều tính đến hiệu quả bộ máy, sự hài lòng của nhân dân.
Có nhiều tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu năng của bộ máy; quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, khả năng thích ứng và đổi mới của chính quyền.
"Ta quan tâm đến khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn, thích nghi, thích ứng, ưu tiên chiến lược, sự đổi mới của chính quyền, Chính phủ. Đó là mục tiêu rất quan trọng. Mỗi giai đoạn của cách mạng phải có đường lối để thực thi.
Để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy phải đảm bảo được mục tiêu đó, nếu không có kinh tế thị trường không được. Cái gì cản trở phải bỏ", Tổng Bí thư nói thêm.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại việc đại biểu nói về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chúng ta rất vất vả xóa được nền kinh tế bao cấp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ra kế hoạch dài hạn. Đây là bước chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
"Nhìn ra thế giới chỉ có hai nước có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là Việt Nam với Lào và Lào cũng bỏ, nhập vào Bộ Tài chính, không còn Bộ Kế hoạch nữa", Tổng Bí thư nêu và cho hay qua nghiên cứu cho thấy dù bộ này làm nhiều nhiệm vụ nhưng có những việc "nhầm chân".
![]() |
Quang cảnh buổi họp tổ - Ảnh: GIA HÂN |
Cứ lững thững bước đi, ta khó bắt kịp các nước
Một điểm nữa được Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý là phải tính đến năng lực cạnh tranh của thị trường, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Bởi nhìn thành quả đạt được vĩ đại song nhìn sang nhiều nước thấy mình còn chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Dẫn câu chuyện Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc từ khó khăn đều có bước phát triển vượt bậc, Tổng Bí thư nêu: "Như Singapore, 50-60 năm trước, họ nói được sang Bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh là mơ ước. Giờ đây thì ngược lại, mình lại mơ sang họ khám bệnh.
Nhìn sang Trung Quốc khi mở cửa có trình độ tương đồng, bây giờ thu nhập đầu người 12.000 - 15.000 USD, còn ta chưa được 5.000 USD.
So sánh như thế mới thấy được tốc độ chúng ta khó khăn quá, nguy cơ về tụt hậu".
Nêu các dẫn chứng trên, Tổng Bí thư Tô Lâm muốn nhấn mạnh rằng nguy cơ tụt hậu luôn hiện hữu. Đây là vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra, song phải phát triển mạnh mẽ để tránh khỏi nguy cơ đó.
"Cứ lững thững bước đi, chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tính đến cơ chế hành pháp, mức độ liêm chính của Chính phủ, Nhà nước.
Trong bối cảnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các yếu tố này cần được chú trọng hơn. Tổng Bí thư cũng lưu ý đến việc đảm bảo lợi ích của người dân, quyền làm chủ của nhân dân, củng cố nền dân chủ.
Đề cập đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn tới, Tổng Bí thư đề nghị nhận diện các cản trở, điểm nghẽn để sớm khơi thông, huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, nếu được người dân đồng tình, ủng hộ thì sức mạnh sẽ được phát huy.
Nêu vấn đề muốn đạt mục tiêu thì phải phát triển rất cao và nhanh, nhưng với bộ máy nặng nề có phát huy được hết tiềm lực hay không, Tổng Bí thư cho biết bây giờ mới chỉ là sắp xếp bước đầu, còn lại vẫn tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu quả thế nào.
Ông dẫn ví dụ một huyện Đông Anh thu ngân sách gần 29.000 tỉ đồng hay quận Hoàn Kiếm thu ngân sách gần 22.000 tỉ đồng, bằng vài tỉnh, thậm chí hơn hai chục lần của một tỉnh.
"Tại sao một huyện, quận như thế thôi, quy mô đất đai, dân số như thế người ta lại làm được. Còn đây phạm vi của một tỉnh tại sao kinh tế lại đì đẹt như vậy, tốc độ phát triển như thế này.
Phải mang sách vở đến mà học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm với những việc đó", Tổng Bí thư nêu thêm.
Đề cập vấn đề chính quyền quốc gia nên 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Nhưng qua thực tế, 80% các nước có chính quyền 3 cấp.
Theo Tổng Bí thư, vừa qua công an nghiên cứu thí điểm trước, bỏ công an cấp huyện. "Việc này rất hoan nghênh" vì công an chính quy đã về xã.
Mọi việc liên quan đến người dân ở xã và làm trực tiếp ở xã nên họ rất mừng. Từ hộ khẩu, đăng ký ô tô, xe máy, thậm chí điều tra vụ án… công an xã xử lý được hết, không cần chờ đến huyện, tỉnh.
"Tất cả đó để thấy công an huyện làm gì? Lại cũng bộ máy và đi cộng các xã thành huyện thì không được. Nên tới đây, công an sẽ thực hiện đề án bỏ công an huyện", Tổng Bí thư nói.
Ông nói thêm có ý kiến còn nêu Trung Quốc diện tích lớn, dân đông thế nhưng ít tỉnh, thành phố hơn Việt Nam.
"Mình diện tích, dân số cũng thua mà có đến 63 tỉnh, thành phố. Chúng tôi nói là việc này cũng phải nghiên cứu...", Tổng Bí thư nói thêm.
400 người của Thanh tra Chính phủ làm việc gấp hơn 1.000 lần hệ thống thanh tra còn lại Tổng Bí thư cho hay một số ý kiến đề xuất nhiệm vụ rất cụ thể, ví dụ thanh tra. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Chính trị chưa quyết vì phải cân nhắc. "Các đồng chí thanh tra nói hệ thống thanh tra không hiệu quả. Thanh tra Chính phủ chỉ có 400 người nhưng năng suất, hiệu quả làm việc so với toàn bộ hệ thống thanh tra còn lại gấp hơn 1.000 lần. Nếu để được thanh tra chuyên ngành, thanh tra chính quyền cơ sở phải có biện pháp. Bởi hiệu quả của Thanh tra Chính phủ ghê gớm như vậy", Tổng Bí thư nêu. Tổng Bí thư cho rằng không thể thanh tra là bộ máy hành chính để thỉnh thoảng có chuyện này, chuyện kia lại kéo một tổ thanh tra, xong rồi phạt cái này, cái kia nhưng cuối cùng lại vẫn tồn tại. "Đó không phải bản chất của thanh tra, thanh tra không làm những việc đó", Tổng Bí thư nói thêm. Ông nhấn mạnh việc không hành chính hóa và sẽ tính để làm sao đạt hiệu quả, phải thực sự thiết thực, phục vụ nhân dân. |
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ