Địa Chí Hà Tĩnh

“Tiếng gọi” từ di chỉ người Việt cổ ở Hà Tĩnh

Ngoài bộ di cốt, trong quá trình khảo cổ năm 2002 do Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện với sự giúp đỡ của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Ô -xtrây – li – a đã phát hiện tầng văn hóa đa dạng, dày, phong phú dưới lớp đất 1,3 – 1,5m của di chỉ này. Cụ thể là các loại hình công cụ, vũ khí bằng đá; công cụ, trang sức bằng xương; đồ đun nấu ăn uống và công cụ hằng ngày bằng đất nung nằm lẫn trong lớp sò điệp, than tro đen…Tất cả đều chứng minh cuộc sống của người Việt cổ có niên đại hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, khi các nhà khoa học tìm thấy trong mộ táng của người Việt cổ còn có một chiếc rìu sắt. Cũng theo PGS Nguyễn Văn Hảo, việc khai quật được mộ táng giúp cho các nhà nghiên cứu phân tích, hiểu thêm được phong tục tập quán, quần tụ của cư dân Việt cổ, thói quen sinh sống, văn hóa của một cộng đồng có tổ chức trong xã hội nguyên thủy thời bấy giờ.

Thạch Hà, danh xưng gợi từ sự tích mầm đá giữa lòng sông ngày nay đang lưu dấu người Việt cổ cách đây 4.800 năm. Cùng với những di chỉ khảo cổ học, các vết tích hằn in trên đá, huyền tích về cồn sò điệp ví cao như núi và nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị khác cần được bảo tồn, trùng tu, xây dựng… đang được người dân và chính quyền mong đợi.
Về Thạch Lạc, nghe huyền tích ông cha
Từ TP Hà Tĩnh, con đường dẫn về xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà chừng 10km. Trong bóng nắng cuối chiều, di chỉ người Việt cổ nằm ở trung tâm xã Thạch Lạc trông càng thâm sâu và huyền bí. Chiếc cổng điền dòng chữ “Di chỉ Thạch Lạc” xây dựng vài chục năm trước đã nhuốm màu thời gian bởi rêu phong và khí hậu mặn mòi của một vùng ven biển. Khu lăng mộ người Việt cổ được xây dựng sau năm 2002, khi các nhà khảo cổ phát hiện bộ di cốt đã hóa thạch cao còn tương đối nguyên vẹn. Theo PGS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), người trực tiếp làm công tác khảo cổ Di chỉ Thạch Lạc, ngày 13 – 10 – 2002, các nhà khảo cổ đã tìm được di cốt người Việt cổ; di cốt được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam để phân tích khoa học. Kết quả cho thấy, di cốt là nam giới, khoảng 45 – 50 tuổi, cao 1,55 – 1,60m, thuộc nhóm máu O, có niên đại khoảng 4.800 năm tuổi. Phát hiện này đã đánh dấu một bước chuyển mình rất quan trọng trong công tác nghiên cứu tại Di chỉ Thạch Lạc qua 4 giai đoạn khảo cổ, từ suốt thập niên 1930 trở lại đây.

hatinh24h
Công trình Khu lăng mộ người Việt cổ còn dang dở, thiếu mái che.

Trong quần thể di tích, Di chỉ Thạch Lạc là một trong số các di chỉ của một hệ thống di chỉ khảo cổ học thuộc loại hình Di chỉ Cồn sò điệp ven biển miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Quảng Bình. Trong quá trình hình thành không thể không kể tới biển tiến, vươn ra chinh phục biển của loài người. Huyền tích về một cồn sò cất cao như núi vẫn còn đọng lại trong ký ức của bao thế hệ người dân Thạch Lạc.

Cần sự quan tâm của các cấp

Ngày nay, Di chỉ Thạch Lạc nằm cách biển khoảng 4km, do sự khai thác sò làm vật liệu xây dựng nên hiện tại toàn bộ cồn sò đã bị san bạt xuống thấp, trên bề mặt trồng phi lao và tràm. Trong khu vực cồn sò xây dựng một số công trình như: Đền Sắc thờ Thần Tam Lang và hiện còn lưu giữ 83 đạo sắc của các triều Lê-Nguyễn; kế bên là đài liệt sĩ của xã; phía nam của Di chỉ Thạch Lạc là chùa Tăng Phúc có niên đại hơn 700 năm. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng Di chỉ Thạch Lạc là Di tích Quốc gia.

Nhưng nhiều năm qua, bất kỳ ai khi đến viếng lăng mộ người Việt cổ cũng thấy chạnh lòng. Một công trình xây dựng còn dang dở, 4 cột bê tông dựng lên chưa lắp mái che lăng mộ vẫn trơ trọi với những đầu thanh sắt như thể thách thức với nắng, với mưa, với gió bão vốn khắc nghiệt vùng ven biển miền Trung. Ông Hồ Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Lạc cho hay, cấp trên đã đồng ý chủ trương cấp kinh phí để xã hoàn thiện nốt mái che lăng mộ và một số hạng mục trong khu di chỉ này. Hy vọng sẽ có tiền để sớm hoàn thành công trình.

Còn bộ di cốt người Việt cổ lại có “hoàn cảnh” khác. Sau khi được đưa ra Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) phân tích, xét nghiệm chứng minh niên đại, di cốt người Việt cổ lại được chuyển về bảo quản tại Bảo tàng Hà Tĩnh. Gọi là bảo tàng, nhưng thực chất nơi đây là Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (nằm ở đường Nguyễn Tất Thành, TP Hà Tĩnh). Từ năm 2013, tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương xây dựng Bảo tàng Hà Tĩnh, nhưng đến nay vẫn còn trên giấy. Bảo tàng Hà Tĩnh hiện sở hữu hơn 8.000 hiện vật gốc với niên đại hơn 4.000 năm lịch sử; bộ sưu tập súng thần công có niên đại tuyệt đối vào năm 1821 (thuộc triều vua Minh Mạng); bộ mộc bản Phúc Giang thư viện vừa được UNESCO công nhận Di sản ký ức thế giới,… đặc biệt là di cốt người Việt cổ khoảng 4.800 năm tuổi không có nơi trưng bày, chung số phận với hàng nghìn hiện vật khác sống lẫn với không khí ẩm mốc, chật chội…

Ông Nguyễn Cảnh Thụy, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh bộc bạch rằng, chứng kiến những di sản của cha ông để lại không có điều kiện tốt để bảo quản, ai cũng xót xa. Nhưng ngay cả những người đang hằng ngày trực tiếp làm công tác trông coi, bảo quản các hiện vật cũng chưa đủ khả năng để làm gì. Với Di chỉ Thạch Lạc là Di tích Quốc gia, muốn bảo tồn và phát huy như thế nào rất khó, phải có một kế hoạch dài hơi, bởi hiện nay tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học trong nước vẫn đang tiếp tục phối hợp với các chuyên gia quốc tế tiến hành khai quật, nghiên cứu. Đối với di cốt người Việt cổ, hiện được các chuyên gia quốc tế giúp đỡ, hướng dẫn bảo quản tốt trong tủ kính đặt tại căn phòng riêng biệt của Bảo tàng Hà Tĩnh. Ông Nguyễn Cảnh Thụy cũng bày tỏ hy vọng, Bảo tàng Hà Tĩnh sớm được các cấp quản lý ra quyết định xây dựng, để những tư liệu, hiện vật lịch sử văn hóa luôn là câu chuyện tiếp biến của người Thạch Lạc, Hà Tĩnh nói riêng và những người Việt Nam nói chung trong dòng chảy nhân sinh quan hướng về cội nguồn.

(Theo Quân Đội Nhân Dân)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP