Xã hội

Tiến sĩ lừa tình, cưới nhiều vợ: Người nhà phải cấp dưỡng nuôi cả 5 con rơi?

Trường hợp tiến sĩ lừa tình bị phạt tù nhưng kê biên tài sản không đủ để cấp dưỡng cho 5 người con rơi của mình thì bố, mẹ, anh, chị, em ruột của tiến sĩ có thể phải cấp dưỡng thay.

Chị L. (một trong những người bị tiến sĩ Thịnh lừa) chuẩn bị tài liệu trước phiên toàn xét xử sơ thẩm
TRẦN THANH PHONG

Gần đây, vụ việc tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giảng viên khoa Sư phạm, trường Đại học Bạc Liêu bị đưa ra xét xử sơ thẩm về Tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức khiến dư luận “dậy sóng”. Bởi vì ông Thịnh dù đã có vợ con hợp pháp nhưng vẫn làm giả giấy độc thân, giấy đăng ký kết hôn để lừa tình hàng loạt phụ nữ và có 5 người con rơi.

Trong phiên xét xử, ông Thịnh đã thừa nhận 5 người con rơi của mình và không yêu cầu xét nghiệm ADN. Vậy ông Thịnh có trách nhiệm cấp dưỡng như thế nào đối với 5 người con rơi này?

Luật sư (LS) Lê Trung Phát, Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng, cho biết Điều 15 của Luật trẻ em 2016 quy định: Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện. Như vậy, đồng nghĩa với việc những bậc làm cha, mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng đối với con cái của mình.



Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng đưa ra các khái niệm về gia đình, quan hệ dòng máu trực hệ. Theo đó, việc xác định tư cách cha con là quan hệ dựa trên nền tảng huyết thống, không phụ thuộc vào việc kết hôn giữa cha mẹ với nhau.

Như vậy, trong trường hợp của ông Thịnh, vì ông đã thừa nhận 5 người con rơi của mình nên các bà mẹ sẽ không cần giấy tờ gì để chứng minh các bé là con ông Thịnh, đây là trường hợp được miễn nghĩa vụ chứng minh theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

LS Huỳnh Công Thư, Đoàn LS tỉnh Long An nói thêm: Điều 110 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Do đó, 5 người con rơi đều phải được ông Thịnh cấp dưỡng hằng tháng với mức cấp căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của ông Thịnh và nhu cầu thiết yếu của 5 người con.

Người nhà có thể phải cấp dưỡng thay ông Thịnh

Theo LS Phát, trường hợp ông Thịnh không tự nguyện cấp dưỡng cho 5 người con rơi của mình thì những người giám hộ, tức là mẹ của 5 đứa trẻ có thể khởi kiện ông Thịnh ra Tòa án yêu cầu ông Thịnh cấp dưỡng.

Ảnh Nguyễn Văn Thịnh gửi chị N.T.T (Nghệ An) khi hai người còn quen nhau
ẢNH ANH LÂM CUNG CẤP

Nếu ông Thịnh có điều kiện để thi hành thì phải thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi 5 người con rơi của mình. Trường hợp ông Thịnh có khả năng thi hành, nhưng cố tình không thi hành án, thì lúc đó ông Thịnh có thể bị khởi tố vụ án hình sự với Tội Không chấp hành án được quy định tại Điều 380 Bộ Luật Hình sự 2015.

LS Thư cũng cho biết trường hợp ông Thịnh không đủ thu nhập để nuôi con hoặc ông Thịnh phải thi hành bản án tù thì cơ quan thi hành án có thể kê biên tài sản khác của ông Thịnh để thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc có thể buộc ông, bà nội các cháu (tức bố, mẹ ông Thịnh), chú, bác, cô dì của các cháu (tức anh, chị, em ruột ông Thịnh) phải có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Điều 112, 113, 114 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.

Tác giả: Diệu Mi

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP