“Tiếng gọi” từ di chỉ người Việt cổ ở Hà Tĩnh
Ngoài bộ di cốt, trong quá trình khảo cổ năm 2002 do Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện với sự giúp đỡ của các nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Ô -xtrây – li – a đã phát hiện tầng văn hóa đa dạng, dày, phong phú dưới lớp đất 1,3 – 1,5m của di chỉ này. Cụ thể là các loại hình công cụ, vũ khí bằng đá; công cụ, trang sức bằng xương; đồ đun nấu ăn uống và công cụ hằng ngày bằng đất nung nằm lẫn trong lớp sò điệp, than tro đen…Tất cả đều chứng minh cuộc sống của người Việt cổ có niên đại hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, khi các nhà khoa học tìm thấy trong mộ táng của người Việt cổ còn có một chiếc rìu sắt. Cũng theo PGS Nguyễn Văn Hảo, việc khai quật được mộ táng giúp cho các nhà nghiên cứu phân tích, hiểu thêm được phong tục tập quán, quần tụ của cư dân Việt cổ, thói quen sinh sống, văn hóa của một cộng đồng có tổ chức trong xã hội nguyên thủy thời bấy giờ.