Nội dung bức thư ngỏ cho biết, ngày 7/9/2015, tiếp viên Vietnam Airlines nhận được 1 email từ Đoàn Tiếp viên với nội dung thông báo sẽ trừ 2 ngày thu nhập của tiếp viên (trừ một ngày tháng 8, một ngày tháng 9/2015) để ủng hộ Quỹ xã hội từ thiện của Bộ Giao thông Vận tải. Cuối thư ngỏ không có người ký tên, không biết do ai ban hành.
“Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ chủ trương kêu gọi đóng góp vì mục đích xã hội từ thiện, tuy nhiên chúng tôi kịch liệt phản đối cách thực hiện thiếu dân chủ, chưa thấu tình đạt lý của lãnh đạo Đoàn tiếp viên”, trích thư ngỏ.
Thư ngỏ nêu các lý do phản đối “cưỡng bức từ thiện” như sau:
“Thứ nhất, việc lãnh đạo đoàn tiếp viên chủ động tự tiện, trừ thu nhập của họ để đóng góp vào quỹ mà không có bất kỳ động thái nào tham khảo, hỏi ý kiến của anh chị em đoàn viên công đoàn, trừ trước thông báo sau là một hành động thiếu tôn trọng đoàn viên, cán bộ công nhân viên, xem thường tập thể và không dân chủ, dẫn đến dư luận không tốt, bất mãn tập thể của anh chị em tiếp viên – những người hàng ngày lao động đóng góp công sức đảm bảo huyết mạch giao thông của cả nước.
Nhiều tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines kêu bị “cưỡng bức làm từ thiện”. |
Thứ hai, cách làm của lãnh đạo Đoàn tiếp viên hoàn toàn đi ngược tinh thần “tự nguyện” theo như chủ trương của Công đoàn cấp trên thể hiện trong thư kêu gọi. Trong khi, tại các đơn vị cùng khối, Đoàn bay 919, Khối phục vụ mặt đất, các đoàn viên công đoàn được thật sự tự nguyện đóng góp tuỳ theo khả năng, năng lực tài chính của người lao động; thì tại Đoàn tiếp viên, sự tự nguyện đã bị bóp méo và đảo ngược hoàn toàn. Chúng tôi ngỡ ngàng và phẫn nộ khi biết rằng mình nghiễm nhiên bị khấu trừ 2 ngày thu nhập trong khi bản thân anh chị em tiếp viên còn rất nhiều người có gia cảnh khó khăn, mẹ già, con nhỏ, là lao động chính trong gia đình, hoàn toàn không dư dả để có năng lực đóng góp tới 2 ngày thu nhập cho Quỹ từ thiện của ngành, nói cách khác đó là một mức đóng góp hoàn toàn chưa thấu tình đạt lý, chưa phù hợp với rất đông anh chị em đoàn viên công đoàn.
Thứ ba, chúng tôi hoàn toàn không được tổ chức công đoàn các cấp báo cáo về hiệu quả sử dụng nguồn quỹ đóng góp của mình, mục đích xã hội từ thiện, cụ thể là việc làm nào, dự án nào, ủng hộ trường hợp nào, hoàn cảnh nào, hỗ trợ ra sao. Chúng tôi chưa thấy được hiệu quả từ việc đóng góp của mình, mà chỉ thấy còn rất nhiều trường hợp khó khăn, tai nạn, hoàn cảnh éo le tại chính Đoàn tiếp viên, đơn vị chúng tôi đang công tác hoàn toàn không nhận được sự hỗ trợ kịp thời nào từ các cấp công đoàn, mà vẫn tận thu trắng trợn từ nguồn thu nhập của chúng tôi theo cách thức Đoàn tiếp viên đang làm. Đó là một điều hết sức phi lý”.
Không có chuyện “cưỡng bức từ thiện”?
Trong khi đó trao đổi với phóng viên Infonet sáng 18/11, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT cho biết, chưa nhận được bức thư ngỏ. Tuy nhiên, ông Việt khẳng định, không có chuyện cưỡng bức. Nói như vậy là sai.
“Ở đây chúng tôi chỉ vận động. Đây là cuộc vận động của cả ngành, từ các đồng chí ở hải đảo, khi vận động các đồng chí bảo không cần đóng góp nhưng họ nói đây là trách nhiệm của chúng tôi còn Đảng, Nhà nước và các cấp, lãnh đạo Bộ Giao thông, công đoàn… hỗ trợ bao nhiêu thì hỗ trợ còn đây là quyền của chúng tôi chia sẻ với thanh niên xung phong, những thế hệ thuộc diện chính sách, những cán bộ công nhân viên nghèo khó không có việc làm như chúng tôi”, ông Việt nói.
Nói về việc phản ứng của các tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, ông Việt cho rằng, ở một đoàn tiếp viên thu nhập có thể nói hàng đầu mà đây là cuộc vận động lại nói là cưỡng bức thì nghe sao được và cần phải xem xét lại.
“Việc làm này đã được Công đoàn ngành GTVT tiến hành từ hơn 1 năm nay và đã làm được rất nhiều nhà tình nghĩa cho các đối tượng thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn, các đối tượng chính sách… Tất cả được làm từ quỹ tạo lên hình ảnh hết sức nhân văn của những con người ngành giao thông không chỉ có văn hóa mà còn có lòng từ thiện và tính nhân văn cao”, ông Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT khẳng định.
Tuy nhiên, ông Việt cũng đưa ra quan điểm có thể do lãnh đạo Đoàn tiếp viên hiểu nhầm chứ quan điểm của ngành là anh không đóng góp thì thôi chứ không ai bắt.
“Không có chuyện tự ý cắt lương được, việc này mình phải vận động, người ta đồng ý mới làm. Có thể họ chưa nắm được hoặc cách thức như thế nào đó. Tôi đã nhắc rồi, đây là vận động, ai không đồng ý thì không bao giờ bắt người ta cả. Đóng góp một hai ngày lương so với 365 ngày thì là rất nhỏ nhoi”, ông Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT nói.