Câu chuyện về ông Phùng Văn Hinh (68 tuổi, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) và anh Nguyễn Hy Na (30 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) hiến thận, giác mạc cứu cuộc đời 6 bệnh nhân làm nhiều người cảm phục. Càng đi sâu vào tìm hiểu lại càng thấy xúc động.
Hàng chục năm nay, căn nhà nhỏ của ông Phùng Văn Hinh ở quốc lộ 20, đoạn qua ấp 4, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai, luôn treo tấm biển “Điểm hỗ trợ quan tài cho hộ nghèo & hoàn cảnh khó khăn. Chương trình Mổ mắt từ thiện. Tình nguyện hiến máu cứu người”. Đây là điểm mà ông Hinh dùng để làm việc thiện nguyện.
Ông Phùng Văn Hinh - người giành cả đời để làm việc thiện |
Anh Phùng Hiệu (con trai cả ông Hinh) chia sẻ, cha anh bắt đầu làm việc thiện cách đây 35 năm. Từ cứu giúp người bị tai nạn, hỗ trợ mua quan tài, đất chôn, tới hiến máu nhân đạo, ông làm bất cứ việc gì trong khả năng cho phép để giúp đỡ người khác.
Công việc thiện nguyện của ông Hinh bắt đầu từ năm 1983, hỗ trợ những người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Người nhẹ ông giúp băng bó, ai nặng ông dùng xe đưa tới trùn tâm y tế huyện Định Quán. Đến nỗi tất cả các y bác sĩ ở đây đã quen mặt ông Hinh.
Chứng kiến cảnh y bác sĩ cứu chữa người bị nạn, phải thường xuyên đối mặt với việc thiếu máu truyền cho người bệnh, ông Hinh nghĩ ngay tới việc hiến máu nhân đạo. Suốt nhiều năm sau đó, ông Hinh đã 50 lần tham gia hiến máu.
Tới năm 60 tuổi, vì độ tuổi không cho phép được hiến máu, ông lại đi vận động những người trẻ tham gia hiến máu. Có không ít người đã được cứu sống bởi từ những giọt máu nhân đạo đó.
Theo lời anh Hiệu, cách đây nhiều năm, trong một lần đi trên sông La Ngà, cha anh nghe tiếng khóc của cô gái trẻ khi người mẹ già qua đời nhưng không đủ tiền mua quan tài, không có đất chôn.
Khi ấy ông Hinh về tìm vợ, đề cập chuyện giúp đỡ gia đình cô gái và được vợ đồng ý. Do không đủ tiền, hai vợ chồng ông Hinh đã bán đi mớ tiêu, cùng chiếc ti vi – tài sản quý nhất trong nhà lúc đó, rồi mua giúp cho mẹ cô gái chiếc quan tài cùng miếng đất để cô chôn cất mẹ.
Từ câu chuyện của gia đình cô gái, ông Hinh biết những gia đình sống trên thuyền ở sông La Ngà thường không có đất chôn, không có tiền mua quan tài, nên mỗi khi họ có người mất, ông lại tìm tới các trại hòm đặt vấn đề giảm 1 nửa số tiền, nửa còn lại ông và mọi người sẽ giúp.
"Cuộc đời cha tôi sinh ra là để là từ thiện, mà những việc thiện không giống ai. Ông dùng toàn bộ số tiền buôn bán, tích góp, con cái cho để giúp đỡ người khác", anh Phùng Hiệu chia sẻ.
Từ nguồn tạng của ông Hinh, đã hồi sinh nhiều cuộc đời |
Không chỉ làm việc thiện lúc còn khỏe, ông Hinh còn muốn giúp đỡ mọi người kể cả khi đã mất. 10 năm trước, ông đã đồng ý hiến xác cho bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM khi mất đi. Đầu năm nay, khi nghe các câu chuyện về hiến tạng, ông Hinh còn tìm tới bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến các bộ phận cơ thể mình.
Lúc còn sống, ông Hinh tự mình viết giấy dán trên vách tường để nhắc cho người nhà biết về ước nguyện này của mình.
Anh Phùng Hiệu kẻ rằng sức khỏe cha anh vẫn còn rất tốt. Mỗi tuần ông vẫn chạy xe máy từ Định Quán lên TP.HCM thăm các con rồi chạy ngược về nhà. Tuy nhiên, vào buổi trưa 25/5, khi qua hàng xóm đánh cờ, ông bị đột quỵ, rơi vào hôn mê sâu. Bác sĩ chẩn đoán ông đã chết não, không thể nào qua khỏi.
Nhớ tới di nguyện của người cha, anh Hiệu cùng các anh em trong gia đình vội đưa ông lên TP.HCM. Do không thể đồng thời hiến tạng và hiến xác ở 2 bệnh viện, gia đình anh Hiệu quyết định sẽ hiến tạng của người cha ở bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngay trong ngày hôm đó, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca phẫu thuật nhận tạng từ ông Phùng Văn Hinh. Nhờ 2 quả thận của ông Hinh mà 2 người bị suy thận mãn đã được hồi sinh.
Thi thể ông Hinh sau đó được người thân đưa về quê để an táng theo phong tục địa phương.
"Tôi rất mừng khi di nguyện cuối đời của cha tôi đã được thực hiện. Cả đời cha tôi làm thiện nguyện, tới cuối đời vẫn muốn hiến thân xác giúp người. Tôi và em trai cũng muốn noi gương cha, 2 anh em sẽ đăng ký hiến tạng", anh Phùng Hiệu chia sẻ.
Giáo sư Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu Thận học TP HCM cho biết đây là việc ghép tạng từ người cho tim ngừng đập gặp nhiều khó khăn hơn so với phương pháp ghép thận từ người cho sống hay ghép thận từ người cho chết não.
Thành quả của kỹ thuật ghép từ người cho tim ngừng đập giúp người bệnh có thêm nguồn nhận tạng hiến, mở ra cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh đang trong tình trạng suy thận giai đoạn cuối.
Tác giả: Văn Đức
Nguồn tin: Báo VietNamNet