Người phụ nữ này cho biết, ê-kíp đẻ thuê của bà có khoảng từ 5 – 8 cô gái “quá lứa nhỡ thì” hoặc còn trẻ trung, khỏe mạnh sẵn sàng mang bầu thuê cho những cặp vợ chồng không thể có con với một hợp đồng được “thảo” trước với giá… 50 triệu/một lần sinh.
Tiếp cận “cò” đẻ thuê
Một người bạn của tôi cho biết, nếu muốn tìm hiểu về dịch vụ đẻ thuê, cứ vào các khoa hiếm muộn của các bệnh viện như: Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương, bệnh viện Việt – Đức… là có thể “bắt” được “sóng” của những “cò” đẻ thuê. Họ cũng trà trộn vào những người đi khám bệnh để “gạ” bệnh nhân… đẻ thuê. Tuy nhiên, những người này cũng biết nhìn vào sắc mặt bệnh nhân mà đoán bệnh, người nào được bác sĩ chẩn đoán khó mang thai, đang bế tắc trong việc sinh con thì họ mới gạ gẫm… Do được “xi nhan” trước nên khi thấy bóng dáng “cò đẻ thuê” xuất hiện, “vợ chồng” tôi “diễn” như thật.
Theo lời bà Liên – người “gạ” đẻ thuê trong bệnh viện, bà làm “chuyên gia môi giới” này đã được sáu năm, mỗi ngày bà và ê – kíp của mình gồm năm người chia nhau đi các bệnh viện phụ sản ở Hà Nội để tìm người muốn có nhu cầu. Những người tìm đến dịch vụ đẻ thuê này thường là họ đã chạy chữa đủ mọi cách nhưng không thể có con nên muốn nhờ một người thứ ba mang thai hộ để nó có thể mang huyết thống của vợ chồng- như trường hợp phụ nữ dạ con bị cắt hoặc không thể tự mang thai được, đành lấy trứng và tinh trùng của chồng nhờ dịch vụ này để có con. Và họ tin rằng, nếu có đứa con từ người thứ ba như thế, họ sẽ hạnh phúc bởi có sự đồng thuận của vợ lẫn chồng?
Nhân vật chính của dịch vụ này là người đẻ thuê – đó những cô gái đang trọng độ tuổi sinh đẻ (18 – 30 tuổi), họ từ những vùng quê nghèo khó lên Hà Nội sinh sống. Thời gian đầu họ đi làm công nhân của các nhà máy ở khu công nghiệp Ngọc Hồi (Thanh Trì), Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội)… nhưng sau đó họ đã móc nối được với ê – kíp đẻ thuê này và đồng ý trở thành cái “máy đẻ”.
“Chồng hờ” đi cạnh tôi cho biết, họ giới thiệu thế thôi, chứ không loại trừ trường hợp những cô gái mang thai kia là những cave “hết date” không hành nghề được nữa nên đi làm nghề này. Bởi không có gì để kiểm chứng được trước kia họ có quá khứ trong sạch hay không. Nhiều cặp vợ chồng khó mang thai, do muốn có đứa con mang máu thịt của mình nên đã “nhắm mắt đưa chân”. Giá của dịch vụ này dao động từ 40 hoặc 60 triệu đồng cũng có nơi hét giá trên 100 triệu đồng. Theo thoả thuận, người,thuê đẻ chỉ phải đưa trước một khoản còn sau khi đưa đứa trẻ về nhà nuôi họ mới phải trả nốt khoản tiền còn lại cho “máy đẻ” và môi giới.
Thấy chúng tôi có vẻ “hào hứng” với dịch vụ này nhưng vẫn còn e dè, bà Liên “bồi” thêm: “Cô chú yên tâm đi, nhiều cặp vợ chồng sử dụng dịch vụ này lắm. Đẻ thuê ở đây chia làm hai loại. Với những trường hợp người vợ còn dạ con nhưng không thể có bầu vì dây chằng bị lỏng hay bị sẩy thai do cơ địa yếu thì có cách lấy trứng của vợ và tinh trùng của chồng, nhờ tử cung của người khác để mang thai. Loại thứ hai là người vợ không có khả năng mang thai nhưng chồng cũng không muốn lập “phòng nhì” nên nhờ người phụ nữ khỏe mạnh khác mang thai hộ, đứa trẻ sinh ra sẽ được vợ chồng đem về nuôi như con đẻ, vì nó mang dòng máu của người chồng. Nói chung là yên tâm đi, chúng tôi đã làm ở đây được sáu năm rồi, mỗi năm có từ 3 – 5 đứa trẻ ra đời. Trong quá trình 9 tháng ấy, có thể đưa người mang thai về nhà ở, hoặc cứ để đây chúng tôi lo, chu cấp tiền hàng tháng cho mẹ, cho con là được”.
Bà hàng nước nhân lúc bà Liên đi nghe điện thoại chép miệng bảo tôi: “Dịch vụ này thương mại từ trong trứng nước, đứa con chưa ra đời đã bị cò mồi cò kè bớt một, thêm hai… Tôi ngồi đây nhiều lúc thấy tội nghiệp nhiều cặp vợ chồng lắm!”.
Miên – cô gái đẻ thuê trong đường dây của bà Liên
Đẻ thuê, cho con là… chuyện thường
Khi chúng tôi ngỏ lời muốn “mục sở thị” người đẻ thuê cho mình, xem cô ta có khỏe mạnh không thì bà Liên bảo: “Những cô gái đẻ thuê của tôi khỏe mạnh lắm, trong “đội quân” ấy đang có ba cô chuẩn bị “làm nhiệm vụ” mang thai cho hai người ở Hà Nội, một người ở Bắc Ninh nên ở nhà dưỡng sức, một cô sắp đẻ, chỉ còn một cô tên Miên thôi. Cô này nhanh nhẹn, nhìn dáng “mắn” lắm, chỉ cần lúc nào muốn có con, đưa đến bệnh viện soi trứng, rồi gặp nhau là “dính”… Bà Liên đưa điện thoại lên và gọi “đàn em” xem Miên có nhà không và đưa chúng tôi vào một con ngõ nhỏ trên phố chùa Láng.
Tại quán cà phê trên con phố này, một cô gái khá nhỏ nhắn đang ngồi sẵn đợi chúng tôi. Bà Liên hất hàm bảo chúng tôi: “Miên đấy, chị đảm bảo với các em là yên tâm luôn, nghe thì có vẻ rích rắc nhưng thực tế đơn giản thôi, chỉ cần ký hợp đồng, chọn ngày thụ thai, nhìn chồng khỏe mạnh thế kia là yên tâm rồi nhỉ…”.
Miên – người “sẽ” đẻ thuê cho chúng tôi là cô gái khoảng 24 tuổi, trong cô có vẻ hiền lành so với dáng vẻ bên ngoài của mình. Miên cho biết, quê cô ở Bình Lục, Hà Nam, mới đi làm công nhân được ba năm nhưng do công ty làm ăn không được nên phá sản. Bà Liên là người cùng quê với cô nhưng ra Hà Nội lâu rồi, một lần đang đi tìm việc thì cô gặp bà tại quán nước, bà đã “gạ” cô làm “gái đẻ thuê”, tám tháng trước, cô đã giao con cho một cặp vợ chồng ở quận Cầu Giấy, mọi giao dịch đều diễn ra ở ngoài hết nên cô cũng không biết giờ đứa con của mình ở đâu, chỉ biết chung chung là… ở Cầu Giấy.
Miên cho biết, mọi thỏa thuận trong hợp đồng đều do bà Liên và nhóm môi giới đẻ thuê làm. Vì không có bằng cấp gì, nhà lại nghèo nên cô đành “đưa chân” vào nghề này. Chín tháng mang thai con, là từng ấy ngày Miên ở nhà bà Liên trong ngõ nhỏ chùa Láng, mọi việc của cô đều có người theo dõi, giám sát, đi khám thai cũng có người đi cùng. Với 50 triệu có được từ tiền đẻ thuê, khách đưa làm hai đợt, một nửa đưa trước khi sinh và một nửa sau khi sinh. Với số tiền ấy, Miên chỉ được giữ 10 triệu còn 40 triệu là bà Liên cầm với lý do: Lấy tiền để trả cho chi phí 9 tháng ăn uống, mang thai tại nhà bà Liên. Theo lời kể của Miên, hầu hết những người “chịu” đi đẻ thuê đều cam chịu, họ không có đủ dũng cảm để bụng mang dạ chửa sống “vất vưởng” ngoài đường nên phải “bám” vào bà Liên để sống và chờ ngày giao con. Miên cho hay, việc mang thai thuê và cho con đi sau khi đẻ ra là chuyện bình thường vì trong đội của cô có người làm việc này đã 5 năm.
Bà Liên cho biết, nếu chúng tôi muốn Miên mang thai hộ, chi phí cho một lần mang bầu là 50 triệu đồng, chưa kể tiền sữa, tiền khám thai khi mang bầu, đến khi đứa trẻ sinh ra, chúng tôi có thể bế đứa trẻ về nhà luôn, đảm bảo sẽ không bị người “đẻ hộ” đến làm phiền, vì họ cũng không có nhu cầu biết nhà thật, địa chỉ của chúng tôi. Nói là làm, bà Liên đưa bản hợp đồng đẻ thuê cho chúng tôi và bảo: “Cô chú cứ yên tâm, tí nữa tôi dẫn hai người về nhà để xem nhà xem cửa cho biết, vì nếu Miên mang thai hộ cho cô chú, nhà tôi sẽ là nơi để hai người đến thăm em bé trong bụng thường xuyên…”.
Với lý do là hai “vợ chồng” về sẽ bàn thêm về chuyện dùng dịch vụ đẻ thuê, chúng tôi hẹn bà Liên sẽ quay trở lại vào hôm sau. Nhìn cái dáng người cam chịu của Miên khi ngồi sau xe máy của bà Liên khiến chúng tôi chạnh lòng, để sinh một đứa trẻ ra đời là cả một quá trình vất vả và cần có sự yêu thương, thông cảm của người thân bên cạnh, nhưng những cô gái như Miên lại dùng chính “thiên chức” này để kiếm tiền mà không mảy may suy nghĩ đến tình mẫu tử, sẵn sang mang thai 9 tháng rồi “bán” con với giá 50 triệu đồng, sự lạnh lùng này làm nhiều người thấy sợ…
Có thể mang thai hộ nhưng cấm đẻ thuê
Bác sĩ sản khoa Phạm Thị Thanh Hà, bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: “Nhiều người phụ nữ bị dị dạng tử cung như không có tử cung, tử cung đôi, phải cắt bỏ tử cung, sức khỏe yếu, bị bệnh tim hoặc bệnh thận thì không thể mang thai. Tuy nhiên nhu cầu giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhu cầu có con vẫn là một nguyện vọng chính đáng. Để thực hiện nguyện vọng này, họ không có cách nào khác là phải nhờ người mang thai hộ. Tuy nhiên chỉ nên cho phép những trường hợp đặc biệt và nhân đạo, ví dụ như trường hợp các cặp vợ chồng vô sinh, người vợ không thể mang thai khi đó có thể nhờ chị, em gái… Còn nếu mang thai hộ mang tính chất thương mại sẽ bị cấm.
Lạc Thành
Người Đưa Tin