Trong nước

Thời báo Hoàn Cầu vu cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng

Thời báo Hoàn Cầu đã bịa đặt trắng trợn và chụp mũ vu cáo ông Đinh La Thăng “nhóm lại ngọn lửa chống Trung Quốc ở Việt Nam”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng đã buộc phải cảnh cáo nhà thầu Trung Quốc sau nhiều lần nhắc nhở mà họ cứ “trơ ra”. Thời báo Hoàn Cầu chỉ dựa vào hình ảnh này để vu cáo ông Thăng “kích động chống Trung Quốc” bằng những lập luận xuyên tạc của Hoàn Cầu. Ảnh VTV.

Tờ Vượng Báo của Đài Loan ngày 11/1 đưa tin, ông Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và hiện là Phó hội trưởng Hội Hữu nghị Trung – Việt đã nói với tờ Thời báo Hoàn Cầu rằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Đinh La Thăng “không nên” khiển trách nhà thầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn sập giàn giáo đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông làm một người thiệt mạng, 3 người khác bị thương.

Một người dân đi xe máy trên đường Nguyễn Trãi quận Thanh Xuân đã bị cướp đi tính mạng trong khi 3 người khác bị thương sau vụ tai nạn ở công trường thi công đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông hôm 6/11 năm ngoái, cách đây hơn 2 tháng. Sau đó cũng dự án thuộc tổng thầu Trung Quốc đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng khác hôm 28/12 nhưng may mắn không có ai thiệt mạng.

Theo tờ Tuổi trẻ, trong cuộc họp với Tổng thầu dự án này là Tập đoàn 6 Cục Đường sắt Trung Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định rõ, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam. Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.

Sau những lần tổng thầu hứa nhận khuyết điểm và để xảy ra sự cố, ông Thăng nói thẳng bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa. Còn theo tường thuật của đài VOA Hoa Kỳ về cuộc họp này, sau khi bị ông Thăng cảnh cáo, ông Châu Vũ đại diện nhà thầu chính của Trung Quốc nói: “Chúng tôi cũng hiểu là dự án này ảnh hưởng rất lớn tới cả xã hội Việt Nam. Chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh chấp hành và có biện pháp xử phạt nghiêm khắc với những người liên quan bên phía chúng tôi”.

Ấy vậy mà tờ Thời báo Hoàn Cầu đã bịa đặt trắng trợn và chụp mũ vu cáo ông Đinh La Thăng “nhóm lại ngọn lửa chống Trung Quốc ở Việt Nam”, trong khi tờ Vượng Báo cho biết các lãnh đạo của nhà thầu Trung Quốc cũng đã gật đầu tán thành sau phát biểu của Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Cho dù ông Thăng có phải dùng lời lẽ gay gắt cũng chỉ vì các nhà thầu Trung Quốc dù đã nhiều lần bị nhắc nhở nhưng “cứ trơ ra”, tâm lý của một người bình thường cũng khó có thể nhẹ nhàng với kẻ nào trơ mặt. Thái độ của đại diện nhà thầu Trung Quốc trong cuộc họp cho thấy có thể họ đã nhận ra điều này chứ không dám có luận điệu hung hăng, chụp mũ như Thời báo Hoàn Cầu.

Dự án đường sắt cao tốc Cát Linh – Hà Đông đã đội vốn lên gần 300 triệu USD so với dự toán ban đầu với nhiều sự chậm trễ. Thời báo Hoàn Cầu đổ lỗi sự chậm trễ này do người dân Việt Nam không chịu di dời giải phóng mặt bằng cho nhà thầu Trung Quốc?!

Liên quan đến vụ việc này, Thời báo Hoàn Cầu cho biết họ đã liên hệ với Tập đoàn 6 Cục Đường sắt Trung Quốc hôm 9/1 nhưng không có ai trả lời. Theo tờ báo này, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam ông Tề Kiến Quốc chính là người giới thiệu doanh nghiệp này đấu thầu dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Ông Quốc được dẫn lời cho rằng, ban đầu “Việt Nam đánh giá rất cao kỹ thuật và thực lực của nhà thầu Trung Quốc”.

Thời báo Hoàn Cầu cho biết, ông Tề Kiến Quốc nói với tờ báo này rằng đầu tư Trung Quốc về cơ bản vẫn được Việt Nam hoan nghênh. Vụ giàn khoan 981 trước đây (Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam – PV) khiến một số người kêu gọi cần giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng theo ông cựu Đại sứ, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt – Trung vẫn tăng trưởng 2 con số, sự phát triển kinh tế không thể thay đổi bởi ý chí cá nhân.

Ông Tề Kiến Quốc, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hiện là Phó hội trưởng Hội Hữu nghị Trung – Việt.

Theo ông Tề Kiến Quốc, vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Việt –  Trung “chỉ có một”, đó là Biển Đông. Vụ giàn khoan 981 đã khiến quan hệ 2 nước khủng hoảng, nhưng kể từ tháng 8 khi Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang thăm Trung Quốc, hội kiến và hội đàm với các quan chức cấp cao nước này thì quan hệ Việt – Trung bắt đầu được cải thiện.

Thời báo Hoàn Cầu cũng dẫn lời ông Tề Kiến Quốc nói rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng “không nên khiển trách nhà thầu Trung Quốc và không nên thổi phồng sự việc vì tai nạn tại các công trường xây dựng khá phổ biến ở Việt Nam”. Ông Tề Kiến Quốc cũng được cho là đã nói với Thời báo Hoàn Cầu, mặc dù truyền thông Việt Nam cho rằng vụ tai nạn là do lỗi của nhà thầu Trung Quốc “nhưng chính phủ Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm vì đã thất bại trong việc giám sát dự án”?!

Ở đây cần nói lại cho rõ về 3 nội dung được cho là ông Tề Kiến Quốc đưa ra, thứ nhất Bộ Giao thông vận tải Việt Nam không thể không khiển trách, thậm chí là cảnh cáo các nhà thầu Trung Quốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng đã rất nhiều lần nhắc nhở nhà thầu Trung Quốc đảm bảo an toàn thi công, chất lượng các công trình xây dựng nhưng họ “cứ trơ ra”, hứa lần hứa lượt rồi để đó. Vì vậy không thể có cái gọi là Việt Nam hay Bộ Giao thông vận tải “thổi phồng sự việc” như phát biểu được cho là của ông Quốc.

Thứ hai, ông cựu Đại sứ được dẫn lời cho là vì tai nạn “xảy ra tương đối phổ biến trong các công trình xây dựng ở Việt Nam” nên Bộ trưởng Thăng không nên khiển trách nhà thầu Trung Quốc, xin thưa lại rằng Việt Nam có luật pháp của Việt Nam, và chúng tôi không phải một quốc gia vô tổ chức, vô kỷ luật để cho các nhà thầu kém chất lượng như trường hợp Tập đoàn 6 Cục Đường sắt Trung Quốc thích làm gì thì làm, gây ra tai nạn cho người dân. Đó là còn chưa nói đến không biết dựa vào đâu để nói rằng, “tai nạn xảy ra tại các công trình xây dựng ở Việt Nam xảy ra tương đối phổ biến”?!

Thứ ba, việc ông Quốc được cho là đã nói rằng chính phủ Việt Nam “thất bại trong việc thực hiện trách nhiệm của mình để giám sát dự án”. Không biết do ông thiếu thông tin hay lờ đi sự thật, bởi cũng theo tờ Tuổi trẻ, ngày 29-12-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng – quyền tổng giám đốc PMU đường sắt – xuống giữ chức phó tổng giám đốc kể từ ngày 10-1-2015.

Ông Hùng bị giáng chức vì trách nhiệm người đứng đầu PMU đường sắt trong chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông để xảy ra tai nạn chết người ngày 6-11-2014 và sự cố sập đà giáo khi đổ bê tông xà mũ của mũ trụ H7 nhà ga bến xe Hà Đông ngày 28-12-2014. Bộ cũng đã có quyết định luân chuyển ông Hùng về giữ chức phó tổng giám đốc VEC.

Bản thân phóng viên Thời báo Hoàn Cầu thường trú tại Hà Nội cũng phải thừa nhận rằng, công trình xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc phụ trách chỉ có một “hàng rào mỏng manh trên con đường đông đúc, thậm chí có cả những khoảng trống” nguy hiểm.

Vì vậy việc cảnh cáo nhà thầu Trung Quốc và có biện pháp xử lý những tập thể, cá nhân phải chịu trách nhiệm về 2 vụ tai nạn là việc làm hoàn toàn đúng luật pháp Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế của Bộ Giao thông vận tải cũng như ông Đinh La Thăng. Hoàn toàn không có chuyện “kích động chống Trung Quốc” như Thời báo Hoàn Cầu đơm đặt hay như bình luận được cho là của ông cựu Đại sứ Trung Quốc – PV.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP