Kinh tế

Thi công cẩu thả tại đại Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang

Việc thi công san ủi, lu lèn làm hệ thống chân đập tại Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang (thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang được người dân phản ánh là rất cẩu thả, gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Làm dối trong đêm tối
Thời gian qua, chúng tôi nhận được những phản ánh của người dân về việc nghi ngờ đơn vị thi công khi thi công hạng mục đắp chân đập tại Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đã lợi dụng đêm tối để gian dối, làm ẩu. Một công nhân (xin được giấu tên) đang làm việc tại đây phản ánh, trong quá trình đổ đất để đắp hạng mục chân đập, đơn vị thi công buộc phải nhặt hết tất cả những thân gỗ, rễ, gốc cây còn sót lại trong đất. Tuy nhiên, chỉ ban ngày đơn vị thi công mới thuê người nhặt rễ, gốc cây, còn ban đêm họ thản nhiên cho máy lu lèn cả những gốc cây to xuống chân đập.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV Dân trí trong vai người đi soi cá đã vào cuộc mục sở thị công trường này. Và việc người dân phản ánh nhà thầu thi công ẩu là hoàn toàn có cơ sở.
Trong đêm tối, công trường chỉ có một vài người chỉ huy công tác đổ đất, san ủi, lu lèn, không hề có bất kỳ công nhân nào làm nhiệm vụ nhặt loại bỏ tạp chất. Hàng chục chiếc xe ô tô cỡ lớn chở khoảng 40 đến 60m3 đất đá cứ đua nhau đổ đất xuống công trường mà không hề có bất cứ nhân công nào làm nhiệm vụ kiểm tra, loại bỏ tạp chất.
Đi dạo quanh một vòng, không khó để nhìn thấy tại công trường thi công có những rễ cây to một vòng tay người ôm, dài cả mét, nằm lẫn lộn với đất. Do chưa kịp lu lèn, đổ lên lớp đất mới nên nhiều thân cây to lộ hẳn, chỏng chơ trên bề mặt.

Nhiều rễ cây còn sót lại
Nhiều rễ cây còn sót lại
Gốc cây to bị bỏ quên
Gốc cây to bị “bỏ quên”

Theo người dân dẫn đường vốn là người từng được đơn vị thi công thuê nhặt tạp chất cho hay, ban đầu đơn vị thi công có thuê người nhặt rễ cây với giá 200.000 đồng/ca đêm, nhưng sau đó không hiểu lí do gì lại giảm xuống 100 nghìn đồng. Công việc vất vả, làm việc nguy hiểm trong đêm tối thù lao lại thấp nên người dân không làm. “Buổi đêm phải làm việc từ 19h cho đến 23h nhưng họ chỉ trả cho 100 nghìn đồng nên chúng tôi không làm. Không có người làm nên họ cũng không nhặt mà cho lu lèn luôn”, người này cho biết thêm.
Phải kiểm tra lại mới biết
Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang có tổng mức đầu tư là 9.164 tỷ đồng (trong đó, đầu mối hồ chứa nước có dung tích lên đến 775 triệu m3 do BQL Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 (Bộ NN&PTNT) chủ đầu tư 3.212 tỷ đồng; hệ thống kênh dẫn 4.436 tỷ và đền bù, hỗ trợ tái định cư 1.616 tỷ đồng do UBND tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư), công trình thủy lợi, thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang là dự án đa mục tiêu lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh và là một trong những dự án thủy lợi lớn nhất của cả nước.
Phía dưới chân đập thủy lợi này là hàng trăm nghìn hộ dân thuộc các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, thị xã Hồng Lĩnh đang sinh sống.

Toàn cảnh hạng mục đắp chân đập Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang
Toàn cảnh hạng mục đắp chân đập Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang

Chứng kiến những việc làm cẩu thả của đơn vị thi công, một người dân đang được thuê làm nhiệm vụ nhặt rễ cây vào ban ngày lo lắng: “Những gốc cây này nếu không được nhặt hết sau này sẽ bị mục nát tạo thành những ụ mối thì hết sức nguy hiểm. Cuộc sống, tính mạng của hàng trăm nghìn người dân sẽ phải chịu ảnh hưởng nếu có sự cố xảy ra”.
Theo tìm hiểu thì đơn vị thi công hạng mục này là Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn, còn đơn vị giám sát là Tổng Cty Xây dựng thủy lợi 2.
Trước sự việc trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Minh, Trưởng Ban QL Dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang nhưng vị này đang đi vắng nên đã giới thiệu gặp ông Nguyễn Tiến Linh, Phó chỉ huy trưởng công trình.
Tiếp xúc với PV, ông Linh cho biết: “Khi tiến hành lấy đất, đơn vị đã tiến hành bốc tầng phủ khoảng 30 -50cm theo thiết kế. Trong quá trình đào đất thì những rể cây còn sót lại nên chúng tôi đã cho nhân lực tiến hành nhặt, loại bỏ. Buổi ngày chúng tôi thuê khoảng 6 người làm công việc này”.
PV hỏi tại sao buổi đêm lại không hề có nhân công nào làm nhiệm vụ nhặt rể cây, gốc cây, vị này cho biết buổi đêm chỉ đắp đá gia tải, phần cát sỏi chứ không đắp đất (?).
PV tiếp tục hỏi liệu những xe chở đất đá gia tải đó liệu có rễ, gốc cây sót lại hay không thì vị này cho biết là phải kiểm tra lại mới biết được. Khi PV đưa ra những hình ảnh về những rễ cây to lẫn trong đất, vị này ấp úng: cái này chắc là họ sẽ nhặt đi!
“Về nguyên tắc  thì rể cây bất cứ to hay nhỏ thì đều phải nhặt hết. Trong quá trình thi công việc để sót những rễ cây là không thể tránh khỏi, nhất là những khúc rễ ngắn. Chúng tôi sẽ giám sát và yêu cầu đơn vị làm chặt chẽ hơn nữa”, ông Linh nói.

Xuân Sinh – Tiến Hiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP