Những bất cập chưa được giải quyết…
Hiện nay, dù GV tiểu học đã được UBND tỉnh biên chế thừa so với kế hoạch đề xuất của Sở GD&ĐT, nhưng do ngành bố trí chưa hợp lý nên tình trạng thừa, thiếu GV vẫn xẩy ra giữa các trường, các địa bàn. Ở những nơi trung tâm, thành thị và có điều kiện thuận lợi thì thừa GV, còn ở vùng xa xôi, khó khăn thì GV đứng lớp chưa đảm bảo tỷ lệ 1,42 người/lớp như quy định.
Trong điều kiện thiếu GV nhưng lại phải thường xuyên bố trí dạy thay do GV nghỉ ốm, nuôi con nhỏ, nghỉ sinh… đã gây không ít khó khăn cho những người làm công tác quản lý giáo dục. Và trong bối cảnh thiếu người, thừa việc thì hiện tượng dạy thừa tiết, làm việc vượt quá định mức là điều khó tránh khỏi.
Giờ sinh hoạt tập thể của học sinh Trường Tiểu học Kỳ Tân (Kỳ Anh).
Cô Trần Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Viên (Nghi Xuân) cho rằng: “Bố trí GV đứng lớp như hiện nay là chưa đáp ứng được yêu cầu dạy học 2 buổi trong ngày. Nếu căn cứ vào Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT và số tiết thực dạy theo chương trình thì tỷ lệ này cần phải được đảm bảo ở mức 1,6 người/lớp. Với tỷ lệ như hiện nay thì rất khó cho các trường khi thực hiện kế hoạch chuyên môn, nhất là những trường có quy mô nhỏ, số lớp ít. Vì ở những trường này, tỷ lệ GV văn hóa đứng lớp sẽ không đảm bảo do phải biên chế đủ GV đặc thù, trong khi đó, GV các môn đặc thù lại không thể giảng dạy thay các môn văn hóa”.
Không chỉ các trường thiếu mà những nơi đủ, thậm chí thừa cũng lúng túng khi tính toán chế độ làm việc cho người lao động. Theo Thông tư 28 ngày 21/10/2009 của Bộ GD&ĐT quy định về chế độ làm việc của GV thì định mức tiết dạy của GV tiểu học là 23 tiết/tuần (những GV chủ nhiệm thì 20 tiết/tuần), nhưng trong thực tế thì số tiết phải dạy cao hơn quy định rất nhiều. Hầu hết GV đều chưa được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy trong trường hợp kiêm nhiệm công việc chuyên môn, làm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường.
Để chia sẻ gánh nặng, áp lực cho các trường, cô Nguyễn Thị Hiên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân An (Nghi Xuân) cho rằng: “Các ngành chức năng cần phải căn cứ vào Thông tư 28 của Bộ GD&ĐT về chế độ làm việc của GV phổ thông và định mức dạy của GV trong thực tế của nhà trường theo thời khóa biểu của Bộ GD&ĐT quy định để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tăng tiết cho GV. Hiện nay, GV đang thiếu, số tiết dạy đang nhiều hơn so với quy định nên cần phải tính toán, sắp xếp cho hợp lý…”.
Thu tiền học buổi 2 trái phép ở các trường tiểu học (Kỳ cuối): Gánh nặng cần được sẻ chia!
Minh họa từ internet
Giáo viên đang làm việc vượt quá định mức lao động theo quy định nhưng nhà trường không có kinh phí chi trả, nguồn chi thường xuyên chưa được Nhà nước cấp đủ để hoạt động là thực trạng chung hiện nay. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho GV, không còn cách nào khác là nhà trường phải vận động sự đóng góp của phụ huynh, dù biết điều này là trái quy định. Nhưng khi thực hiện khoản thu này, các hiệu trưởng cũng đang chịu nhiều áp lực, họ vừa thực hiện vừa lo và phải chấp nhận mạo hiểm với sinh mệnh chính trị của mình.
Nói về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Lưu (Thạch Hà) chia sẻ: “Là một cán bộ quản lý, chúng tôi không ai muốn thu tiền từ học sinh, dù là số tiền nhỏ nhất, nhà trường chỉ muốn tập trung dạy học làm sao cho tốt mà không nói đến chuyện tiền bạc. Nhưng trong điều kiện GV và các khoản kinh phí khác bố trí chưa đảm bảo, buộc lòng chúng tôi phải vận động phụ huynh theo tinh thần tự nguyện. Vẫn biết rằng thu là sai quy định và nếu có chuyện gì xẩy ra thì bản thân hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng vẫn phải thu để đảm bảo quyền lợi cho GV và duy trì tốt chất lượng dạy học buổi chiều”.
Lời kết
Có thể khẳng định rằng, Hướng dẫn liên ngành 1702 giữa Sở Tài chính với Sở GD&ĐT là chìa khóa, là “chỗ vịn” để các cơ sở giáo dục nói chung và các trường tiểu học nói riêng lấy làm căn cứ khi thực hiện các khoản thu đóng góp tự nguyện từ phụ huynh. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những điểm chưa được các đối tượng có liên quan nghiêm túc thực hiện hoặc cố tình hiểu sai lệch để làm trái.
Thiết nghĩ, ban giám hiệu các trường tiểu học cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về khoản thu học buổi chiều. Các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt trách nhiệm được giao, phải vào cuộc quyết liệt và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện khoản thu này. Hai cơ quan ban hành văn bản cần phải làm việc, trao đổi với nhau để tìm hiểu, đánh giá tính hiệu quả và hợp lý của các nội dung trong văn bản này. Nếu thống nhất nó đã phù hợp, sát đúng với thực tiễn thì phải chấn chỉnh ngay thực trạng đang xẩy ra và yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện; nội dung nào chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh thì nên sớm bổ sung, chỉnh sửa để giúp các trường tránh được sai phạm…
Vì quyền lợi của gần 1 vạn học sinh tiểu học, sinh mệnh chính trị của hàng trăm cán bộ quản lý và quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn GV ở bậc học này, dư luận xã hội đang chờ xem sự vào cuộc và tinh thần tiếp thu của các bên có liên quan. Hy vọng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng.
Nhóm PV Nội chính