Vợ chồng chị Tâm, anh Thái |
25 năm chung nghĩa vợ chồng với người đàn ông nhiễm chất độc da cam, chưa bao giờ chị Hoàng Thị Tâm (SN 1972, ngụ xóm 10, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) hối hận với quyết định của mình. Chị tâm sự: “Lúc trước, tôi quyết định lấy anh vì đồng cảm trước hoàn cảnh. Còn giờ, sau nhiều năm cùng vượt qua mọi khó khăn, chính tình yêu, nghĩa vợ chồng giúp chúng tôi gắn bó với nhau”.
Tình yêu cổ tích
Chồng chị Tâm, anh Lê Hồng Thái (SN 1968) nhiễm chất độc da cam từ người cha vốn là một nhà báo chiến trường. Ông không hay biết mình bị phơi nhiễm, cho đến khi người con thứ ba là anh Thái ra đời với nhiều dị tật, hai chân lèo khèo, hở hàm ếch, móm hàm răng phía trên, một tai bị điếc và một mắt bị mờ.
Khi chưa kịp đưa con đi chữa trị, bố anh Thái hy sinh năm 1972. Gia đình chỉ biết ông hi sinh ở mặt trận Quảng Nam. Bao nhiêu năm qua gia đình đã đi tìm khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy hài cốt của ông.
Những ngày sau đó là chuỗi dài năm tháng mẹ anh Thái quần quật làm việc nuôi đàn con. Khổ nhất là việc chăm sóc người con út nhiễm chất độc da cam đau ốm triền miên. Tai nặng, mắt mờ, di chuyển khó khăn, anh Thái lớn lên trong sự xót thương và vất vả của người mẹ góa.
Bà không ngờ rằng người con bệnh tật của mình sẽ có ngày tìm được mái ấm riêng. Nhưng số phận đã giúp anh Thái gặp chị Tâm.
Nhớ lại lần đầu gặp chồng, chị Tâm ngại ngùng: “Thông qua mai mối, tôi biết đến anh Thái. Lúc đó, tôi là cô gái chưa đầy 20 tuổi, cũng có nhiều người để ý. Thế nhưng, không hiểu sao khi nghe được câu chuyện và thấy những thiệt thòi mà anh Thái đang gánh chịu, tôi lại có sự đồng cảm. Bởi 6 chị em trong gia đình tôi cũng mất mẹ từ nhỏ, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn”.
Cuộc gặp gỡ định mệnh đã đưa hai trái tim xa lạ đến với nhau. Để vượt qua quãng đường khá dài sang xã Nghi Thịnh “cưa vợ”, anh Thái phải nhờ người thân, bạn bè chở đi. Chứng kiến cảnh tượng ấy, nhiều người cảm phục tấm chính tình của anh Thái, nhưng cũng có người ái ngại thay cho chị Tâm.
Chị kể, quen nhau chừng một năm, cả hai quyết định thưa chuyện với người lớn. Lúc này, họ gặp phải sự phản đối từ gia đình nhà gái. Ai cũng lo cho chị Tâm khi lấy người chồng không lành lặn, hay đau yếu. Nhưng bỏ qua tất cả, chị vẫn kiên định với lựa chọn của mình.
Đầu năm 1992, một đám cưới nhỏ diễn ra gây xôn xao làng quê. Vì hai bên nội ngoại đều hoàn cảnh nên đôi vợ chồng trẻ phải tự lo liệu cuộc sống cho mình. Lúc này, chị Tâm mới thấm thía những khó khăn mà nhiều người đã cảnh báo trước. Nhưng vì tình yêu với người chồng, chị luôn tự động viên bản thân.
Nhờ sự cố gắng, tần tảo của chị, cuộc sống gia đình bắt đầu bớt khó khăn. Niềm vui của họ càng nhân lên khi không lâu sau chị Tâm sinh bé trai bụ bẫm.
“Nhìn con chào đời lành lặn, tôi mừng rơi nước mắt. Lúc ấy điều tôi lo sợ nhất là con cái bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố”, chị Tâm bộc bạch.
Mỗi bước đi của anh Thái đều có người vợ hiền dìu dắt |
Sau đó 7 năm, họ tiếp tục chào đón thành viên mới. Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì chuyện buồn ập đến. Khi chị Tâm sinh con đúng 3 ngày thì anh Thái phát bệnh thần kinh. Không những chửi bới, anh còn đánh đập cả vợ con lúc lên cơn. Người thân đành thay phiên nhau trông chừng đề phòng trường hợp xấu.
Chị Tâm vừa hết thời gian ở cữ đã vội vay mượn tiền bạc đưa chồng đi khám. Tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, chị bàng hoàng khi nhận kết quả chồng bị loạn thần, phải điều trị thời gian dài.
“Trong khoảng hơn 3 tháng chồng nằm viện, nhiều hôm tôi vừa trông con, vừa canh chồng. Cũng may nhờ anh em phụ giúp, chứ một mình tôi xoay xở chắc không kham nổi”, chị Tâm nhớ lại khoảng thời gian khốn khó.
Ước nguyện nghĩa tình
Từ đó đến nay, cứ hàng tháng, chị lại chở chồng đi khám và lấy thuốc tâm thần về uống. Chị tâm sự, 18 năm chồng phát bệnh tâm thần, lúc nào trong nhà cũng trữ thuốc men.
“Mỗi khi thấy anh lên cơn điên, miệng nói lẩm bẩm là tôi lại nhanh chân lấy thuốc cho uống. Không những thế, tôi phải canh trực thường xuyên, phòng tình huống bất trắc”, chị kể.
Chồng tàn tật, đau ốm thường xuyên nên mọi công việc trong nhà đều do chị Tâm đảm nhiệm. Từ đồng ruộng cho đến chăm nom hai đứa con, quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình.
“Ngoài 3 sào ruộng, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi đi bắt thêm con cua, con ốc ngoài đồng, bán kiếm tiền đổi lấy bữa cá. Nhiều hôm mệt lả người nhưng phải cố gắng. Bình thường mọi người cố gắng một thì tôi phải nỗ lực gấp nhiều lần họ”, chị Tâm cho hay.
Anh Thái vì bệnh tật không làm được việc nặng nên chỉ trông chờ vào ít đồng tiền trợ cấp xã hội. Để phụ giúp vợ, những lúc khoẻ mạnh, người đàn ông ấy đi canh trâu, bò thuê cho bà con trong làng. Nhờ sự chịu khó, nỗ lực của hai vợ chồng đã giúp gia đình vượt qua quãng thời gian khổ cực nhất, đồng thời lo cho hai đứa con được đến trường.
Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, bệnh tình anh Thái nghiêm trọng hơn. Con mắt lúc trước anh còn thấy mờ mờ giờ bắt đầu tối dần. Tai nặng hơn khiến cuộc sống của anh gặp nhiều bất lợi. Bình thường ở nhà anh chỉ cần đến sự trợ giúp của chiếc gậy là có thể di chuyển được, nhưng mỗi khi cần ra ngoài phải có bàn tay dẫn dắt của vợ. Chị Tâm càng bận rộn, vất vả hơn.
“Từ khi chồng ốm, công việc đồng áng cũng đình trệ. Hai đứa con vì hiểu rõ hoàn cảnh gia đình nên quyết định không vào đại học mà chọn học nghề và đi bộ đội. Giờ các con đi xa, chỉ còn hai vợ chồng chung sống với nhau”, chị trầm ngâm.
Trải qua cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, vất vả, nhưng chị Tâm vẫn một lòng với người chồng. Chị tâm sự, chưa bao giờ thấy hối tiếc về quyết định của mình.
“Nhiều khi thấy bạn bè cùng trang lứa sống sung túc, chồng con khỏe mạnh, tôi có chút chạnh lòng. Nhưng rồi nhìn chồng, chứng kiến nỗi đau về thể xác và tinh thần mà anh đã và đang trải qua, tình yêu với anh trong tôi lại mãnh liệt hơn. Hơn nửa cuộc đời trôi đi, giờ tôi chẳng có mong ước chi ngoài việc chồng khỏe mạnh, để chung sống với ba mẹ con”, chị Tâm nhìn chồng nói.
Nghe con dâu tâm sự, mẹ anh Thái gạt nước mắt. “Nhiều lúc nhìn nó ân cần dìu, dẫn chồng đi khắp nơi mà tôi hạnh phúc trong lòng. Con trai tôi chịu thiệt thòi khi bị nhiễm chất độc da cam, nhưng ông trời đã bù đắp cho nó tìm được người bạn đời đầy hy sinh, tần tảo, thương yêu”.
Tác giả: Long Trần
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam