“Lãi mẹ đẻ lãi con”
Krông Pa là huyện vùng sâu thuộc diện khó khăn của tỉnh Gia Lai, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Vì không có tiền nên người đồng bào dân tộc thiểu số thường đi vay tiền để đầu tư sản xuất thoát nghèo. Chính khoản vay này đã biến tướng trở thành chiếc “thòng lọng” đưa họ vào bi kịch “lãi mẹ đẻ lãi con”.
Mấy ngày nay, người dân trong buôn Wôr (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa hết bàn tán chuyện ông Kpă Long dắt 9 con bò của hộ Mar Soan để bán gán nợ. Chuyện là ông Mar Soan có nhờ ông Long dẫn đến nhà bà Q. ở buôn Wôr vay đợt đầu 35 triệu (vào năm 2015), đợt 2 là 26 triệu, lãi 4%/triệu/tháng, thời hạn 1 năm. Đến hạn trả, số tiền gốc và lãi là 138 triệu đồng, nhưng ông Mar Soan không có tiền để trả.
Nhà anh Rmah Yi (thôn Ama H’Lăk, xã Chư Mố) không còn gì giá trị để bán trả nợ. |
Lúc này, bà Q. liên tục đến đòi nợ ông Long, vì ông là người dẫn ông Soan đến mượn. Sợ bị bà Q. lấy mất nhà, mất rẫy nên ông Long đã đến nhà ông Soan dắt 9 con bò, sau đó đem bán được 26 triệu đồng để trả bớt cho bà Q..
Ngay sau đó, chính quyền địa phương biết và làm việc với các bên, yêu cầu ông Long trả lại bò cho ông Soan.
“Tôi đã đến chuộc lại bò và trả cho ông Soan. Tuy nhiên, giờ ngày nào tôi cũng đến nhà ông Soan để đòi nợ. Từ khi gặp phải sự việc này, cả gia đình tôi luôn thấp thỏm vì sợ bị chủ nợ đến lấy nhà, lấy bò. Chưa có cái dại nào bằng cái dại này. Chỉ vì muốn giúp người ta vay tiền mà mình bị liên lụy”, - ông Kpă Long nghẹn ngào nói.
Tài sản lớn nhất của gia đình ông Long, giờ đang lo bị xiết nợ mất |
Ông Ksor Dák - Trưởng thôn buôn Wôr (xã Chư Drăng) cho biết, cả buôn có 155 hộ thì có trên 100 hộ vay các con buôn. Các hộ ở đây đa số đều có vay ngân hàng, nhưng đã vay rồi chưa trả nên không thể vay tiếp. Không vay được ngân hàng nên đành vay ngoài. Vẫn biết vay như thế này vừa bị lãi suất cao, vừa bị ép giá nông sản nhưng cần quá cũng phải vay, dẫn đến người nghèo ngày càng nghèo thêm.
Còn tại huyện Ia Pa (Gia Lai), tình trạng người đồng bào dân tộc thiểu số mắc phải bẫy cho vay của con buôn còn nghiêm trọng hơn. Năm 2012, gia đình anh Ksor Thun (thôn Ama H’Lăk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa) bị mất mùa, không có tiền đầu tư cho vụ trồng mì mới nên vợ chồng anh phải đi vay của con buôn với tổng số tiền 40 triệu đồng, lãi suất 30 nghìn đồng/triệu/tháng. Từ ngày vay nợ, hai vợ chồng anh Thun làm rẫy, làm thuê quần quật nhưng số tiền kiếm được không đủ trả tiền lãi. Tiền gốc thì chưa biết khi nào mới có để trả, còn lãi mẹ thì cứ đẻ lãi con. Do đang phải vay lãi, đến mùa thu hoạch nông sản, chủ nợ đến mua với giá thấp hơn thị trường từ 5-7 giá.
Vay nợ được hơn 5 năm dù đã gắng hết sức trả, nhưng đến nay tiền gốc và lãi đã hơn 43 triệu đồng. “Năm nào nhà mình thu hoạch ngoài nương về cũng phải trả lãi cho chủ nợ bằng mì. Giá mì ngoài thị trường 3.500 đ/kg, chủ nợ chỉ mua với giá 2.700 đ/kg. Mặc dù bị mua rẻ hơn nhưng cũng phải bán vì mình còn nợ họ. Nếu không bán để gán tiền lãi thì họ sẽ đòi tiền gốc.” – vợ anh Thun buồn bã nói.
Trong căn nhà sàn nhỏ tuềnh toàng, trống huơ trống hoác của vợ chồng anh Rmah Yi (thôn Ama H’Lăk, xã Chư Mố) chỉ treo vài bộ áo quần ố màu, sờn cũ, giá trị nhất là mấy con bò. Nhà chỉ còn lại đứa con gái đang giữ cháu và anh Rmah Yi bị thương tật do tai nạn, còn các thành viên khác đang đi làm thuê ở huyện khác.
Chị Nay H’Chuôn (con anh Rmah Yi) cho biết, bố chị lúc còn chưa bị tai nạn giao thông có vay của 1 người trong xã 60 triệu đồng. Chủ nợ yêu cầu làm mì xong phải bán cho họ để trả lãi. Hằng năm, mặc dù biết bị ép giá mì nhưng gia đình vẫn phải bán cho chủ nợ. Đến năm 2013, bố chị bị tai nạn không còn khả năng lao động nên gia đình đành cho người khác thuê đất. Từ đây, cả nhà đi làm thuê để trả lãi hằng năm. Đến nay, tiền gốc và lãi đã là hơn 65 triệu nhưng vẫn chưa biết lấy gì để trả.
Lách luật cho mượn tiền
Nạn tín dụng đen đã len lỏi ở nhiều địa phương, đa số là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê của UBND xã Chư Mố (huyện Ia Pa, đến nay đã có 370 hộ vay của các con buôn. Số tiền vay lên đến khoảng 6 tỷ đồng. Lãi suất trung bình người dân vay con buôn là 3% trên tháng.
Ông Ksor Jú - Chủ tịch UBND xã Chứ Mố cho biết, có 2 hình thức vay lãi suất cao là vay mượn bằng sản phẩm và vay bằng tiền mặt. Việc vay mượn diễn ra rất đơn giản, người vay cần là đến các con buôn cho vay. Vay chỉ bằng miệng, không cần thế chấp. Mặc dù không có giấy tờ, nhưng hiển nhiên người dân đi vay bắt buộc phải bán nông sản cho các con buôn. Vì bị ràng buộc nên xảy ra tình trạng con buôn ép giá nông sản khi mua bán.
Vay nặng lãi đang len lỏi ở những vùng có đông người dân tộc thiểu số. |
Theo ông Hoàng Văn Tư - Chánh văn phòng UBND huyện Ia Pa - huyện đã giao cho Công an huyện điều tra, tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ rất khó khăn do vay chủ yếu bằng miệng không có giấy tờ, lãi suất vay cũng không đủ yếu tố hình sự nên không có cơ sở xử lý. Còn con số cụ thể về số lượng các hộ và số tiền vay nặng lãi, hiện huyện đang giao cho cho các đơn vị chức năng đi rà soát lại.
Ông Kpă Long kể chuyện đi vay nặng lãi giúp người quen |
Còn theo báo cáo của Công an huyện Ia Pa, qua rà soát phát hiện trên địa bàn huyện có 50 hộ cho vay. Công an huyện đã trực tiếp làm việc với 15 hộ cho vay. Tuy nhiên, các hộ cho vay đều trình bày, dân tự tìm đến vay tiền, phân bón, giống… với lãi suất từ 2%-5%/triệu/tháng, đến cuối vụ trả lãi bằng nông sản hoặc tiền mặt. Công an huyện đã đề xuất, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân. Đồng thời nhân dân tích cực hợp tác với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc cho vay tại địa phương.
Tác giả: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí