Chúng tôi tìm đến nhà cụ Dung vào một buổi chiều mưa lạnh, tới đầu làng hỏi nhà bà Dung nuôi con 55 tuổi bị tâm thần không ai là không biết, căn nhà hai mẹ con cụ nằm lọt thỏm giữa một làng quê nghèo xơ xác như muốn dấu đi bao nỗi trầm luân cơ cực cuộc đời của 2 mẹ con cụ. Trong nhà cụ, xác xơ như túp lều của “chị Dậu”, đồ đạc lèo tèo vài thứ: Chiếc nồi cơm điện đã hỏng, vài cái tô sứt mẻ có đựng mấy miếng chả mà có người nào đó mới cho mà bà chưa dám ăn. Chiếc giường ọp ẹp, một cái chăn chiên mỏng dính cũ mèm dường như là vật làm cảnh vì nó không thể giữ cho hai mẹ con cụ qua được mùa đông lạnh giá sắp đến. Căn nhà rách nát như tươm, không điện, không nước, chỉ có một chút ánh sáng ban ngày le lói…
Cụ Nguyễn Thị Dung trong căn nhà rách nát của mình
Chồng cụ Dung mất đã hơn 30 năm, một mình cụ nuôi 5 người con nhưng oái ăm thay, di chứng của chất độc da cam từ người chồng đã làm cho 5 người con của cụ không phát triển được như người bình thường. Ba người con lần lượt bỏ cụ ra đi khi được vài tuổi, người con trai út đã lập gia đình ở cạnh nhưng di chứng chất độc da cam làm cho anh không được bình thường, cuộc sống cũng rất khó khăn vất vả. Một mình cụ Dung phải còng lưng, tiếp tục đoạn đời truân chuyên nuôi cô con gái đầu bị thần kinh luôn bỏ nhà đi lang thang vô định khắp nơi.
Suốt gần 50 năm qua, ngoài cái công lao nuôi dưỡng đứa con bệnh tật, bà cụ còn mang thêm cả cái công dò dẫm tìm con: bất kể trời sáng tối hay mưa nắng, bão bùng. Lúc bình thường, con gái cụ lang thang khắp các xóm, có khi ra mãi khu đường lớn rồi lẩn thẩn đi một cách vô định, thậm chí có những lúc quên đường về và ngủ lại ở khu vực nghĩa địa. Hàng xóm láng giềng nhìn thấy về mách cụ, cụ lại lật đật gọi con về như gọi một đứa trẻ.
Chị Nguyễn Thị Ả (Con gái cụ Nguyễn Thị Dung) làm duy nhất được một việc là phơi quần áo
Bác Nguyễn Văn Quỳnh (hàng xóm) lấy tay quệt những giọt nước mắt lã chã trên hai gò má: “Thương lắm bà lắm chú à, tuổi già sức yếu, mắt mờ, tai điếc mà vẫn lọ mọ tìm con khắp nơi. Lại phải đi xin từng chậu nước trong xóm để đưa về dùng, bữa ăn thì bữa đực bữa cái…”
55 năm cụ Nguyễn Thị Dung phải sống trong khổ đau và nước mắt. Đôi mắt của người mẹ ấy đã đục mờ,tai gần điếc hẳn, đôi chân chai cứng vì những lần tìm đứa con trai khắp các xã như tìm một đứa trẻ. Để đến giờ phút này, khi cái tuổi đã gần đất xa trời trong thâm tâm cụ vẫn thường trực và đau đáu một nỗi niềm: “Sau này, tôi chết, con Ả biết sống răng đây”?
Gian bếp của 2 mẹ con cụ Dung
Mỗi tháng cụ Dung và con gái được trợ cấp xã hội được hơn 400 nghìn đồng nhưng số tiền đó không thể đủ trang trải cuộc sống của mẹ con khi cụ Dung lại đau ốm triền miên, riêng tiền thuốc thang đã chiếm hơn số tiền trợ cấp đó. Không có nhiều để chia sẽ với cụ, tôi biếu cụ một ít tiền cụ ôm chầm lấy tôi và khóc rất lâu, cụ nói trong tiếng nấc: “Ngày mai bà sẽ nhờ người mua cân thịt và con cá ăn cho đỡ thèm”, nước mắt tôi cứ thế trào ra, không biết động viên chia sẽ gì hơn ngoài ôm thật chặt lấy cụ.
Chúng tôi chia tay cụ ra về khi trời đã nhá nhem tối, cơn mưa đầu đông bắt đầu nặng hạt, cụ Dung lại mò mẫm cái gậy, đội cái nón tơi lò dò đi tìm con vì sợ mưa to, gió lớn con gái lại một đêm ngủ ngoài nghĩa địa…