Thiết kế sơ bộ của tàu sân bay INS Vishal. Đồ họa: Indian Navy. |
Hải quân Ấn độ hồi giữa tháng 1 đề xuất chế tạo tàu sân bay thứ ba mang tên Vishal, dự kiến đưa vào biên chế cuối thập niên 2020. Chi phí sản xuất và trang bị tiêm kích cho tàu sân bay này có thể lên tới 25 tỷ USD, biến nó trở thành một canh bạc đầy rủi ro với New Delhi, theo War is Boring.
Vishal dự kiến có lượng giãn nước 65.000 tấn, lớn hơn nhiều so với hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant đang trong biên chế hải quân Ấn Độ. Nó có thể mang tới 57 tiêm kích các loại, nhiều hơn con số 24-30 chiếc MiG-29K trên hai tàu sân bay này. Dù không lớn bằng siêu tàu sân bay lớp Gerald Ford của Mỹ, Vishal sẽ là tàu sân bay cỡ lớn đầu tiên của Ấn Độ, do hai chiếc trước chỉ là tàu sân bay cỡ nhỏ và còn nhiều hạn chế.
Hải quân Ấn độ cũng đang xem xét trang bị hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cho Vishal, tương tự như các hàng không mẫu hạm lớp Ford. Đây được coi là cải tiến đáng kể so với cơ cấu cầu nhảy (STOBAR) trên hai tàu sân bay trước, vốn giới hạn đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của máy bay, khiến chúng không thể mang nhiều vũ khí hoặc nhiên liệu.
New Delhi đang tìm kiếm tiêm kích hai động cơ của nước ngoài để trang bị cho Vishal, trong đó dòng F/A-18 Mỹ và Rafale Pháp đang là lựa chọn hàng đầu. Đây là đòn giáng mạnh vào những người ủng hộ tiêm kích nội địa Ấn Độ như mẫu HAL Tejas, bị đánh giá là quá nặng để hoạt động trên tàu sân bay.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Ấn Độ có thực sự cần một tàu sân bay thứ ba với tổng trị giá lên tới 25 tỷ USD. Ưu điểm lớn nhất của Vishal hiện nay là giải phóng gánh nặng cho Vikramaditya và Vikrant, vì chỉ một trong hai tàu này có thể sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm bất kỳ.
Theo chuyên gia quân sự Robert Beckhusen, đối thủ chính của tàu sân bay Ấn Độ sẽ là Pakistan và Trung Quốc. Hiện nay, để có thể trực tiếp đe doạ đối phương, tàu sân bay nhỏ như Vikramaditya và Vikrant phải áp sát vùng biển gần bờ, khiến chúng nằm trong tầm đe dọa của tên lửa bờ và tàu ngầm. Kể cả khi Vishal được biên chế, mối đe doạ từ không quân Pakistan và Trung Quốc sẽ buộc hải quân Ấn Độ dành tới 50% tiêm kích trên hạm để phòng thủ, hạn chế khả năng tiến công của lực lượng này.
Đòn tấn công từ tàu sân bay Ấn Độ cũng khó mang lại hiệu quả thực tế, khi số lượng máy bay đủ sức thực hiện nhiệm vụ tấn công chỉ chưa đầy 10 chiếc. Điều này khiến tàu sân bay Ấn Độ khó có thể thực hiện hiệu quả đòn tấn công đối phương, vì phải dành phần lớn lực lượng để tự vệ.
Tàu sân bay là biểu tượng quân sự đắt đỏ mà Ấn Độ không muốn đánh mất. Trong bối cảnh hiện nay, tham vọng hàng không mẫu hạm 25 tỷ USD của New Delhi chủ yếu mang tính biểu tượng, cũng là cách để mang lại việc làm cho các nhà máy đóng tàu, Beckhusen nhận định.
Tác giả: Việt Hòa
Nguồn tin: Báo VnExpress