Phóng sự - Ký sự

Thiếu minh bạch, sai nguyên tắc ở HBE (Bài cuối)

Nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế

Đi cùng với những sai phạm về quản lý đất đai, công tác quản lý ở HBE Hà Tĩnh còn thể hiện lạm quyền và mang tính chất “gia đình trị”. Đặc biệt, những việc làm của hai anh em ông Hồ Gia Bảo và Hồ Phương Nam còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

Trước hết là sự thiếu minh bạch trong việc chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Công nghiệp HBE gây thiệt hại 263 triệu đồng. Cụ thể, ngày 14/12/2012, Hội đồng quản trị Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tĩnh do ông Hồ Gia Bảo làm chủ tịch đã họp quyết định bán Công ty TNHH MTV Công nghiệp HBE với giá 3.637.000.000 đồng (lỗ 263 triệu đồng so với vốn đầu tư ban đầu là 3,9 tỷ đồng – PV). Điều bất thường ở đây là HBE đã âm thầm chuyển nhượng Công ty TNHH MTV Công nghiệp HBE mà không trao đổi với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (đơn vị đối tác chiến lược) và các cổ đông để thống nhất giá bán và không thành lập hội đồng định giá tài sản, không tổ chức bán đấu giá tài sản. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Đầu tư thương mại công nghiệp Hà Tĩnh (đầu tư 70%) do ông Lê Khánh Toàn – Chủ tịch HĐTV, kiêm Giám đốc là em vợ ông Hồ Gia Bảo. Hợp đồng chuyển nhượng được các bên liên quan triển khai ngày 18/12/2013.

Thiếu minh bạch, sai nguyên tắc ở HBE (Bài cuối): Nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế
Trường Mầm non Hoa Sen thuộc HBE được xây dựng tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh). Ảnh: Nam Giang

Khi làm thủ tục cho bên nhận chuyển nhượng tài sản, ông Hồ Gia Bảo đã chỉ đạo HĐQT và trực tiếp ký hồ sơ chuyển nhượng cao hơn giá bán thực tế để trình Sở KH&ĐT Hà Tĩnh cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty TNHH Công nghiệp HBE với vốn điều lệ 3,9 tỷ đồng, do chính ông này là người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, những gian dối này đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT Hà Tĩnh lật tẩy. Theo đó, ngày 30/5/2013, bên nhận chuyển nhượng đã nộp thêm 263 triệu đồng cho Công ty CP Sách – Thiết bị trường học Hà Tĩnh.

Cùng với lạm quyền trong quản lý kinh tế, việc quản lý ở HBE cũng mang tính chất gia đình khá rõ nét. Chẳng hạn như việc ông Hồ Gia Bảo ký hợp đồng dịch vụ tư vấn luật với con trai là Hồ Gia Lê Hoàng với chi phí dịch vụ lên đến nhiều chục triệu đồng. Cụ thể, hợp đồng số 01/2013/TVTX ngày 10/1/2013 ký với Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh (phí dịch vụ hàng tháng 3,3 triệu đồng, số tiền đã thanh toán trong 4 tháng là 13.200.000 đồng; hợp đồng số 02/2013/TVTX ngày 10/1/2013 ký với Công ty TNHH Thương mại HBE, phí dịch vụ hàng tháng 2,574 triệu đồng, số tiền đã thanh toán trong 5 tháng là 12.870.000 đồng; hợp đồng số 03/2013/TVTX ngày 10/1/2013 ký với Công ty TNHH Giáo dục HBE, phí dịch vụ hàng tháng 2,2 triệu đồng, số tiền đã thanh toán trong 4 tháng là 8.800.000 đồng. Tổng cộng HBE đã chi cho các dịch vụ tư vấn luật hết 34.870.000 đồng.

Khi các cơ quan chức năng “gõ cửa”, thì HBE mới chấm dứt dịch vụ “ất ơ” này. Theo rất nhiều cổ đông của HBE mà PV Báo Hà Tĩnh đã tiếp xúc thì việc ký kết dịch vụ tư vấn luật này là không cần thiết, gây lãng phí tiền của công ty.

Thiếu minh bạch, sai nguyên tắc ở HBE (Bài cuối): Nhiều sai phạm trong quản lý kinh tế
Khu nhà ở nội trú của Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE.

Chưa dừng lại ở đó, ông Hồ Gia Bảo còn cho thành lập 2 công ty con trái với nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Cụ thể, ngày 13/11/2012, ông Bảo đã cho thành lập Công ty TNHH Thương mại HBE là 100% vốn Công ty CP Sách & thiết bị trường học Hà Tĩnh (công ty mẹ). Nhưng khi thành lập, Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh chỉ góp vốn 80%, ông Hồ Phương Nam (em ruột ông Hồ Gia Bảo) góp vốn 20%. Trong đó, có góp bằng chiếc xe ô tô thanh lý mà trước đó ông Nam đã mua lại của HBE ngày 30/4/2010 với giá 176.003.000 đồng, nhưng khi góp vốn thành lập công ty ngày 13/11/2012 lại định giá 200 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 1/3/2013, ông Bảo còn cho thành lập Công ty TNHH Phân phối HBE, đồng thời bổ nhiệm ông Hồ Phương Nam làm giám đốc.

Một việc làm thiếu minh bạch nữa, đó là ngày 1/5/2011, Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh (đại diện bởi ông Hồ Phương Nam) đã ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với Nhà sách 30/4 ở khối 3, thị trấn Hương Khê. Theo quy định của HBE về ký kết hợp đồng bên A cho bên B tổng công nợ không quá 300 triệu đồng, nhưng ông Nam vẫn cho bên B nợ vượt quá điều khoản quy định trong hợp đồng. Tính đến ngày 28/9/2012, tổng công nợ của Nhà sách 30/4 với Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh là 714.067.771 đồng. Trong đó, nợ gốc 623.388.771 đồng, nợ lãi 90.680.000 đồng. Theo nhận định của một số cổ đông HBE thì đây là khoản nợ khó đòi, có nguy cơ mất vốn cao.

Những việc làm sai nguyên tắc của lãnh đạo HBE Hà Tĩnh mà cụ thể là 2 vị lãnh đạo – 2 anh em: Hồ Gia Bảo và Hồ Phương Nam là một trong những nguyên nhân đưa đến việc HBE Hà Tĩnh bị thua lỗ trong nhiều năm. Đặc biệt, chuyện quản lý công ty theo kiểu ngẫu hứng và gia đình tại HBE Hà Tĩnh đã gây bức xúc trong các cổ đông nơi đây suốt thời gian qua. Câu hỏi được đặt ra là, dấu hiệu vi phạm của ông Bảo, ông Nam đã khá rõ ràng, song không hiểu sao chưa một ai phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý theo luật định?

Thắc mắc này xin được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

Đình Trung – Hoài Nam/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP