Lao Động - Việc Làm

Thưởng Tết: Nợ lương còn chưa trả lấy gì thưởng tết?

Dự kiến tiền thưởng Tết năm nay sẽ giảm so với năm ngoái, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có thưởng.

Đủ lương là mừng

Từ nhiều tháng nay, chị Hoàng Thị Mây quê ở Bắc Giang, hiện đang làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long tâm sự, công ty chị rơi vào tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm. Chị không có tiền gửi về cho ông bà ngoại trông và nuôi con mình. Ông bà đã hơn 70 tuổi vẫn phải đi cày và làm ruộng để trang trải cuộc sống và nuôi thêm đứa cháu đang học lớp 1. Những năm trước, khi công ty làm ăn khá giả, chị được thưởng Tết tới 5 triệu đồng. Số tiền ấy, tuy không nhiều nhưng chị có tiền biếu bố mẹ, mua cho con bộ quần áo mới và sắm sửa một cái Tết tươm tất.

Từ năm ngoái, Tết không còn là sự mong đợi của chị, trái lại, nó trở thành gánh nặng khi công ty chỉ thưởng cho công nhân vài trăm nghìn đồng. Chị cầm số tiền thưởng trong tay mà xót xa nghĩ lại cả một năm dài cố gắng làm việc. Còn năm nay, với tình hình công ty làm ăn sa sút, chị cũng không dám hy vọng về số tiền thưởng Tết, chỉ mong sao công ty trả đủ tiền lương.


Người lao động sẽ xoay sở ra sao?

Đó cũng là suy nghĩ của nhiều người lao động trong thời điểm hiện nay. Chị Nguyễn Thị Thu đang làm việc tại một doanh nghiệp nhỏ tại TP.HCM cho biết, hai năm nay chị chưa được về quê ăn Tết vì tàu xe đi lại tốn kém. Năm nay, dù còn vài tháng nữa mới đến Tết nhưng chị đã khảo sát giá các loại vé máy bay và tàu.

Hiện vé các chặng bay trước Tết (trước ngày 31/1/2014) từ Sài Gòn ra Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng đang nhiều nhưng mức giá bay ra Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đồng hạng ở mức 2.620.000 đồng chưa thuế (sau thuế là 3.000.000 đồng). Số tiền này quá lớn so với thu nhập của chị. Năm nay công ty chị làm ăn thua lỗ, khoản tiền thưởng Tết có lẽ cũng chẳng có là bao. Nếu như vậy, khoản tiền tích cóp của chị chỉ đủ cho chuyến xe khách về thăm gia đình nhưng để chen chân lên xe khách hay tàu cũng là một điều vô cùng khó khăn vào dịp cuối năm.

Dù làm ở ngân hàng lớn nhưng Tết với chị Nguyễn Thị P. làm tại Hải Phòng vẫn là một gánh nặng. Ai cũng nghĩ, chị làm việc ở ngân hàng lớn thì mức lương thưởng sẽ cao, chỉ có người trong cuộc mới thực sự hiểu rõ. Chị cho biết, chi nhánh của chị làm ăn thua lỗ nên chị chỉ được hưởng mức lương gần 3 triệu đồng mà không có bất kỳ khoản phụ cấp nào. Mức thưởng Tết âm và dương năm ngoái chỉ là khoản tiền mang tính… “ví dụ”.

Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, vừa qua Liên đoàn Lao động TP.HCM, đã ký ban hành kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm 2014 cho công nhân, lao động của thành phố. Theo đó, những công nhân, lao động gặp khó khăn như: Bị mất việc làm do doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc chủ bỏ trốn tại thời điểm Tết Nguyên đán; công nhân lao động bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế hoặc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được doanh nghiệp thưởng tết; nữ công nhân lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi ở nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn… cũng được chăm lo trong dịp Tết 2014. Liên đoàn này phối hợp với một số ngành, tiếp tục thực hiện chương trình “Tấm vé nghĩa tình” cho 6.000 công nhân về quê đón tết từ tỉnh Phú Yên đến Hà Nội và tặng quà cho 1.500 công nhân không về quê.

Phân khúc 3 nhóm thưởng

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên PGĐ sở Công Thương Hà Nội, chủ tịch hội Siêu thị TP. Hà Nội tỏ ra vô cùng lo lắng với bức tranh kinh tế năm nay. Ông cho rằng, năm nay là một năm kinh tế buồn, các doanh nghiệp kinh doanh không mấy thuận lợi. Tình trạng các doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản… vẫn còn nhiều nên thưởng Tết chắc chắn sẽ giảm so với trước. Thưởng Tết đến con số hàng chục, hàng trăm triệu của các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… chỉ còn là “vang bóng một thời”, thậm chí một số ngân hàng sẽ có thể rơi vào tình trạng không có thưởng Tết như năm vừa qua.

Thưởng Tết năm nay cũng sẽ phân thành 3 nhóm. Một nhóm có thể được thưởng với mức hàng trăm triệu, nhóm thứ hai thưởng trung bình và nhóm ba là không có thưởng. Theo vị chuyên gia kinh tế này, nhìn một cách tổng thể, trung bình thưởng Tết ở cả ba nhóm đều giảm. Là người từng đến nhiều công trường, ông vô cùng xót xa khi nhìn thấy những bữa cơm của công nhân chỉ có rau và vài miếng đậu rán. Trong khi giá các mặt hàng đều tăng lên thì lương thưởng của công nhân vẫn chưa tương xứng dẫn đến cuộc sống của họ vô cùng khó khăn. Vì thế năm nay, nhiều người khó có một cái Tết trọn vẹn, sung túc.

Chuyên gia Vũ Vĩnh Phú cho rằng, kinh tế còn khó khăn trong vài năm nữa, vì thế người dân cần có kế hoạch chi tiêu cho hợp lý để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn này.

Đồng quan điểm với chuyên gia Vũ Vinh Phú, ông Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả cũng cho rằng: “Năm nay là một năm khó khăn với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Những ngành trước đây, thưởng lớn như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng hiện không còn được xem là ngành hot nữa. Trong mấy năm trở lại đây, thưởng Tết cao nhất lại không phải thuộc những ngành này và năm nay có thể cũng tương tự.

Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm nhưng bất động sản vẫn chưa có hướng tháo gỡ, chứng khoán rất xập xệ. Ngân hàng tuy đã có những tháo gỡ bước đầu, nhưng khả năng hồi phục nhanh cũng rất là khó. Các ngân hàng thương mại còn đang cách xa cái đích tăng trưởng tín dụng 12%. Thưởng Tết sẽ phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, tuy nhiên kết quả kinh doanh của những ngành này không thể cho phép nghĩ đến việc thưởng tết cao được.

Khi đề cập đến việc nên có chính sách hỗ trợ cho những tầng lớp công nhân trong dịp Tết, ông Long bày tỏ quan ngại: “Ngân sách Nhà nước đang thâm hụt nên sẽ rất khó để hỗ trợ. Đời sống của công nhân của nhiều doanh nghiệp là vô cùng khó khăn, lương còn bị nợ thì nghĩ gì đến việc thưởng Tết.

Nguồn: Vietnamnet

  Từ khóa: Thưởng Tết , Nợ lương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP