Mất mạng vì tiêm?
Chiều 23/8/2013, cháu Phạm Lương Chấn Hưng (SN 2009) con của anh Phạm Yên và chị Phạm Thị Ngọc Mai, trú tại khối 1 thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đến BVĐK tỉnh Hà Tĩnh với chẩn đoán đau amiđan. Sau khi trực tiếp thăm khám, một bác sỹ tên là Tuấn ở khoa Tai – Mũi – Họng đã tiêm thuốc để cắt. Tuy nhiên, khi rút kim tiêm ra khỏi người, bệnh nhân có những biểu hiện bất thường như co giật, khó thở. Sau khi cấp cứu tạm thời, cháu Hưng được chuyển ngay ra bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để tiếp tục điều trị.
Dư luận cả nước chắc chưa quên vụ bệnh nhân chết do sốc phản vệ ở BVĐK Hà Tĩnh dẫn đến việc người nhà quá bức xúc đã hành hung các bác sỹ, y tá ngày 12/8. Trước đó, vào chiều ngày 7/8, ông Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi) trú tại xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được gia đình đưa đến BVĐK huyện Cẩm Xuyên điều trị vì vết thương nhỏ ở bàn chân phải bị đau nhức. Tại đây, sau khi kiểm tra vết thương và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ ngành y liên quan, các bác sỹ của bệnh viện này cho biết bệnh nhân Hồng bị viêm xương, không có các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Một ngày sau, ông Nguyễn Xuân Hồng được BVĐK huyện Cẩm Xuyên chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Sau 2 ngày nằm chờ vì bác sỹ bảo thứ 7, Chủ nhật không làm việc. Đến 11h sáng 12/8, bệnh nhân Hồng được các y bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh tiêm 2 loại thuốc kháng sinh Trikazim và Ciprofloxacin Kabi tại khoa Chấn thương. Sau đó không lâu, bệnh nhân có biểu hiện bị sốc phản vệ nặng nên phải chuyển đến khoa hồi sức tích cực trong tình trạng tai biến, ngừng tuần hoàn. Ông Hồng đã trút hơi thở cuối cùng vào 14h cùng ngày.
Khi nhận được thông tin bệnh nhân đã chết, do quá bức xúc, đau đớn vì mất người thân, người nhà quy hết trách nhiệm cho ê kíp y bác sỹ. Hơn chục người thân của nạn nhân đã nhảy vào đánh người, phá tài sản tại BVĐK Hà Tĩnh. Theo nội dung cuộc họp giữa bệnh viện, cơ quan chức năng và người nhà bệnh nhân, Ban giám đốc BVĐK Hà Tĩnh kết luận bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm kháng sinh. Mặc dù khẳng định không có sai sót trong điều trị, nhưng bệnh viện này vẫn đình chỉ công tác 2 tuần đối với bác sỹ Đào Xuân Lý – phó khoa Chấn thương (người chỉ định tiêm) và điều dưỡng Phan Văn Hà (người trực tiếp tiêm cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng) để điều tra nguyên nhân khiến bệnh nhân tử vong sau tiêm.
Trước đó không lâu, bệnh nhân Nguyễn Thị Luận (34 tuổi), ở thôn Trung Tâm, xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) đến Trạm y tế xã Cẩm Thịnh để điều trị viêm phế quản. Sau khi được tiêm thuốc kháng sinh Ceftaxin thì xảy ra hiện tượng tức ngực, nổi ngứa toàn thân và mạch không, huyết áp không. Sau đó bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến huyện và may mắn qua cơn nguy kịch.
Trước những sự cố liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, nhiều bác sỹ trong ngành cũng như người nhà bệnh nhân và dư luận quan tâm đang đặt ra câu hỏi về năng lực của các y bác sỹ? Có người còn cho rằng, những bất thường của các vụ việc trên có liên quan đến nghi vấn thuốc kháng sinh, thuốc mê Trung Quốc dởm tồn tại trong hệ thống bệnh viện Hà Tĩnh. Thậm chí, nhiều bệnh nhân đến các cơ sở y tế để khám bệnh nhưng lại sợ bị tiêm.
Vẫn chờ kết luận cuối cùng vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong.
Sáng 19/7/2013, cả 3 sản phụ đã nhập viện BVĐK huyện Hướng Hoá và quá trình sinh nở của cả 3 đều diễn ra bình thường. Chị Trần Thị Hà (SN 1973), trú tại khóm 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), mẹ của một cháu bé tử vong cho biết: “Con gái tôi ra đời vào lúc 7h35′ ngày 19/7. Khi lọt lòng, cháu bé rất khoẻ mạnh và bú, ngủ bình thường. Đều bất ngờ là đến vào khoảng 7h30′ sáng 20/7, sau khi được các y tá tiêm vắc xin viêm gan B, thì bỗng nhiên cháu tím tái, khó thở rồi lịm dần và tử vong khiến gia đình và các y, bác sỹ lúc đó không kịp trở tay”.
Vợ chồng sản phụ chị Nguyễn Thị Nga (SN 1983), trú tại xóm Đông 9, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhập viện sáng 19/7 và đến 23h35′, chị Nga sinh cháu trai nặng 3,4kg rất bụ bẫm. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, cháu bé đã tử vong. Đồng cảnh ngộ với hai gia đình sản phụ trên, gia đình sản phụ chị Hồ Thị Du (SN 1984), trú tại bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hoá, cũng được nhập viện lúc 10h ngày 19/7 và đến 23h tối cùng ngày thì chi Du sinh được cháu gái khoẻ mạnh, nhưng sau đó cũng tử vong khi tiêm vắc xin viêm gan B như con gái của chị Hà và con trai của chị Nga.
Hiện tại, cả 3 gia đình vẫn chưa nhận được thông tin nào từ phía các cơ quan chức năng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nằm heo hút gần cuối xóm, chị Trần Thị Hà không cầm được nước mắt nói: “Gia đình tôi và cùng hai gia đình trên đều rất bất bình trước cách giải quyết khó hiểu của các cơ quan chức năng, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ của BVĐK huyện Hướng Hoá. Đại diện lãnh đạo bệnh viện có đến thắp hương cho cháu và nói với tôi rằng, anh em đến thăm chị và gửi chút quà (tổng cộng được 3 triệu đồng -PV) cho chị bồi dưỡng còn những việc khác, chờ cơ quan chức năng giải quyết”.
Ngày 16/9, vì quá nóng ruột, đại diện cả ba gia đình đã xuống gặp ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc sở Y tế Quảng Trị thì vị này cũng trả lời, hiện tại Sở vẫn chưa nhận được kết quả từ cấp trên. Kể từ đó, các gia đình nạn nhân lại họp và thống nhất, tiếp tục viết đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng ở TW và địa phương để nhờ can thiệp.
Sau khi các gia đình có đơn, khoảng 19h30′ tối 20/9, đại diện lãnh đạo ở viện Vệ sinh Dịch tễ TW và các cơ quan ban ngành của tỉnh đã đến làm việc với các gia đình và họ hứa sẽ sớm có kết quả trước ngày giao ban trực tuyến vào ngày 26 hoặc 27/9. “Tuy nhiên, chúng tôi chú ý xem ti vi mà vẫn không thấy nói gì về vấn đề này cả”, chị Hà quá thất vọng nói.
Trước những thông tin cho rằng, cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ngày 20/7 tại BVĐK Hướng Hoá, là do tiêm nhầm thuốc gây co tử cung Oxytocin thay vì tiêm vắc xin viên gan B; chiều tối 25/10, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Lê Quang Công, Quyền trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an tỉnh Quảng Trị. Ông Công cho biết: Đến thời điểm này cơ quan CSĐT công an tỉnh vẫn chưa có kết luận điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ việc. Hiện tại, công an tỉnh Quảng Trị vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương để điều tra làm rõ vụ việc.
Trước đó, ngày 10/10 cơ quan CSĐT, công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố vụ án vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính xảy ra tại BVĐK huyện Hướng Hoá, khiến 3 trẻ tử vong. Thượng tá Lê Quang Công cho biết: “Tôi không rõ thông tin mà các báo đã nêu lấy từ đâu ra, riêng cơ quan CSĐT hoàn toàn không biết. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang điều tra”. Ông Công cho biết, sau khi có kết luận chính thức, cơ quan CSĐT công an tỉnh sẽ chủ động cung cấp thông tin để mọi người đều được biết.
Lãnh đạo hiện đang đi công tác?
Để có thông tin đầy đủ hơn về vụ việc sau khi xuất hiện thông tin, ba trẻ sơ sinh tử vong là do nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc co tử cung cho các cháu, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, văn thư thuộc bộ phận một cửa của cơ quan này cho biết, hiện tại lãnh đạo Sở đang đi công tác, một vị đang đi công tác tại TP.HCM, một vị công tác tại Đà Nẵng và một vị còn lại công tác ở Hà Nội. Chúng tôi tiếp tục liên hệ gặp Chánh văn phòng của Sở này để hẹn lịch làm việc nhưng văn thư cho biết, đồng chí phụ trách văn phòng cũng đang đi công tác(?).
PV
ĐS&PL