Trong nước

Thi công chức Tổng Cục thuế: Khó gửi “con ông, cháu cha”

Trước lo ngại việc “con ông, cháu cha” nghiễm nhiên trúng tuyển, Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo gửi tới tất cả các Cục Thuế địa phương có tuyển dụng, nghiêm cấm cán bộ không được tổ chức luyện thi cho thí sinh.

Thí sinh mua tài liệu ôn tập thi vào ngành thuế các năm trước do các trung tâm luyện thi bày bán công khai trước cổng trụ sở Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Nga Thí sinh mua tài liệu ôn tập thi vào ngành thuế các năm trước do các trung tâm luyện thi bày bán công khai trước cổng trụ sở Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Nga
Cấm cửa tiêu cực

Trao đổi với PV , ông Nguyễn Huy Trường, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Thuế) cho biết, sau năm ngày nhận hồ sơ, TP Hà Nội có tổng cộng hơn 8.500 hồ sơ nộp dự tuyển 340 chỉ tiêu công chức. TPHCM có hơn 5.700 hồ sơ nộp cạnh tranh 538 suất vào làm việc tại Cục Thuế TP HCM. TP Hải Phòng có hơn 900 bộ hồ sơ được nộp dự tuyển 90 vị trí.Với số lượng hồ sơ thi tuyển tại các TP lớn năm nay, người ngoài sẽ rất quan tâm do số lượng lớn. Với người trong ngành, lượng hồ sơ như vậy không có gì đột biến. Thi tuyển công chức ngành Thuế năm nay có điểm khác hơn so với các năm trước.

Cụ thể, năm 2012, Tổng cục Thuế cũng tổ chức tuyển dụng cán bộ, theo đề án được Bộ Tài chính phê duyệt, cho 51 Cục Thuế địa phương và cho chính cơ quan Tổng cục Thuế. Tổng số hồ sơ trên toàn quốc nộp dự thi lên tới trên 43.000.

“Nội dung thi tuyển chúng tôi đã công khai trên website các Cục Thuế. Các thí sinh không nên nghe lời dụ dỗ, quảng cáo của các trung tâm, đơn vị. Nộp tiền đi ôn thi chỉ tiền mất, tật mang. Các trung tâm chỉ làm dịch vụ, mục đích là thu tiền. Thi cử là Tổng cục Thuế đứng ra tổ chức nên không có liên hệ gì với các đơn vị này”.

Ông Nguyễn Huy Trường

“Năm nay, Bộ mới phê duyệt tuyển dụng công chức cho 21 địa phương. Lượng hồ sơ nộp dự thi, theo thống kê, đạt hơn 30.000. So với đợt thi trước, đợt thi này giảm 30 địa phương. Ở một số địa phương (Hà Nội, TPHCM), số lượng thí sinh có tăng lên. Do một số địa phương lân cận Hà Nội chưa được phê duyệt chỉ tiêu tuyển dụng nên các thí sinh dồn hết sang đây”, ông Trường cho biết.Cũng theo ông Trường, để đảm bảo chất lượng cuộc thi, Bộ Tài chính đã lập một tổ giám sát đặc biệt đối với các môn thi. Bất cứ hoạt động liên quan đến việc tuyển dụng đều bị tổ giám sát này kiểm tra hết sức chặt chẽ. Tổng cục Thuế không phải muốn làm gì thì làm.

Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, sau khi hoàn tất nhận hồ sơ, hội đồng tuyển dụng công chức của Bộ Tài chính sẽ họp, thống nhất lịch thi cụ thể.

“Dự kiến giữa tháng 9, đầu tháng 10, sẽ tổ chức thi. Chuyện gửi gắm con cháu sẽ không thể thực hiện được với hình thức thi này”, vị này cho biết.

Cấm cán bộ thuế đi… luyện thi

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đã chỉ đạo các địa phương liên hệ với các trường thuộc ngành quân đội cũng như các trường ĐH danh tiếng để thuê địa điểm tổ chức thi tuyển.

Về quan điểm, thi tuyển công chức không được tổ chức tại các trường phổ thông. Như ở Hà Nội, dự kiến tổ chức thi tuyển ở Học viện Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Ở TPHCM, sẽ thuê địa điểm tại trường quân sự quân khu 7.

Tổ chức thi ở những địa điểm trên, lực lượng quân đội và công an sẽ kiểm soát an ninh rất nghiêm ngặt, không phải ai cũng vào khu vực thi được. Ngay với việc chấm thi, có một đội chuyên rọc phách và đội chấm thi riêng.

Trước lo ngại về việc lộ đề thi và việc “con ông, cháu cha” sẽ trúng tuyển trong khi các thí sinh giỏi bị trượt từ vòng gửi hồ sơ khiến cuộc thi chỉ là hình thức, đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, điều này không thể xảy ra. Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo gửi tới tất cả các Cục Thuế địa phương có tuyển dụng cán bộ, nghiêm cấm Cục cũng như cán bộ của Cục không được tổ chức luyện thi cho thí sinh.

Việc phối hợp với các trung tâm tổ chức ôn tập cũng bị cấm tuyệt đối dưới mọi hình thức.

Để tránh việc lộ đề, Tổng cục Thuế cũng có chủ trương không làm đề thi. Đề thi sẽ được Tổng cục đặt hàng nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau cùng ra đề. Mỗi bài thi của từng môn thi sẽ do nhiều đơn vị ra đề. Việc nhiều đơn vị cùng ra đề sẽ khiến các thí sinh không thể “dò sóng” tìm hiểu đề từ các tác giả cũng như đơn vị ra đề.

“Theo quy chế, chỉ cần làm 10 đề thi nhưng chúng tôi quyết định làm tối thiểu 30 đề khác nhau do ít nhất 3 đối tác ra đề thi. Khi chốt đề, có thể hội đồng tuyển dụng sẽ chọn ngẫu nhiêu các câu hỏi rút ra từ hàng chục đề thi làm sẵn này để chọn ra đề thi cuối cùng. Thậm chí, với đề thi trắc nghiệm, chúng tôi dự kiến ra cả đề chẵn, lẻ để các thí sinh ngồi cạnh nhau cũng không thể nhắc bài, chép bài của nhau. Với cách ra đề thế này, thí sinh nào giải được toàn bộ 50 câu hỏi trong đề thi thì hoàn toàn xứng đáng trúng tuyển”, đại diện Hội đồng tuyển dụng công chức tiết lộ.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, các cuộc thi tuyển công chức của ngành luôn thu hút sự quan tâm của rất đông thí sinh cũng như dư luận. Trước các kỳ thi luôn có hàng loạt các trung tâm, doanh nghiệp và cả các Hiệp hội quảng cáo rầm rộ về việc ôn luyện thi tuyển vào ngành thuế.

Để tránh điều tiếng cũng như tránh việc thí sinh “móc ngoặc”, “đặt vấn đề” với người của ngành, Tổng cục cấm tuyệt đối việc cán bộ trong ngành được tham gia các buổi giảng dạy, ôn luyện thi.

Hiện, có 30.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Chỉ tiêu tuyển dụng công chức vào Tổng cục Thuế năm 2014 là 1.796 người. Riêng tại Hà Nội, được tuyển 340 chỉ tiêu (chuyên viên làm chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra viên thuế 230 người; cán sự làm chuyên môn nghiệp vụ và kiểm tra viên trung cấp thuế 65 người; công nghệ thông tin 10 chỉ tiêu; văn thư, lưu trữ 35 chỉ tiêu).

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP