Danh Nhân

Thi sĩ Xuân Diệu- cả cuộc đời dâng hiến cho nhân dân và đất nước

Thấm thoắt nhà thơ Xuân Diệu đi về cõi vĩnh hằng đã  tròn 30 năm (ông sinh năm 1916 và mất ngày 18/12/1985). Những ngày này, chúng ta nhớ về ông, người đã đem tất cả cuộc đời mình dâng hiến cho thơ, cho nhân dân và đất nước…

Upload

Ảnh: Cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Xuân Diệu (Can Lộc) tìm hiếu thân thế, sự nghiệp nhà thơ trong phòng truyền thống nhà trường

Nhà thơ Xuân Diệu sinh năm 1916, ông “mang dòng máu hai miền” khi cha là cụ “đồ Nghệ” quê ở Trảo Nha, Can Lộc (Hà Tĩnh) kết duyên cùng mẹ, người phụ nữ đẹp người, đẹp nết ở xứ dừa Bình Định.Con đường sáng tạo của Xuân Diệu phát triển suốt nửa thế kỷ, từ năm 1936 nhà thơ trẻ đã có thơ in trên báo các Phong hóa, Ngày nay. Ngay từ khi mới xuất hiện trên thi đàn, Xuân Diệu đã lọt vào “mắt xanh” của những người có tên tuổi và uy tín trong giới văn nghệ sĩ. Mặc dù cách nhìn nhận và đánh giá của các tác giả có những điểm khác nhau, nhưng các bài viết đều thống nhất đánh giá cao đóng góp và vị trí hàng đầu của Xuân Diệu đối với phong trào Thơ mới. Trong bài viết đầu tiên giới thiệu Xuân Diệu năm 1937, Thế Lữ – người đi tiên phong trong phong trào Thơ mới đã có những nhận xét chuẩn xác, biểu hiện sự trân trọng đối với một tài năng của đất nước: “Thơ của ông không phải là “văn chương” nữa, đó là lời nói, là tiếng reo vui hay năn nỉ, là sự chân thành cảm xúc, hoặc là những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm… Xuân Diệu, nhà thi sĩ của tuổi xuân, của lòng yêu và của ánh sáng”. Còn bài viết về Xuân Diệu trong Thi nhân Việt Nam (1942) của nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng Xuân Diệu là nguồn sống dạt dào chưa từng có: Khi vui cũng như khi buồn, ông đều nồng nàn tha thiết. Sau khi đưa ra một số câu thơ chứng minh cho những nhận định của mình, Hoài Thanh đã đi đến một nét khái quát, đề cao đúng vị trí của Xuân Diệu: “ Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người lòng còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê… Với một nhà thơ còn gì quý hơn cho bằng sự hoan nghênh của tuổi trẻ”.

Không chỉ với thơ, Xuân Diệu còn đến với văn xuôi từ rất sớm. Năm 1939, tập hợp các truyện ngắn đã đăng trên báo Ngày nay, Xuân Diệu cho xuất bản tập truyện Phấn thông vàng. Đến năm 1945 cùng với tập thơ Gửi hương cho gió, Xuân Diệu cho ra đời tập văn xuôi Trường ca. Bao trùm lên những trang văn của Xuân Diệu là niềm khát khao gắn bó với cuộc đời, là một tình yêu đắm say không giới hạn. Những truyện ngắn như Phấn thông vàng, Chú lái khờ, Đóa hồng nhung… đã bộc lộ khá đầy đủ những ý tưởng đó. Dưới con mắt của một người thơ đa tình, thiên nhiên bốn mùa dường như cũng mang ý nghĩa khác: “Thu không phải là mùa thu sầu. Ấy chính là mùa thu yêu, mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau”… Khao khát tình yêu cuộc sống, trải lòng ra đến tận cùng với tình yêu. Đó là âm hưởng chính trong truyện ngắn và bút ký của Xuân Diệu trước Cách mạng. Nhưng bên cạnh những âm hưởng chính đó, còn một mảng đề tài nữa mà Xuân Diệu hướng tới. Đó là số phận những con người nhỏ bé, cam chịu và nghèo khổ. Ở mảng đề tài này, văn xuôi Xuân Diệu có nhiều đóng góp thiết thực hơn, bởi vì tình yêu, những trạng thái của tình yêu đã được Xuân Diệu nói đến nhiều trong thơ một cách tài hoa và đạt hiệu quả hơn. Xu hướng văn chương lãng mạn nhưng không tách rời hiện thực đã tạo cho văn xuôi của ông một bộ mặt đầy đủ và hoàn chỉnh hơn.

Cách mạng đã đem lại cho cuộc đời sáng tạo của Xuân Diệu một nguồn sinh lực mới. Tâm hồn ông được mở rộng về phía cuộc đời rộng lớn của nhân dân, của đất nước. Trước kia Xuân Diệu chỉ biết sống và viết dựa trên những cảm xúc tự nhiên, tự phát của mình. Giờ đây nhà nghệ sĩ đã đến với Cách mạng, hòa nhập và gắn bó hết lòng với thực tế đời sống đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng, đầy ắp những sự kiện và mang một ý nghĩa mới. Cái tôi cá nhân riêng lẻ hòa với cái tôi công dân lớn một cách hoàn toàn tự nguyện. Xuân Diệu hăm hở sống, hăm hở đi, hăm hở viết. Hàng loạt những tùy bút, ký sự đã tạo thành dòng chảy liên tục, phản ánh bộ mặt phong phú, sôi động của cách mạng Việt Nam trong suốt mấy chục năm lịch sử. Ông vừa là người nghệ sĩ vừa là người thư ký trung thành của thời đại. Bút ký của Xuân Diệu đã ghi lại hàng loạt những sự kiện lớn của đất nước, những ngày hội trọng đại của dân tộc ta. Không chỉ nói đến những sự kiện lớn của đất nước, Xuân Diệu còn thể hiện và bộc lộ con người mình rất rõ rệt qua những thiên tùy bút đầy chất thơ của một thi sĩ giàu kinh nghiệm. Bí quyết lớn nhất dẫn đến thành công của Xuân Diệu là ở trái tim có sức yêu mãnh liệt và một tâm hồn rộng mở, gắn bó với cuộc đời, với đất nước, với nhân dân.

Xuân Diệu là một người tài năng, có vốn văn hóa sâu rộng, có sự thẩm bình rất tinh tế. Ông là người rất quan tâm đến lao động câu chữ, là người khẳng định mối quan hệ hàng đầu giữa thơ và cuộc sống. Xuân Diệu chủ trương làm một nhà thơ phải có sự uyên bác trong thơ. Ông đã học, đã đọc cổ kim Đông Tây, rồi biến thành của mình và làm cho thơ mình trở nên phong phú hơn. Đối với công việc tìm hiểu gia tài văn học của ông cha, xuân Diệu là người có công rất lớn. Bộ sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (hai tập) là một công trình nghiên cứu chững chạc và bề thế. Tác giả đã mang vào đó tất cả tâm huyết và tình yêu đối với văn học cổ điển. Nhiều nhà thơ lớn của dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến… đã được Xuân Diệu nghiên cứu, phân tích bình giải. Với một cái nhìn sắc sảo, vừa bao quát vừa tỷ mỉ, với một văn phong độc đáo, tự nhiên, Xuân Diệu đã làm cho những tên tuổi lớn trong kho tàng văn học dân tộc thêm chói sáng. Ông cũng là người đi đầu trong giới thiệu những giá trị thơ ca trên dòng giao lưu giữa các nhà thơ lớn trên thế giới: LuiAragông, Maia cốpxki, Nadim Hítmét v.v… Xuân Diệu đã góp phần làm cho chúng ta giàu có thêm về tâm hồn, phong phú thêm về kiến thức. Hồn thơ và trái tim ông có những giao cảm ân tình với nhiều bạn thơ trên thế giới. Vừa là nhà thơ dịch giả, ông vừa là sứ giả của tình hữu nghị, giao lưu văn hóa.

Cuộc đời Xuân Diệu là một cuộc đời lao động cần cù, cật lực, không ngừng, không nghỉ. Ông làm thơ, viết bút ký, tiểu luận, phê bình, giới thiệu, dịch… Ở lĩnh vực nào, tác phẩm của ông cũng đạt đến mức xuất sắc, độc đáo. Chỉ cần nhìn qua khối lượng tác phẩm đồ sộ mà ông để lại, ngót năm mươi tác phẩm đủ các thể loại, ta cũng phần nào hình dung được cường độ và năng suất lao động của ông. Ghi nhận sự cống hiến to lớn đó, ngoài các phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước ta trao tặng, năm 1983, ông được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm nghệ thuật CHDC Đức.

Ngày 18/12 năm 1985 nhà thơ Xuân Diệu từ giã cõi trần vì một cơn đau tim đột ngột. Tin buồn truyền đi, gây xúc động lớn không chỉ trong giới văn học nghệ thuật mà trong đông đảo bạn đọc thuộc đủ lứa tuổi trên khắp mọi miền đất nước, trong kiều bào ở nước ngoài và trong bạn bè trên thế giới. Đối với Xuân Diệu, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau phải lìa xa những người thân yêu, lìa xa cõi đời. Song, đối với tất cả những người quen ông, yêu thơ văn ông thì mãi mãi không bao giờ xa cách ông. Dù ông đã đi xa 30 năm nhưng hình ảnh cũng như những trang thơ, trang văn của ông vẫn sống mãi trong lòng những người bạn yêu ông và đông đảo người đọc yêu thơ ông…

Tuấn Hiển

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP