Mất con vì không có tiền đi viện
Trên giường bệnh khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ bệnh nhân đang phải mang trên người rất nhiều thiết bị hồi sức tích cực từ máy thở, máy lọc máu liên tục đến máy theo dõi nhịp tim và hệ thống dây truyền dịch, bù nước... Gần 2 tuần qua, bác sĩ đang phải chạy đua với tử thần nhưng cuộc chiến giữ lại sinh mạng cho chị vẫn chưa có hồi kết.
Sau khi mất con, sinh mạng người mẹ khốn khổ cũng lâm vào nguy nan |
Nữ bệnh nhân khốn khổ ấy là chị Huỳnh Thị Mỹ Thương (36 tuổi, ngụ tại Bình Thuận). Sau 29 tuần thai nghén nhưng đứa con chị “mang nặng” không có cơ hội chào đời. Không chỉ mất con, người mẹ còn rơi vào cảnh rất nguy khốn do hội chứng tiền sản giật.
BS Huỳnh Quang Đại, người trực tiếp điều trị bệnh nhân cho hay: “Bệnh nhân Mỹ Thương được bệnh viện Đa khoa Khu vực La Gi, Bình Thuận chuyển đến ngày 19/11 trong tình trạng mê phải bóp bóng giúp thở, mạch nhanh, huyết áp thấp sau ca mổ lấy thai lưu ở tuần 29. Bệnh nhân được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng, xuất huyết nội, sốc mất máu. Sau khi hội chẩn với bệnh viện Hùng Vương, chúng tôi đang điều trị tích cực cho người bệnh nhưng tiên lượng còn dè dặt bởi tình trạng xuất huyết bao gan, sốc mất máu, suy gan, suy thận cấp và viêm phổi”.
Trong cảnh nghèo khốn, anh Thế Cương đau đớn, bất lưc nhìn vợ thoi thóp |
Bên giường bệnh của vợ, anh Mai Thế Cương (39 tuổi) nghẹn ngào: “Khoảng 3 ngày trước khi vào bệnh viện vợ tôi than mệt, đau đầu, tức ngực, khó thở. Nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên cả hai vợ chồng đều chần chừ không đến bệnh viện. Khi vợ có biểu hiện lơ mơ, mệt nhiều, phải đi cấp cứu thì con của chúng tôi đã chết trong bụng mẹ, giờ vợ cũng chẳng biết có qua được không... tôi ân hận quá”.
Người chồng mong cứu được vợ để vơi nỗi đau
Hơn 17 năm trước, anh Mai Thế Cương và chị Mỹ Thương nên vợ thành chồng. Cha mẹ hai bên đều khó khăn nên cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng trồng lúa của gia đình chồng. Rồi 3 đứa con Mai Huỳnh Hoài Phương (16 tuổi); Mai Huỳnh Phương Thảo (12 tuổi); Mai Thế Thiện (3 tuổi) lần lượt chào đời. Để lo cho các con ăn học và chăm sóc mẹ chồng Đỗ Thị Tâm (84 tuổi) ngoài công việc đồng áng, vợ chồng họ phải lao lực làm mướn. Sau khi sinh đứa con thứ 3 chị Mỹ Thương đã đặt vòng tránh thai.
Theo BS Quang Đại: bệnh nhân phải điều trị tích cực chi phí ngoài bảo hiểm mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng |
Với hi vọng cải thiện thu nhập, anh Thế Cương cùng vợ quyết định vay hơn 20 triệu đồng để chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng cây Thanh Long. Khi cây vừa bén rễ, bám trụ thì cũng là lúc chị Mỹ Thương biết mình mang thai đứa con thứ 4. “Tôi đưa vợ đi khám thì bác sĩ cho biết vợ bị tuột vòng nên vỡ kế hoạch. Nhiều người khuyên nên bỏ thai vì thấy vợ chồng tôi nuôi 3 đứa con đã quá khổ, nhưng tôi và vợ đều không nghĩ đến việc bỏ bởi đó là giọt máu của mình”.
Song từ khi chị Mỹ Thương mang thai cuộc sống gia đình trở nên chật vật hơn, các con đang tuổi ăn học, gánh nặng gia đình dồn lên vai mình anh Thế Cương. Khoản tiền vay trồng thanh long chưa trả được thì lại thêm những khoản chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ở thế “bị động” cuộc sống khó khăn vì thế khi có biểu hiện mệt chị Mỹ Thương đã không đến bệnh viện kịp thời.
Chị Mỹ Thương đang rất cần được tiếp sức để có cơ hội về với 3 đứa con |
Dù có Bảo hiểm Y tế, song những khoản chi phí điều trị ngoài danh mục của chị Mỹ Thương mỗi ngày lên tới hơn 5 triệu đồng. Để cứu vợ, anh Thế Cương đã phải thế chấp ruộng đất và nhờ người thân vay số tiền gần 100 triệu đồng. Đến nay, những khoản vay đã cạn nhưng sinh mạng của vợ vẫn trong cơn nguy nan. “Con đã không giữ được giờ tôi chỉ mong cứu vợ để vơi đi phần nào nỗi đau. Nhưng tiền không còn, việc điều trị của vợ còn kéo dài, tôi không biết phải làm sao”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 2753: Anh Mai Thế Cương, khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM Hoặc thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận Điện thoại: 0987442950 |
Tác giả: Vân Sơn
Nguồn tin: Báo Dân trí