Danh sách nhà Hảo tâm

Thầy “áo tơi” dành trọn mùa hè cho trẻ em dân tộc thiểu số

Nghỉ hè là dịp các thầy cô giáo nghỉ ngơi sau những ngày miệt mài bên trang giáo án. Nhưng thầy Lê Quốc Châu lại dành trọn mùa hè cho trẻ em dân tộc thiểu số.

Thầy giáo Lê Quốc Châu (SN 1976) hiện đang là giáo viên của trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh.

Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, thầy giáo Lê Quốc Châu có tuổi thơ khá dữ dội. Nhà nghèo, cậu sinh viên ngày ấy không có tiền theo học báo chí như nguyện vọng của mình và rồi Quốc Châu đã chọn ngành Sư phạm để đỡ gánh nặng về học phí cho 4 năm Đại học.

Suốt những năm bước chân vào nghề giáo, nhìn thấy những hoàn cảnh neo đơn, hoạn nạn lại đánh thức trong thầy về kí ức nghèo đói của quá khứ.Từ đó thôi thúc thầy phục vụ người nghèo như một công việc phải làm.

hatinh
Thầy Lê Quốc Châu dọn viên đá chắn ngang đường để những người khác không gặp tai nạn. Bức ảnh được ghi lại trên đường thầy đi thiện nguyện về (Ảnh: Lê Phạm)

Hiện nay, thầy Châu không chỉ là một giáo viên tâm huyết về bộ môn Địa lý, mà còn là một thầy giáo trẻ có tâm với người nghèo, đặc biệt là học sinh, bà con dân tộc thiểu số.

Giữa mùa hè nắng nóng vừa qua, thầy đã ngược xuôi lên khắp vùng núi cao ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để tìm hiểu về các hoàn cảnh khó khăn của người dân tộc.

Thông qua “Quỹ Áo Tơi” do thầy lập ra, kêu gọi những nhà hảo tâm trên mọi miền đất nước chung tay giúp đỡ những học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh thương tâm.

Thầy tâm sự: “Quỹ Áo Tơi do tôi lập ra hướng đến tất cả người nghèo khổ. Tuy nhiên, đợt hè này tôi chú trọng đến trẻ em vùng cao, điển hình như trẻ em dân tộc Rục ở Quảng Bình, người Chứt ở Hà Tĩnh, và trao tặng cho các em vùng cao ở trường tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An)”. 

Trong một lần về thăm dân tộc Rục ở Quảng Bình, tận mắt chứng kiến sự nghèo đói và khốn khổ của bà con, đặc biệt là các em học sinh ở đây đã thôi thúc thầy Quốc Châu đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ dân tộc Rục. Để bà con trong bản Rục có đủ cơm ăn, trẻ em thoát nạn đói rách.

Những khoảnh khắc ám ảnh ở dân tộc Rục, thôi thúc tinh thần thiện nguyện từ thầy (Ảnh: Lê Phạm)

Thầy cho biết: “Người Rục họ khổ lắm, đặc biệt là những em học sinh, quấn mình trong những chiếc chăn rách, bẩn thỉu. Khi đến đó, nhìn thấy những cảnh đời đói khổ của đồng bào Rục, tôi đã quyết tâm kêu gọi ủng hộ cho bà con.

Và cuộc kêu gọi đó được tiến hành 2 đợt, và sắp tới bước sang mùa đông số quần áo ấm mà tôi kêu gọi được sẽ giúp bà con Rục tránh được cái lạnh ở miền Trung”.

Khi nhận được thông tin về bản Rục, thầy Châu đã vượt cả chặng đường dài 250km từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình để khảo sát về cuộc sống của họ. Từ đó đầu tháng 8 vừa qua, thầy tổ chức các đợt kêu gọi ủng hộ đồng bào. Toàn bộ sách vở, quần áo, thuốc men đã kịp thời đến tận tay đồng bào Rục.

Trong cả 2 đợt, thầy Lê Quốc Châu đã trao tận tay cho dân tộc Rục bao gồm: 338 áo mưa và áo ấm, 64 bộ SGK cho các em học sinh, nhiều thùng phấn, thuốc Tây và muối i – ốt.

Trao quà cho người Rục, và bản Lòm Quảng Bình (Ảnh: Lê Phạm)

Ông Trần Xuân Tư, trưởng bản của dân tộc Rục (Quảng Bình) cho biết:

Chúng tôi rất biết ơn thầy giáo Lê Quốc Châu, nhờ có thầy giúp đỡ mà học sinh trong bản có sách vở đi học. Mùa đông và mùa mưa này, bà con bản chúng tôi không lo sợ rét, sợ ướt nữa vì đã được thầy Châu hỗ trợ rất nhiều áo ấm và áo mưa”.

Giúp đỡ được trẻ em vùng cao Quảng Bình, thầy Quốc Châu lại vượt 350km từ Hà Tĩnh ra với học sinh dân tộc H Mông, Khơ Mú ở Tương Dương – Nghệ An.

Trong chuyến đi này, nhìn thấy trường học của dân tộc H Mông tồi tàn, ọp ẹp, thầy Quốc Châu lại thấy xót xa và tổ chức tiếp các đợt kêu gọi ủng hộ học sinh Trường Tiểu học Hữu Khuông (Tương Dương, Nghệ An).

Tại Nghệ An lần này, thầy đã trao “nóng” cho các học sinh Trường tiểu học gồm: 313 cặp sách, 313 đôi dép, 2500 cuốn vở, 5 thùng bánh Trung thu, 3 thùng quần áo, 1 máy phát điện, 1 thùng thuốc tây, 1 thùng sữa và 20 triệu đồng.

Những chuyến đi dài như thế, lại khảo sát và lại lên kế hoạch kêu gọi, thầy đã không cho phép mình nghỉ ngơi sau giờ dạy trên lớp. Thầy Châu tâm sự:

Nhìn thấy trẻ em nghèo, học sinh đói khổ tôi lại liên tưởng về quá khứ, vì gia đình tôi hồi ấy cũng rất nghèo, không có tiền cho tôi ăn học. Bây giờ nhìn học sinh đói rách tôi lai thấy chạnh lòng. Thấy vui vì mình đã giúp được một phần nào đó cho học sinh nghèo”.

Hơn 40 triệu đồng từ Qũy Áo Tơi của thầy đến với đồng bào Chứt ở Hương Khê, Hà Tĩnh (Ảnh: Lê Phạm)

Trong ngày 1/10 vừa qua, thầy đã kêu gọi và hỗ trợ đồng bào người Chứt ở xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh): 100 thùng sữa TH Trumilk trị giá 35 triệu đồng, 3 tạ gạo, 8 thùng quần áo và 4 triệu tiền mặt. Tổng cộng cho đồng bào Chứt 40 triệu đồng.

Ngoài ra, Nhóm từ thiện Áo Tơi đã trao cho các hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, các em học sinh nghèo học giỏi trị giá 53,8 triệu đồng.

Tổng cả mùa hè thầy Châu đưa đến cho bà con dân tộc thiểu số khắp miền Trung hơn 200 triệu đồng.

Được biết ngoài công việc giảng dạy trên lớp, thầy giáo Châu đã bắt đầu làm từ thiện từ năm 2010. Trong 5 năm qua, thầy đã cống hiến và tận tụy không chỉ với vai trò là người thầy giáo trên lớp mà còn hi sinh trên tinh thần thiện nguyện, mang đến niềm vui cho các em.

Quỹ Áo Tơi của thầy cũng luôn đồng hành với những em học sinh đạt thành tích trong học tập, những hoàn cảnh neo đơn hoạn nạn, và ngoài ra thầy còn tham gia các hoạt động hiến máu nhân đạo.

Trong năm 2014 vừa qua, số tiền thu về được cho người nghèo thông qua “Qũy Áo Tơi” do thầy sáng lập với hơn 1 tỷ đồng. Và trong đợt hè vừa rồi, các món quà có giá trị hơn 200 triệu đồng được mang đến cho các em vùng dân tộc thiểu số khắp miền Trung.

Thầy giáo Lê Quốc Châu trong hoạt động hiến máu nhân đạo (Ảnh: Lê Phạm)

Thầy Lê Quốc Châu chia sẻ thêm: “Hiện nay tôi đang kết nối với các nhà hảo tâm xây dựng một điểm trường Tiểu học ở xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An trị giá 350 triệu đồng.

Học sinh ở đây trường học rất tồi tàn, tôi muốn giúp các em học sinh có đủ điều kiện đến trường. Không phải riêng tôi nhưng bất cứ người làm thầy nào khi chứng kiến học sinh như thế cũng thấy thương cảm và động lòng”.

Lê Phạm
[youtube id=”QcH8dAeeE6E”]

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP