Xã hội

Tâm thư của ông lão xe ôm sau vụ xung đột với GrabBike

Ngay sau vụ xung đột giữa xe ôm truyền thống và GrabBike ở Bến xe An Sương, 1 xe ôm truyền thống đã có những chia sẻ rút ruột

Chiều 26-9, trong bộ dạng đầy lo lắng ông N.V.H., 61 tuổi tìm đến Báo Người Lao Động để tâm sự câu chuyện về nghề xe ôm truyền thống sau vụ việc tài xế GrabBike và xe ôm truyền thống xung đột và dẫn đến việc nhiều tài xế GrabBike tụ tập đòi "ăn thua đủ" với xe ôm truyền thống ở Bến xe An Sương, TP HCM.

Để rộng đường dư luận, Báo Người Lao Động xin trích đăng lại toàn bộ lời tâm sự của ông H. với mong muốn nhận được sự đón nhận của dư luận, giới GrabBike:

"Trước hết, tôi xin gửi lời thăm hỏi đến anh, em GrabBike, nhất là người liên quan đến vụ xung đột hôm 25-6 vừa qua. Hôm đó, một vài người vì quá bức xúc trước việc miếng cơm, manh áo bị tranh giành nên có hành động không phải.

Điều gì cũng có lý do, việc hoạt động, đón khách của xe ôm truyền thống ở Bến xe An Sương phải bốc số thứ tự, xếp hàng chờ đến lượt. Từ 2 năm nay vắng khách, nguồn sống của chúng tôi hẹp dần. Có anh trong đội xe ôm, vợ bệnh ngày chạy chỉ vài ba cuốc xe, thu về hơn 50.000 đồng. Không tiền, phải vay mượn khắp nơi đến giờ gồng gánh cực khổ. Có người lớn tuổi bỏ nghề đi làm phụ hồ nhưng sức khỏe không bảo đảm đành quay lại xe ôm sống lay lắt.

Một người xe ôm truyền thống ngủ trưa trong giờ vắng khách - Ảnh: Hoàng Triều.

Nói vậy chắc sẽ có người hỏi vậy sao không chuyển qua chạy GrabBike để có nhiều tiền hơn? Nói thật, anh em trong Đội xe ôm tự quản Bến xe An Sương cũng đã tính tới chuyện vừa hoạt động xe ôm truyền thống vừa đăng ký Grab, Uber để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đăng ký được, bởi người thì không biết chữ, người thì dù có chỉ xài điện thoại công nghệ nhiều lần vẫn không thể sử dụng được, số khác đã hơn 60 tuổi cũng không thể đăng ký.

Lớn tuổi ai chẳng muốn được nghỉ ngơi nhưng vẫn phải nai lưng làm vì hầu hết ai cũng là trụ cột gia đình. Hôm qua đến giờ bản thân tôi trăn trở và suy nghĩ rất nhiều. Vì sao tôi, một lao động tử tế nhưng lại bị nhiều người trên mạng xã hội gọi là "côn đồ", "kẻ chiếm lĩnh lãnh địa".

Thật khó mà nói bên nào đáng thương hơn bên nào, bởi chúng ta cũng vì mục đích kiếm tiền và phụ giúp gia đình. Tôi cũng mệt mỏi với việc xung đột như hiện nay.

Thôi, hòa hảo được không mấy anh em GrabBike?"

Tác giả: YÊN PHÚ ghi

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: ông lão xe ôm , GrabBike , tâm thư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP