Xã hội

Tình yêu với đứa con nhặt nơi cửa chùa của chị giúp việc

Nghe tiếng khóc oe oe ở cổng chùa, chị Hạnh ngỡ ai để mèo chạy hoang, rồi run cầm cập khi phát hiện đó là một đứa bé đỏ hỏn...

Sáng 3/9, chị Huỳnh Hồng Hạnh (43 tuổi, ở quận 2, TP HCM), làm nghề giúp việc nhà, đi làm công quả ở chùa thì nghe tiếng oe oe ngoài cổng. Tạm dừng công việc đang làm, đến gần chị phát hiện một chiếc túi xách du lịch, trong có một bịch giấy ướt, một bình sữa uống dở, bên cạnh là đứa trẻ mặc áo sơ sinh của bệnh viện, còn đỏ hỏn, rốn chảy mủ, da nhăn nheo, khóc không ngớt.

Chị Hạnh hoảng sợ, bụng nghĩ "chuyện bỏ con chỉ có ở trên ti vi, nào ngờ mình lại gặp ngoài đời!". Sợ nếu không cứu giúp, có lẽ đứa trẻ sẽ không sống sót, chị quyết định bế bé lên, mang vào chùa lau chùi, sưởi ấm rồi trình báo với chính quyền.

“Từ lúc được tôi bế, đứa trẻ không khóc nữa. Tôi đã rất hạnh phúc và nghĩ mình có tình yêu thật sự với bé”, chị kể.

Ảnh: Ngọc Thân.

Nhìn đứa bé, chị nhớ về bào thai mình từng có hơn 10 năm trước, về nỗi xót xa, uất ức khi chồng ngoại tình lần thứ hai đúng lúc chị đang mang bầu, khiến chị quyết định bỏ con. Dù đã ly hôn và một mình nuôi con gái đầu khôn lớn, quyết định ngày đó vẫn khiến chị day dứt, ân hận khôn nguôi, và đứa bé này đến với chị như là duyên phận.

“Đứa trẻ là hình ảnh của con tôi. Tôi phải nuôi bé, cho bé một cuộc sống hạnh phúc. Cho bé một tương lai tươi sáng như tôi đã cho con gái mình vậy”, chị nói về việc đưa em bé về nuôi trong căn phòng trọ chỉ rộng hơn 10m2 của mình.

Chị đặt tên con ở nhà là Cà Rốt, tên khai sinh là Đỗ Pháp Chí với ý nghĩa đứa trẻ khỏe mạnh, kiên cường và chọn ngày 3/9 làm ngày sinh cho con.

Đêm đầu tiên ở cùng, bé Cà Rốt mè nheo, chị Hạnh chỉ biết ôm con áp vào ngực mình để bé được sưởi ấm. "Lúc miệng con nhóp nhép đòi ăn, chưa pha sữa kịp, tôi đành cho bé ngậm ti mình. Đầu ti đỏ ửng, sưng tấy vì bé mút mãi mà không ra sữa, nhưng nhìn miệng con, tôi lại thấy hạnh phúc".

Chị xin nghỉ việc một tháng để dành trọn thời gian chăm sóc con trong tháng ở cữ. Bạn bè biết chuyện, người mua cho bé bộ quần áo, người mua sữa, người mua nôi, mua khăn..., có người rảnh lại đến phụ chị trông con.

Trong căn phòng nhỏ giờ đây toàn đồ dùng của trẻ, còn chị Hạnh suốt ngày đầu bù tóc rối với việc chăm con nhỏ. Không phụ công gần hai tháng của chị, bé Cà Rốt khỏe mạnh, tăng cân nhanh. Chân tay bé bụ bẫm, khuôn mặt căng tròn, mắt đen láy. Thương con vì phải đi gửi sớm để mẹ đi làm, nhưng chị chẳng thể làm khác.

Bé Cà Rốt lên cân khỏe mạnh sau 2 tháng được chị Hạnh nuôi. Ảnh: Ngọc Thân.

Có người hỏi sao chị "đèo bòng" vậy, công việc thì thu nhập thấp (6-7 triệu/tháng), không ổn định mà phải chi đủ các khoản: tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền sữa, tiền tã cho con rồi tiền thuê người trông con để đi làm, đó là chưa kể lúc con ốm, con bệnh..., chị lạc quan bảo: "Mọi khó khăn tôi đều có thể trải qua. Chỉ cần nhìn con trai khỏe mạnh, lớn lên từng ngày đã là một hạnh phúc. Một đứa trẻ còn thơ dại, bị cha mẹ bỏ rơi sẽ phải chịu biết bao nhiêu thiệt thòi".

Bên cạnh đó, chị kiên trì nhờ bạn bè đăng thông tin của bé trên mạng xã hội, để mẹ bé đọc được mà đến nhận con, nhưng bặt vô âm tín. Chị gói gém cẩn thận các vật dụng mà mẹ bé để lại, làm kỷ niệm cho con. Sau này, nếu Cà Rốt muốn tìm lại cha mẹ sẽ dễ hơn.

Đã tốt nghiệp đại học trong nước, đang du học và làm ở Nhật, con gái chị Hạnh biết tin mẹ ở nhà có em thì vui lắm. Cô gọi về động viên mẹ gắng nuôi em, chăm sóc em, cho em được đi học. Nghe giọng con gái trong điện thoại rồi nhìn con trai đang say giấc, chị Hạnh lại có thêm động lực lo cho tương lai của Cà Rốt, dù phía trước hai mẹ con sẽ còn muôn vàn khó khăn.

Đại diện chùa Diệu Giác (ở Quận 2, nơi chị Hạnh nhặt bé Cà Rốt) xác nhận, sáng 3/9 có một bé trai bị bỏ rơi trước cổng chùa, tuy nhiên, nhà chùa không thể nhận nuôi vì nơi đây đã nhận đủ số trẻ bị bỏ rơi. Nhà chùa đã làm lễ đặt tên để chị Hạnh mang đứa bé về nuôi.

Ông Văn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Bình An, Quận 2 cũng cho biết, sau khi nhặt được đứa trẻ, chị Hạnh có báo cho phường biết, chính ông là người tiếp nhận sự việc. Phường đã đăng thông báo để tìm kiếm cha mẹ cho bé nhưng không ai đến nhận.

Phường đã làm các thủ tục cần thiết cho bé và đã tiếp nhận đơn xin nhận nuôi con của chị Hạnh. Hồ sơ đã được chuyển lên Sở Lao động thương binh và xã hội TPHCM. Trong thời gian chờ quyết định, phường đã tạo điều kiện để chị được nuôi bé Cà Rốt.

Tác giả: Ngọc Thân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP