Khoa học

Sự thật về cái chết hụt đầy "bí hiểm" của bà Phan Thị Bích Hằng (P1)

Có một công thức chung đã được mặc định: Những con người có khả năng siêu phàm trong giới ngoại cảm, cô đồng thường phát hiện ra khả năng huyền diệu của mình sau những lần thập tử nhất sinh đầy kỳ bí. Trường hợp bà Phan Thị Bích Hằng cũng không phải là một ngoại lệ.

Câu chuyện về cái chết hụt kỳ bí mà bà Phan Thị Bích Hằng kể lại (được ghi hình, không hiểu bằng cách nào bị phát tán tràn lan trên mạng) được coi là bước ngoặt khiến người phụ nữ này, từ một thiếu nữ thôn quê bình thường trở thành một nhà ngoại cảm. Với nhiều người, chính cái chết hụt đó đã “khai sinh” ra một “huyền thoại” ngoại cảm.

Cái chết huyền bí

Theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, bà Hằng sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nghèo thuộc xã Khánh Hòa, Yên Khánh, Ninh Bình. Năm 1990, khi 17 tuổi, vừa thi đại học về, Hằng cùng một cô bạn gái đang đi trên đường bỗng có một con chó nhảy xổ ra cắn. Hằng bị cắn vào chân trái, cô bạn gái bị cắn vào tay trái. Cũng như người dân ở các vùng nông thôn, Hằng và cô bạn cảm thấy chuyện bị chó cắn rất bình thường, rồi quên ngay sau đó.
Khoảng một tháng sau, cô bạn đột nhiên không nói được nữa, hàm răng cứng lại. Nghĩ là bị đau răng, Hằng đưa cô bạn đi khám. Bác sĩ nha khoa kiểm tra và khẳng định không phải do đau răng. Hai người lại đưa nhau đến Bệnh viện Quân y 5 Ninh Bình.
Sau khi khám xét, bác sĩ bảo bạn gái của Hằng có triệu chứng của người bị bệnh dại. Tưởng như đất dưới chân sụt xuống, tử thần đã nắm tay mình dắt đi, Hằng nói: “Đúng như vậy. Cháu và cô bạn đều bị một con chó cắn”. Sau hôm đó, Hằng cũng hôn mê bất tỉnh. Cô bạn thân đã qua đời.
Gia đình đưa Phan Thị Bích Hằng đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song các bác sĩ, thầy lang đều lắc đầu, bởi bệnh này từ xưa đến nay không ai chữa khỏi. Khi đến nhà một ông thầy lang theo đạo Thiên Chúa giáo, ông xem xét kỹ biểu hiện cơ thể rồi nói một câu: “Chúa lòng lành sẽ che chở cho con”.

Sau đó, ông bảo người con trai ra nghĩa địa lấy một mảnh ván quan tài mà người ta vừa bốc mộ lên hôm trước, rồi bào chế với vài vị thuốc. Để giành giật giữa sự sống và cái chết, gia đình Hằng liền cho cô uống ngay vị thuốc này.
Sau khi uống thuốc, ông thầy lang bảo với bố mẹ Hằng: Sau 3 tiếng đồng hồ, cháu sẽ cảm thấy nóng khắp người, lên cơn sốt mê man, nói sảng, thậm chí lên cơn điên cắn xé. Nếu 3 ngày sau cháu hết cơn thì cháu sống được còn nếu lên cơn trở lại thì cháu không sống được nữa. Tôi rất muốn cứu cháu nhưng khả năng của tôi chỉ có vậy.Đúng như lời ông thầy lang nói, 9h tối Hằng lên cơn cắn xé điên cuồng, đến 11h đêm mới thiếp đi. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai không thấy triệu chứng gì. Ngày thứ ba, khi cùng người anh trai của cô bạn gái đã mất ra mộ thắp hương thì đột nhiên Hằng cảm thấy có một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng. Hằng liền nói: “Anh đưa nhanh em về, em sắp lên cơn điên rồi”. Từ đấy, Hằng không còn biết gì nữa.
Vẫn theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, đến 1h sáng hôm sau, gia đình không còn hy vọng bởi Hằng đã hoàn toàn tắt thở. Bình thường, những người trẻ tuổi như Hằng ở quê được khâm liệm rất nhanh rồi đem chôn, không tổ chức lễ tang, kèn trống.
Thế nhưng, có một ông cụ dạy chữ nho ở làng rất giỏi tử vi vào nhà Hằng, sau một hồi tính toán, ông bảo: “Thứ nhất, chưa qua giờ Thìn không được khâm liệm cháu; thứ hai, cứ để nó nằm như thế, không được thắp hương”.
Lúc đó, một ông bác sĩ nói: “Tốt nhất đậy mặt cháu lại, để gia đình đi chuẩn bị cho cháu, tại sao cụ lại nói vậy”. Ông cụ đó nói tiếp: “Các anh thì có cả một nền y học hiện đại, còn tôi chỉ là tàn hương nước thánh, nhưng tôi khẳng định nó không chết”. Nghe cụ già và bác sĩ tranh cãi, gia đình Hằng rất hoang mang, không biết xử trí thế nào. Thế nhưng, ai đi mua gỗ đóng quan tài cứ đi, ai ngồi chờ xem lời ông cụ linh ứng thế nào thì cứ chờ.
Cũng theo lời kể của bà Hằng, hồi khắc khoải chờ chết, Hằng có hỏi bố (bố Hằng là quân nhân): “Vì sao những vị lãnh đạo khi chết người ta lại bắn 7 loạt đại bác”, bố Hằng trả lời: “Để linh hồn mau siêu thoát”. Nghe bố nói vậy, Hằng liền bảo: “Khi con mất bố bắn cho con bảy phát đạn để con mau siêu thoát trở về với gia đình mình”.
7h sáng hôm đó bố Hằng mới về đến nhà. Trông thấy đứa con gái tội nghiệp tắt thở nằm đó ông không kìm được nước mắt. Nhớ lời hứa với đứa con gái, ông lôi súng ngắn ra bắn. Tiếng súng nổ làm Hằng bật tỉnh dậy và phản xạ đầu tiên là lao ra phía tiếng súng gọi: “Bà ơi!”.
Hằng đạp phải những vỏ đạn và ngã rất mạnh xuống sân. Mọi người liền khiêng cô vào trong nhà. Sau khoảng nửa tiếng, Hằng tỉnh lại hoàn toàn. Khi đó, một cảm giác rất kỳ lạ đến với cô. Thân thể dường như mất trọng lượng, như đang bay và nhìn mọi người như ở một thế giới khác.
Theo lời Hằng, trong thời gian 30 phút bất tỉnh do trượt ngã đập đầu xuống sân, cô thấy bà nội và bà ngoại (cả hai đều đã mất) gọi cô. Hằng thấy mình đang đi qua một cây cầu bắc qua con sông lớn với mây mờ sương khói bao phủ. Phía bên kia cầu, bà ngoại cùng rất nhiều người đứng vẫy tay, bà nội thì đứng bên bờ này kéo lại.
Cố vùng vẫy, Hằng tuột khỏi tay bà…
…Nhưng làng quê, bạn bè không ai biết

Phan Bích Hằng đã giúp nhiều gia đình tìm được hài cốt Liệt sĩ bị thất lạc?
Cái chết “hụt” của bà Phan Thị Bích Hằng được nhiều tờ báo dẫn lại. Thậm chí, không hiểu bằng cách gì, nó còn được in thành những bộ đĩa bán rất chạy bên ngoài thị trường.

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm về ngôi làng nơi bà Hằng và gia đình từng sinh sống, nhiều người lại không hề hay biết về câu chuyện này, và đó thực sự là một khoảng tối cần làm rõ.
“Vợ chồng tôi và ông bà Thọ (bố mẹ của Bích Hằng – PV) vốn rất thân thiết. Mối quan hệ giữa hai gia đình lại càng thêm thân khi thằng Thuần, con trai tôi và Bích Hằng học cùng nhau và giữa hai đứa có nảy sinh tình cảm yêu đương. Tuy nhiên, sau này vì cái duyên, cái số mà hai chúng nó không đến được với nhau”, bà Cạnh, vợ của ông Vũ Văn Trai, là người cùng xóm với nhà bà Phan Thị Bích Hằng tâm sự.
Tuy nhiên, khi cộng tác viên báo Giáo dục Việt Nam dò hỏi về đám tang đầy màu sắc huyền bí với những phát súng chát chúa thì người hàng xóm thân mật, sống cách nhà gia đình bà Phan Thị Bích Hằng ở quê chưa đầy 300m này lại lắc đầu: “Đám tang nào nhỉ? Tôi không biết! Cái Hằng nó có chết thực vật hồi nào đâu mà bảo nó có đám tang”.
“Ngày xưa, tôi và Bích Hằng có học cùng một lớp. Tôi cũng từng có mối quan hệ yêu đương với Bích Hằng nhưng quả thực về cái chết hụt của cô ấy và cái đám tang như lời anh kể thì tôi không biết gì”, anh Thuần, con trai của bác Cạnh tiếp lời.
Khi phóng viên – trong vai 1 sinh viên ngành nhân văn tìm tư liệu viết bài về Bích Hằng đặt câu hỏi: “Vậy còn nhân vật nữ là người cùng làng bị chó dại cắn rồi sau đó tử vong mà chị Bích Hằng kể thì anh có biết không? Theo lời chị Hằng, người này là bạn học cùng lớp, lại là chỗ bạn thân thì chắc anh phải biết chứ?” anh Thuần suy tư một hồi rồi nói: “Nhân vật nữ nào nhỉ? Lớp tôi học không hề có bạn nào bị chó dại cắn chết. Làng tôi sống cũng không có ai học cùng tôi bị chó dại cắn cả”.
Chúng tôi tiếp tục nhập vai sinh viên ngành nhân văn, tìm gặp thầy Nguyễn Tử Nhiên, giáo viên chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của Bích Hằng và anh Thuần (Lớp A2 khóa 1986 – 1988 Trường cấp 3 Yên Khánh B – PV). Khi được hỏi về cô học trò Phan Thị Bích Hằng, người thầy giáo già trầm ngâm nhớ lại: Bích Hằng là một học trò thông minh, có đôi mắt sáng và khả năng cảm thụ văn học rất tốt.
Tuy nhiên, cũng như bà Cạnh và anh Thuần, thầy Nhiên tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi phóng viên hỏi những thông tin về cái chết lâm sàng của bà Phan Thị Bích Hằng do chó dại cắn. Thầy Nhiên nói: “Tôi không biết nhưng chắc là không có thông tin này. Học sinh của tôi cũng không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
Tiếp tục bổ sung thêm thông tin, chúng tôi được thầy Nhiên cho số điện thoại của anh Vũ Văn Chinh, là học trò cũ của thầy Nhiên và là bạn cùng lớp cấp 3 với Bích Hằng. Qua nói chuyện, anh Chinh cũng khẳng định: “Tôi cũng chỉ mới nghe kể là Bích Hằng bị chó dại cắn rồi chết lâm sàng. Lớp tôi học cũng không có ai bị chó dại cắn chết cả”.
Trong khi đó, ông Phạm Gia Huấn, nguyên cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình lại cho hay: “Tôi là người cùng xã với cô Hằng, vợ tôi lại công tác cùng với dì ruột và bố cô Hằng ở xã. Việc cô Hằng bị chết lâm sàng và có tổ chức đám tang thì tôi không biết nhưng việc cô Hằng bị chó dại cắn là có. Hồi đó, tôi có đến nhà thăm cô Hằng. Tuy nhiên, thông tin về người bạn học cùng, là người cùng làng bị chó dại cắn chết thì tôi cũng không biết”.
Khi có được thông tin trên, phóng viên đã đến gặp trực tiếp mẹ đẻ của Phan Thị Bích Hằng là bà Thọ. Trong vai một người có người nhà bị chó dại cắn, phóng viên khẩn khoản nhờ bà Thọ: “Cháu đến đây là vì cháu đọc báo đài thấy bảo cô Phan Thị Bích Hằng từng bị chó dại cắn rồi nhờ được một ông lang cho uống vị thuốc lạ có gỗ ván thôi. Vậy mong bà chỉ bảo giúp địa chỉ của ông lang mà cô Hằng hay kể tới trên báo đài để cháu tới lấy thuốc”.Sau ít giây ngập ngừng, bà Thọ nói: “Đó là ông lang Rồng, nhà ở Ninh Sơn, Ninh Bình. Nhưng ông ấy chết được mấy năm rồi”.Theo lời chỉ dẫn của bà Thọ, phóng viên tìm đến phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình. Nếu căn cứ theo lời kể của bà Phan Thị Bích Hằng, có thể hiểu đây là vị thầy lang đã nói với bà Hằng câu: “Chúa sẽ ban phước lành cho con”. Đúng như lời bà Thọ nói, ông lang Rồng đã qua đời. Phóng viên tìm đến hiệu thuốc mang tên ông nhưng đang được quản lý bởi anh Phạm Văn Hà, là con trai thứ hai của ông lang Rồng. Anh Hà cho biết: “Đúng là bố tôi có chữa chó dại cắn cho bà Phan Thị Bích Hằng. Tuy nhiên, bố tôi là người theo đạo Phật chứ không phải đạo Thiên chúa và Bích Hằng cũng chưa hề đến nhà tôi mà chỉ có người nhà của cô ấy đến lấy thuốc nên bố tôi không thể nói với cô ấy câu: “Chúa sẽ ban phước lành cho con”.
Còn tiếp…

Gia Đình và Cuộc Sống

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP