Trong nước

Thanh Hóa giao đất rừng phòng hộ cho FLC nhưng không báo cáo Thủ tướng

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm đất đai trên cả nước năm 2016, trong đó điển hình là việc Thanh Hóa giao đất rừng phòng hộ cho FLC mà không báo cáo Thủ tướng.

Chiều 21/5, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 trước Quốc hội. Năm 2016, cơ quan này đã thực hiện nhiều kiểm toán chuyên đề, trong đó phát hiện nhiều vấn đề còn tồn tại liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Tăng mật độ, chia nhỏ căn hộ, vượt tầng, sai quy hoạch

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất còn chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế. Từ đó dẫn đến quá trình triển khai dự án phải điều chỉnh nhiều lần.

Một số địa phương còn điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng không phù hợp với quy hoạch chung, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch chi tiết không đúng thẩm quyền; phê duyệt quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2.000 được duyệt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.

Việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của một số dự án còn chỉ tiêu không phù hợp quy định, quy chuẩn xây dựng, như diện tích đất bố trí xây dựng trường học, trường mầm non, y tế không đủ nhu cầu tại chỗ; bố trí đất làm bãi đỗ xe, cây xanh thiếu so với quy định; khoảng cách giữa các dãy nhà cao tầng chưa đảm bảo mức tối thiểu theo quy chuẩn...

Nhiều dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng... xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn, phá vỡ mật độ, vượt tầng... Ảnh: Tiến Tuấn.

Các địa phương bị chỉ ra còn tình trạng này là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Nam, Đồng Nai, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Vĩnh Long.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết việc phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch của các dự án đa số theo xu hướng tăng tầng, vượt quá số tầng và chiều cao theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh, đã làm mật độ và số lượng dân số tăng.

Tình trạng này diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bắc Ninh…

Giao rừng phòng hộ không báo cáo Thủ tướng

Về công tác giao đất, kiểm toán cho biết tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Quảng Nam, Phú Yên…, đa số dự án không thực hiện đấu thầu hoặc đấu giá quyền sử dụng đất, mà áp dụng ngay hình thức chỉ định nhà đầu tư. Điều này vi phạm Luật Đấu thầu và Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số dự án không đúng đối tượng, không thuộc danh mục di dời, không thuộc trường hợp giao chỉ định.

TP.HCM có nhiều dự án vi phạm nhất, điển hình như: Dự án số 8 Hoàng Minh Giám (phường 9, quận Phú Nhuận); dự án 79/81 Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh); dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1).

Thanh Hóa giao đất rừng phòng hộ cho FLC mà không báo cáo Thủ tướng. Ảnh: Nguyễn Dương.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị không đảm bảo thủ tục và cơ sở pháp lý tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng.

Tại Thanh Hóa, việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ không đúng thẩm quyền. Tỉnh này đã chuyển mục đích sử dụng đất 22,63 ha rừng phòng hộ cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC để thực hiện dự án xây dựng sân golf và khu đô thị du lịch sinh thái, nhưng không báo cáo Thủ tướng.

Việc giao đất không đúng đối tượng, giao đất không có trong kế hoạch sử dụng đất xảy ra tại một loạt địa phương, là TP.HCM, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Có nơi giao đất không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, giao đất khi văn bản chấp thuận đầu tư đã hết hiệu lực, chuyển mục đích sử dụng đất từ thương mại dịch vụ sang “đất ở không hình thành đơn vị ở”, xác định người mua biệt thự, căn hộ sử dụng đất ổn định lâu dài không đúng Luật Đất đai.

Tại Khánh Hòa có đến 5/12 dự án giao “đất ở không hình thành đơn vị ở”, đã giảm 27% giá so với giá đất ở, tương ứng số tiền giảm thu của ngân sách Nhà nước 42 tỷ đồng…

Phương pháp xác định giá đất đang nhiều bất cập

Do giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá nên việc xác định giá đất theo các phương pháp hiện hành do địa phương lựa chọn tùy tiện, dẫn đến nhiều hạn chế, sai sót và làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Qua kiểm toán, đối chiếu 329 dự án, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng (tăng thu, giảm chi tiền ngân sách 3.856 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý 3.911 tỷ đồng).

Kiểm toán cũng chỉ ra việc xác định giá đất của nhiều dự án còn kéo dài, chưa đảm bảo thời gian, các bước theo quy trình, làm chậm thu vào ngân sách. Nếu tính toán như phạt chậm nộp về thuế tại 2 địa phương có đủ căn cứ tính, là Hà Nội và Bình Dương, thì số tiền phạt chậm nộp đến 1.074 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cho biết phương pháp xác định giá đất hiện nay còn nhiều bất cập. Ảnh: Lê Quân.

Cơ quan kiểm toán còn chỉ ra có tình trạng tại cùng một địa phương, khi áp dụng các phương pháp xác định giá khác nhau đã có chênh lệch lớn về giá trị khu đất, dẫn đến thất thoát ngân sách. Điển hình là tại Bình Dương và TP.HCM.

Qua kiểm toán cũng cho thấy một số chủ đầu tư tại các địa phương chưa tuân thủ các quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng, chưa tuân thủ quy hoạch, triển khai trước khi được cấp phép, hoặc vi phạm về giấy phép xây dựng, tiến độ, mà nguyên nhân chính là lựa chọn nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý tại địa phương cũng chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Nhiều dự án chưa xác định hoặc đã xác định nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Điển hình như một loạt dự án tại TP.HCM như số 91 Phạm Văn Hai (quận Tân Bình); dự án Tropic tại phường Thảo Điền (quận 2); dự án 128 Hồng Hà (Tân Bình).

Tại tỉnh Lạng Sơn có dự án Khu đô thị Phú Lộc I + II, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Lạng Sơn).

Một số dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP.HCM và Lạng Sơn.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP