Ý kiến phê chuẩn các khoản thu đóng góp tự nguyện đầu năm của Thường trực HĐND xã Cẩm Nhượng. |
Còn ông Trần Văn Thơ – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cương Gián (Nghi Xuân) thì cho rằng: “Trong thực tế, có những văn bản quản lý nhà nước đã được triển khai nhưng anh em cán bộ ở cơ sở chưa tiếp cận được nên chưa quán triệt nghiêm túc. Thực hiện các khoản thu tự nguyện theo Hướng dẫn liên ngành 1702, Thường trực HĐND xã chỉ nhất trí về chủ trương cho vận động và không biết việc cấm thu buổi chiều vì nếu biết thì chắc chắn chúng tôi đã không cho nhà trường thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý ở cơ sở rất phức tạp, khó tránh khỏi sai sót nên sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm”…
Với chức năng của mình, phòng tài chính các huyện cũng chưa thực sự làm tốt trách nhiệm, chưa quản lý chặt chẽ các nguồn thu trên địa bàn và đây đó vẫn còn mang tâm lý sợ phải nhận “quả bóng trách nhiệm” khi tham gia chỉ đạo các khoản thu theo Hướng dẫn 1702. Nhiều trưởng phòng tài chính mà chúng tôi được gặp đều khẳng định, việc thu tiền học buổi chiều từ học sinh là sai và có nghe phản ánh về thực trạng này. Nhưng tất cả đều cho rằng, do khối lượng công việc quá nhiều, thiếu cán bộ nên chưa triển khai kiểm tra hoặc đang chỉ đạo nắm bắt tình hình.
Đặc biệt, các hiệu trưởng cũng phản ánh rằng, trong các cuộc họp do Phòng Giáo dục tổ chức, họ đã phản ánh vấn đề này và yêu cầu có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể. Thế nhưng, ngành vẫn chỉ có “cho chủ trương”, còn văn bản mang tính pháp lý thì “muốn cũng chẳng được”.
Với cách làm thậm thụt, thiếu rõ ràng như vậy của ngành thì việc “loạn” thu, thu sai ở các trường tiểu học là điều khó tránh khỏi. Nhưng rồi đây, khi có hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính thì liệu có ai đứng ra nhận khuyết điểm, trách nhiệm về mình hay tất cả đều “phủi tay” rồi mọi sai phạm đều được “đổ lên đầu” hiệu trưởng? Câu hỏi này chắc các cơ quan hữu quan và những người trong cuộc đã có sẵn câu trả lời!
Xin đừng trốn tránh!
Qua quá trình tìm hiểu sự việc, không chỉ có Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên cố tình hiểu sai tinh thần chỉ đạo của hướng dẫn liên sở để trốn tránh trách nhiệm mà hiện tượng này còn xẩy ra ở nhiều nơi khác. Ông Nguyễn Thái Hòa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vũ Quang cũng đổ lỗi: “Hướng dẫn 1702 không cấm thu tiền học buổi chiều mà chỉ nói về thu đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở vật chất nhỏ và mua sắm trang thiết bị giảng dạy. Sở GD&ĐT không có quy định nào cấm thu tiền học buổi 2 ở tiểu học nên chỉ cần thỏa thuận giữa phụ huynh HS với nhà trường, có sự đồng ý của chính quyền địa phương là được phép thu”.
Tư tưởng “tất cả cùng sai nên có thể cho là đúng” hoặc sai đồng đều nên nếu có bị phát hiện thì cũng “hòa cả làng”. Minh họa từ internet |
Một vị lãnh đạo ở Phòng GD&ĐT Nghi Xuân cũng cho rằng: “Vấn đề này, trách nhiệm quản lý thuộc về Phòng Tài chính, chúng tôi chỉ kiểm tra khoản thu này được chia như thế nào. Theo tôi, việc thu tiền học buổi 2 là đúng và các trường tiểu học ở Nghi Xuân đang thu theo văn bản của Sở về dạy thêm, học thêm (Hướng dẫn 768 – PV). Tiền thu được trả cho giáo viên gấp 1,5 lần so với thời gian làm việc chính khóa, Phòng Giáo dục không có quyền lợi gì đây cả”.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, Hướng dẫn 768 của Sở GD&ĐT là văn bản quy định về tiền dạy thêm, học thêm ở các cấp học khác, còn cấp tiểu học dạy buổi chiều là dạy chính khóa, dạy bắt buộc theo quy định của Bộ GD&ĐT. Vậy căn cứ, quan điểm của vị lãnh đạo phòng này liệu đã thuyết phục và liệu có bao biện, cố tình hiểu sai tinh thần văn bản 1720 (?!)
Ở cấp độ trường, chúng tôi cũng thấy một số hiệu trưởng “giả vờ” nhận thức chưa đủ về văn bản này để đánh tráo khái niệm khoản thu trái quy định hoặc trốn tránh trách nhiệm, biện minh cho việc làm sai của mình. Họ cho rằng, trong Công văn 1702 chỉ quy định quy trình thu các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm trang thiết bị dạy học, tu sửa cơ sở vật chất nhỏ chứ không nhắc tới việc thu tiền dạy buổi chiều nên đây là nguồn thu chính đáng và hợp pháp.
Mặt khác, các trường bên cạnh đều thu thì mình cũng thu, không thu thì “khó chỉ đạo và ăn nói với giáo viên”. Hình như họ đang có tư tưởng “tất cả cùng sai nên có thể cho là đúng” hoặc sai đồng đều nên nếu có bị phát hiện thì cũng “hòa cả làng”.
Cá biệt, có nhiều ý kiến phát biểu không đúng với tinh thần, trách nhiệm của những nhà giáo chân chính như: “Tỉnh không cho thu thì chúng tôi không triển khai dạy buổi chiều”, “Nếu dạy mà không thu tiền thì khó đảm bảo chất lượng”…
Còn đối với những cán bộ quản lý có kinh nghiệm và nghiên cứu kỹ thì đều thừa nhận thu sai nhưng họ chưa ý thức được mức độ nguy hiểm khi làm sai nguyên tắc tài chính với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên tới hàng tỷ đồng.
(Còn nữa…)
Nhóm PV Nội chính